Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội: Trách nhiệm trước vấn đề hệ trọng của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ trách nhiệm của thành viên Chính phủ, mà cả bản lĩnh, trách nhiệm của đại biểu trước vấn đề lớn của đất nước sẽ được cử tri giám sát trong hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Tuần này là tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Tuần này là tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Không chỉ là chống dịch

Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động được cử tri cả nước quan tâm theo dõi, bởi thường tập trung những vấn đề thực sự bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước giữa hai kỳ họp của Quốc hội, cần thông tin minh bạch, cần câu trả lời rõ ràng về giải pháp và cả về trách nhiệm.

Trong các kỳ họp khi chưa có dịch, việc lựa chọn nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn đã chẳng dễ dàng, bởi từ mỗi vị trí công tác, ở mỗi vùng miền, quan điểm ưu tiên trong chọn vấn đề chất vấn khó có thể gặp nhau hoàn toàn. Và kỳ họp thứ hai này cũng không là ngoại lệ.

Theo đề xuất ban đầu của 54 đoàn đại biểu Quốc hội, có 59 nhóm vấn đề cần chất vấn. Từ đây, 12 nhóm liên quan đến các lĩnh vực đã được chọn lựa để xin ý kiến thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chọn lấy 6 nhóm vấn đề. Rồi từ 6 nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa 5 nhóm để Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến, đề nghị tất cả các vị đại biểu chọn 4 trong 5 nhóm thuộc các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục, kế hoạch và đầu tư, công thương để tiến hành chất vấn.

Kết quả nhóm công thương đứng cuối, nhưng số phiếu thuận chỉ thấp hơn lĩnh vực đứng thứ tư là giáo dục và đào tạo 5 phiếu. Với cả 4 nhóm còn lại, các vấn đề được chọn để chất vấn đều liên quan đến việc ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Riêng nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, thì Covid-19 không một lần xuất hiện. Nhưng, cho dù thế, thì vấn đề thứ nhất được chọn là giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh chắc chắn có liên quan mật thiết đến tác động của dịch Covid-19.

Cũng dễ hiểu khi hầu hết các nhóm vấn đề đều liên quan đến chống dịch, phục hồi kinh tế và giải pháp thích ứng linh hoạt trong thời gian tới, bởi đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Quốc hội khi xem xét các chính sách lớn ở kỳ họp này.

Theo thông lệ, cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Không có nhóm vấn đề được xác định trước dành cho Thủ tướng, song theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội về nội dung đề xuất chất vấn của các đoàn đại biểu Quốc hội, thì chủ trương, giải pháp, kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với việc phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống là nội dung chất vấn đầu tiên dành cho người đứng đầu Chính phủ.

Nằm trong nội dung được đề xuất chất vấn Thủ tướng còn có việc thực hiện thẩm quyền Quốc hội giao tại Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV về áp dụng các biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, còn một số vấn đề khác như chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập và chính sách hỗ trợ, thu hút FDI; cơ chế, chính sách và giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đối với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án lớn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Ngoài ra, nguyên nhân, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan trong việc chậm ban hành quyết định đầu tư, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, lộ trình và thời gian triển khai cũng được đưa ra.

Có đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng về giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về xây dựng và hoàn thiện thể chế; trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong vấn đề tham mưu xây dựng hệ thống văn bản chính sách pháp luật, nhất là một số chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, chính sách thuế...).

Kỳ vọng hiệu ứng tích cực

Chất vấn chính là một hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội. Đề cập vấn đề này trong báo cáo tại hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực cho cả nhiệm kỳ.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, đang nghiên cứu tham mưu đổi mới cách thức tổ chức thực hiện tại kỳ họp này, làm cơ sở để triển khai áp dụng cho các kỳ họp, phiên họp sau. Trong khi chờ cách thức mới, các vị đại biểu được đề nghị tiếp tục kế thừa cách thức thực hiện “hỏi nhanh, đáp gọn” tại các kỳ chất vấn trước, mỗi lượt có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút. Người trả lời chất vấn trả lời không quá 3 phút/chất vấn.

Trường hợp đại biểu không đồng ý với câu trả lời, có thể sử đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút. Các vị đại biểu được lưu ý, thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau. Người trả lời chất vấn được yêu cầu không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu tiến hành chất vấn.

Đổi mới cách thức có thể là cần thiết, nhưng sẽ chưa đủ để tạo hiệu ứng tích cực cho cả nhiệm kỳ, như kỳ vọng. Tạo hiệu ứng tích cực là khi đại biểu không chỉ chất vấn để lấy thông tin, mà thông tin dùng để chất vấn phải chính xác và đủ sức nặng, rõ vấn đề, rõ trách nhiệm. Đó còn là khi nhận được câu trả lời chưa trúng, người chất vấn không dễ dàng bỏ cuộc mà phải theo đến cùng vấn đề, cho đến khi người trả lời thực hiện đúng lời hứa (nếu có); là khi người được trả lời không né tránh trách nhiệm, cũng không nhận trách nhiệm một cách dễ dãi, nhận chỉ để mà nhận, mà phải có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề được đại biểu nêu.

Trên hết, hiệu ứng tích cực nhất có lẽ không phải ở nghị trường, mà ở chỗ, cử tri có thể cảm nhận những vấn đề được đưa ra chất vấn có chuyển biến tích cực thực sự trong thực tiễn cuộc sống.

Quốc hội thông qua nhiều vấn đề quan trọng

Tuần này, tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sau hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách và hai ngày rưỡi chất vấn, Quốc hội bắt đầu bấm nút thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Đó là các nghị quyết về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê cũng được thông qua vào ngày cuối cùng của kỳ họp.

Các con số “khó hiểu”

Chỉ có 54/63 đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất nội dung chất vấn khi được Tổng thư ký Quốc hội đề nghị trước kỳ họp. Nhưng “khó hiểu” hơn là con số chỉ có 352/499 đại biểu hồi âm phiếu xin ý kiến qua App của Quốc hội. Tức là có đến 147 vị đại biểu đã không thể hiện chính kiến về chọn nhóm vấn đề, cũng như chọn người trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tin bài liên quan