Dự án Khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt vẫn chờ thẩm định

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt vẫn đang chờ Bộ Xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Hiện nay, tuyến đường sắt răng cưa đang khai thác đoạn tuyến ga Trại Mát - ga Đà Lạt. Trong ảnh: Ga Đà Lạt

Hiện nay, tuyến đường sắt răng cưa đang khai thác đoạn tuyến ga Trại Mát - ga Đà Lạt. Trong ảnh: Ga Đà Lạt

Trả lời câu hỏi của phóng viên Baodautu.vn (Báo Tài chính - Đầu tư) về tiến độ thực hiện Dự án Khôi phục lại tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt, ông Nguyễn Thành Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, quy mô dự án có chiều dài khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).

Theo đó, dự án sẽ khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát với chiều dài khoảng 76,8 km; nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt là đoạn tuyến đang khai thác với chiều dài khoảng 6,7 km.

Về tiến độ thực hiện dự án, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thông tin, Cục đường sắt Việt Nam đã có tờ trình số 2146, ngày 21/9/2023 gửi Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) với đại diện là Cục Đường sắt Việt Nam; đơn vị chuẩn bị dự án là Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng.

Kế hoạch thực hiện dự án dự kiến gồm giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ cuối năm 2022 đến tháng 12/2024; giai đoạn thực hiện dự án từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2029; chạy thử và vận hành thử từ tháng 6 đến tháng 12/2029; vận hành thương mại từ năm 2030.

Dự án được phân chia thành 3 dự án thành phần gồm hạng mục bồi thường, di dời và tái định cư; đầu tư xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đoạn ga Tháp Chàm - ga Trại Mát (gồm công trình nền đường, cầu, hầm, cống, nhà ga, đường ray, đường gom và các công trình xây dựng phụ trợ khác; mua sắm, lắp đặt thiết bị và phương tiện): đoạn tuyến ga Trại Mát - ga Đà Lạt đang khai thác.

Tổng mức đầu tư 24.902 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 9.900 tỷ đồng (ngân sách trung ương hoặc địa phương) cho hạng mục chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và 1 phần hạng mục cơ sở hạ tầng; vốn của nhà đầu tư là 15.002 tỷ đồng.

Loại hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng kết hợp BOT và O&M (nhà nước nhượng quyền vận hành toàn bộ hay một phần cơ sở hạ tầng cho nhà thầu).

Sau tờ trình của Cục Đường sắt Việt Nam, ngày 2/10/2023, Bộ Giao thông vận tải (cũ) yêu cầu bổ sung hoàn thiện nội dung sử dụng vốn nhà nước và hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Tiếp đến, ngày 30/10/2023, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (cũ) để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo yêu cầu.

Song Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đề cập, đến thời điểm ngày 10/7/2025, Bộ Xây dựng chưa có kết quả thẩm định về nội dung dự án.

”Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Cục đường sắt Việt Nam tham mưu UBND tỉnh trong công tác hoàn thiện chủ trương xây dựng khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt”, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thông tin.

Ngày 5/3/2025, UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc với đoàn công tác Cục 2 đường sắt Trung Quốc về Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm.

Tại buổi làm việc ông Quản Hòa Bình, đại diện Cục 2 đường sắt Trung Quốc thông tin, phía Trung Quốc muốn được hợp tác với UBND tỉnh Lâm Đồng để khôi phục đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm.

Tin bài liên quan