Nhà đầu tư thờ ơ với điện khí LNG

0:00 / 0:00
0:00
Dù 5 liên danh trong danh sách nhà đầu tư được gửi thư mời tham gia thầu tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn đều có “tên tuổi” trong ngành, nhưng không có hồ sơ nào được nộp.
Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3-4 là dự án điện khí đầu tiên và duy nhất đi vào hoạt động hiện nay.

Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3-4 là dự án điện khí đầu tiên và duy nhất đi vào hoạt động hiện nay.

Bảo lãnh dự thầu lớn

Dù thời điểm đóng thầu đã được điều chỉnh chậm hơn gần chục ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ biến động và khung giá mua điện từ khí LNG năm 2025 tăng cao, nhưng vẫn không có hồ sơ nào được nộp vào ngày 19/6/2025 để Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn có thể “chọn mặt gửi vàng”.

Trước đó, tại thời điểm phát hành lại hồ sơ mời thầu, danh sách ngắn các nhà đầu tư nhận được lời mời gồm có Liên danh SOVICO - JERA (Nhật Bản), PV Power - T&T Group, Liên danh Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOGAS - Daewoo - Anh Phát Group, Gulf Energy (Thái Lan), SK Innovation (Hàn Quốc). Tuy nhiên, việc không có hồ sơ nào được nộp gây bất ngờ với nhiều người quan tâm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T (thành viên của T&T Group) cho hay, nguyên nhân chính khiến các bên không mặn mà tham gia dự thầu Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn chủ yếu liên quan đến các điều khoản dự thầu, đặc biệt là điều kiện phải nộp bảo lãnh dự thầu 1% tổng mức đầu tư.

Theo tính toán, ở Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn, số tiền phải nộp bảo lãnh dự thầu lên tới khoảng 22 triệu USD. Đáng nói là, nhà đầu tư sau khi trúng thầu còn phải đàm phán hợp đồng với tỉnh, Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ((EVN), chứ không phải trúng thầu là bắt tay vào triển khai được.

“Dự án có quy mô lớn, nên việc đàm phán không biết lúc nào mới xong, có rủi ro là không đàm phán được. Vì vậy, với điều kiện dự thầu như vậy, không nhà đầu tư nào muốn tham dự”, ông Nguyễn Thái Hà chia sẻ.

Được biết, để tăng sức hút cho gói thầu quốc tế trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh các tiêu chí kỹ thuật và năng lực tài chính trong hồ sơ mời thầu, giảm mức bảo đảm dự thầu từ hơn 580 tỷ đồng xuống còn 275 tỷ đồng.

Quan sát quá trình đấu thầu Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn, cũng như việc triển khai các dự án điện khí LNG khác thời gian qua, ông Phạm Hữu Hiển, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Bình Phước cho hay, dự án điện khí LNG hiện phải đối mặt với một số thách thức, như cam kết sản lượng mua điện hàng năm trong PPA thấp, khiến nhà đầu tư khó vay vì không chứng minh được dòng tiền ổn định đủ trả nợ.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu có sự biến động quá lớn trong thời kỳ thế giới quá bất ổn. Chưa kể, tham gia là tốn tiền bảo lãnh dự thầu, nếu “thắng” thì phải nộp bảo lãnh thực hiện dự án cũng tốn số tiền rất lớn, thường là 1-1,5% tổng mức đầu tư trong hồ sơ mời thầu (quy định dao động từ 1-3%). “Thế giới đang tiết giảm chi phí khắp nơi, các tập đoàn cũng phải tính toán kỹ, chôn vốn là chết”, ông Phạm Hữu Hiển nói.

Chỉ định thầu cũng không dễ hơn

Theo quy hoạch hiện hành, Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn công suất 1.500 MW đóng vai trò là một trong những nguồn điện chiến lược của khu vực Bắc Trung bộ và miền Bắc trong giai đoạn 2025-2030.

