
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.
Vì sao ông cho rằng, trong tương lai gần, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cần dựa vào xuất khẩu?
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,09%, đưa quy mô GDP lên trên 476 tỷ USD, trong đó, xuất siêu hàng hóa đạt 24,77 tỷ USD. Như vậy, hoạt động xuất khẩu chỉ đóng góp vào GDP khoảng 5,2%. Tỷ lệ này trong những năm trước và 6 tháng đầu năm nay cũng tương tự. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đóng góp vào tăng trưởng GDP không nhiều, nhưng xuất khẩu hàng hóa trong tương lai gần vẫn là một trong 3 động lực chính của kinh tế Việt Nam.
Bởi vì, chỉ khi đẩy mạnh được xuất khẩu, thì mới khuyến khích được hoạt động đầu tư, sản xuất trong nước, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tạo việc làm cho người lao động, ngân sách nhà nước tăng thu mới có nguồn tài chính để đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội... Người lao động có thu nhập, thì mới phát triển được thị trường nội địa.
Tăng cường xuất khẩu hàng hóa, thì mới có nguồn ngoại tệ để nhập khẩu thiết bị, dây chuyền, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất trong nước và nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu mà trong nước chưa sản xuất được. Có nguồn ngoại tệ nhờ xuất siêu hàng chục tỷ USD mỗi năm mới bảo đảm được dự trữ ngoại hối, dự trữ ngoại tệ để duy trì tỷ giá ở mức hợp lý, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, từ đó bảo đảm thu nhập thực tế của người dân.
Các quốc gia trong giai đoạn đầu phát triển đều phải dựa vào xuất khẩu, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Như ông vừa phân tích, hoạt động xuất khẩu đã và đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, vì sao trong tương lai, cần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng?
Tăng trưởng GDP đạt được 7,52% trong nửa đầu năm nay có sự đóng góp từ xuất siêu hàng hóa 7,63 tỷ USD. Dưới góc độ sản xuất, hầu hết hoạt động sản xuất đều duy trì ổn định và tăng trưởng khá, mức độ tăng trưởng khá đồng đều giữa các khu vực kinh tế, loại hình kinh tế chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu diễn ra sôi động với tổng kim ngạch đạt khoảng 220 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong tương lai gần, để tăng trưởng kinh tế cao như mục tiêu đã đặt ra, thì xuất khẩu hàng hóa vẫn là một trong những động lực chính.
Dưới góc độ sử dụng, tăng trưởng kinh tế được đo bằng tiêu dùng cuối cùng, tích lũy và xuất nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95%, đóng góp tới 84,2% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế. Như vậy, rõ ràng, để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phải dựa vào thị trường nội địa (tiêu dùng cuối cùng).
Nhưng trên thực tế, thị trường trong nước còn yếu, thậm chí chưa quay trở lại mức phát triển trong giai đoạn trước Covid-19?
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường nội địa tăng 9,3%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,2%. Đúng là nếu so với giai đoạn trước Covid-19 (thị trường nội địa tăng bình quân 11 - 12%/năm), thì mức tăng này chưa bằng, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, thì đã có bước khởi sắc (cùng kỳ năm 2024 tăng tương ứng 8,9% và 6%).
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 8% trở lên. Để đạt mục tiêu này, thị trường nội địa phải tăng ít nhất 12%. Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành cao nhất mục tiêu. Theo đó, phấn đấu tăng trưởng kinh tế 8,3 - 8,5% trong năm nay, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư - kinh doanh..., đặc biệt là phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa.
Vậy theo ông, cần giải pháp gì để phát triển thị trường nội địa?
Muốn phát triển được thị trường nội địa, thì phải tăng được chi tiêu khả dụng của người dân, trong đó, thu nhập của người lao động là một nhân tố. Để người dân mạnh dạn chi tiêu, thì vấn đề quan trọng không kém là người dân phải có việc làm. Trong nửa đầu năm nay, số lao động có việc làm là gần 52 triệu người, tăng hơn 538.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Một yếu tố nữa để người dân không “thắt lưng buộc bụng” là họ có niềm tin vào tương lai. Vấn đề này, trong những năm gần đây, Việt Nam làm rất tốt, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, giữ giá đồng nội tệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm được an sinh xã hội...
Ông dự báo thế nào về tốc độ tăng trưởng thị trường nội địa năm nay?
Theo tôi, thị trường nội địa sẽ tăng trưởng trên 12% trong năm nay, là điểm tựa rất vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi vì, ngoài các lý do như tôi vừa đề cập, vấn đề then chốt nhất là tiền để chi tiêu. Hiện tại, số tiền mà người dân đang gửi tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng khoảng 7,5 - 7,8 triệu tỷ đồng. Với mức lãi suất huy động và cho vay hợp lý, người dân sẽ tăng chi tiêu, nhất là lớp trẻ luôn có tâm lý “tiêu trước trả sau”, một khi họ yên tâm về việc làm và thu nhập.
Tiền trong dân còn rất nhiều, nếu nhìn vào tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhất là thị trường bất động sản và vàng. Nếu tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô, tạo được niềm tin về tương lai của nền kinh tế, thì việc tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lên 12 - 15%/năm là điều không khó.