Có ý kiến cho rằng, việc SK Group đề nghị chỉ định mình là nhà đầu tư một số dự án điện khí LNG tại Việt Nam, trong đó có Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn và nhận được sự ủng hộ của địa phương khiến các nhà đầu tư khác không còn mặn mà nộp hồ sơ.

Tuy nhiên, nhìn thực tế triển khai các dự án điện khí LNG đã có nhà đầu tư, cũng thấy rằng, kể cả được chỉ định thầu, cũng sẽ không nhanh như nhiều người chờ mong. Chuyên gia độc lập về năng lượng Phan Xuân Dương cho hay, dù có được chỉ định thầu, thì SK Group sẽ phải mất nhiều thời gian mới có được các điều kiện vay ngân hàng và thực thi dự án.

Nổi bật trong số này chính là sản lượng hợp đồng hàng năm. Nghị định 56/2025/NĐ-CP quy định, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn (Qc) cho các dự án nhiệt điện dùng khí LNG nhập khẩu là không thấp hơn mức 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án nhiệt điện khí và được áp dụng trong thời hạn trả nợ gốc và lãi vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày đưa dự án vào vận hành phát điện.

Tuy nhiên, con số trên thấp hơn nhiều so với mong muốn của nhà đầu tư nước ngoài là 80-90% và thời gian 15-20 năm, nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định cho toàn bộ thời gian trả nợ của chủ đầu tư, giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình tham gia thị trường điện…

“PPA cam kết Qc chỉ là 65%, nhưng có thể năm mưa ít, nóng nhiều thì sản lượng mua thực tế cao hơn mức này. Tuy nhiên, như năm 2025 mưa nhiều, thủy điện lắm nước, nhu cầu tiêu thụ lại thấp, thì điện khí dù được chào 0 đồng, cũng chưa chắc đã được huy động. Như vậy, Qc cả năm có thể chỉ đảm bảo 65% và khó thuyết phục được bên cho vay”, một chuyên gia nhận xét.

Với thực tế hàng loạt dự án điện khí LNG đã được cấp chủ trương đầu tư, có nhà đầu tư vẫn đang miệt mài chuẩn bị đầu tư và chưa ký được PPA, có thể thấy, mục tiêu có tổng công suất các nguồn điện LNG đạt 22.524 MW vào năm 2030 đầy thách thức.

Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn

Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 11/3/2024, dự kiến công bố kết quả trúng thầu vào quý IV/2024. Tháng 9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP yêu cầu dừng lựa chọn nhà đầu tư với các dự án chưa có hồ sơ dự thầu trước ngày 1/8/2024.

Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) tác động lớn đến trình tự, thủ tục thực hiện Dự án. Cụ thể, khoản 10, Điều 255 của Luật quy định, chỉ tiếp tục giao đất không qua đấu giá, nếu nhà đầu tư đã được lựa chọn hợp pháp trước ngày Luật có hiệu lực, khiến nhiều dự án chuyển tiếp phải làm lại từ đầu.

Từ tháng 10/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN để thống nhất lại các nội dung quan trọng, trong đó có dự thảo hợp đồng mua bán điện. Ngày 13/10/2024, quyết định chính thức hủy mời thầu lần đầu được ban hành.

Dự án được tái mời thầu từ ngày 8/4/2025 và dự kiến đóng thầu ngày 10/6/2025. Tuy nhiên, đến sát thời hạn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều chỉnh thời điểm đóng thầu sang ngày 19/6 để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ biến động và khung giá mua điện từ khí LNG năm 2025 tăng cao. Nhưng kết quả vẫn không có hồ sơ nào được nộp.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa quyết định tiếp tục gia hạn thời điểm đóng thầu và đang nỗ lực sửa đổi hồ sơ mời thầu nhằm tăng tính hấp dẫn, đảm bảo yêu cầu pháp lý và kỹ thuật của Dự án.

Tin bài liên quan