Ông Bart Édes, Trưởng Đại diện, Văn phòng Đại diện Khu vực Bắc Mỹ của ADB (Representative, North America Representative Office)

Ông Bart Édes, Trưởng Đại diện, Văn phòng Đại diện Khu vực Bắc Mỹ của ADB (Representative, North America Representative Office)

Châu Á và Thái Bình Dương sẽ không đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững nào vào năm 2030

(ĐTCK) Chúng ta hiện đang ở vào thập niên cuối cùng của các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Chương trình nghị sự toàn cầu đầy tham vọng này đã khuyến khích những chính sách mới, các hoạt động đầu tư và hợp tác để giải quyết những thách thức đáng kể về xã hội và môi trường mà thế giới đang phải đối mặt.

Dựa trên tiến độ tính đến nay, châu Á và Thái Bình Dương sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu vào năm 2030.

Tuy nhiên, nói theo cách tích cực hơn, báo cáo tiến độ các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc cho khu vực này nêu lên rằng các bước đi đã được thực hiện hướng tới chấm dứt nghèo khổ (Mục tiêu 1) và bảo đảm rằng mọi người đều được tiếp cận giáo dục có chất lượng và học tập suốt đời (Mục tiêu 4). Bên cạnh đó, các biện pháp đang được tiến hành để đạt được năng lượng sạch mà người dân có thể chi trả (Mục tiêu 7).

Nhưng dù đang có những tiến triển hướng tới đạt được các mục tiêu nhất định, Liên hợp quốc đánh giá rằng vẫn quá chậm để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.

Gần một nửa tỷ (479 triệu) người vẫn không đủ ăn tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, để đạt được Mục tiêu 2 ở khu vực này, sẽ có 3 triệu người phải thoát khỏi cảnh đói ăn mỗi tháng từ nay cho tới tháng 12/2030. Đối với hơn một nửa số Mục tiêu Phát triển Bền vững, tiến triển ở khu vực này đang trì trệ hoặc đi sai hướng.

Tình hình còn trở nên đáng ngại hơn bởi sự bất định đang tiếp diễn trong nền kinh tế, bao gồm việc không chắc chắn liệu hiệp định thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có được thực thi thành công hay không, việc Ấn Độ rút khỏi Thỏa thuận Đối tác kinh tế và Hợp tác khu vực vốn thường xuyên bị trì hoãn, và mức tăng trưởng tiếp tục chậm lại.

Trong tháng 12, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực xuống còn 5,2% cho cả năm 2019 và 2020, so với số liệu dự báo của ba tháng trước đó là 5,4% cho năm 2019 và 5,5% trong năm 2020. ADB cũng tăng dự báo lạm phát hồi tháng 9/2019 ở mức 2,7% clên 2,8% cho năm 2019 và 3,1% vào năm 2020.

Các nhà nghiên cứu kinh tế của ADB nhận thấy rằng, rất nhiều quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến xuất khẩu giảm và đầu tư suy yếu.

Ở Đông Á, mức tăng trưởng hiện nay dường như thấp hơn so với dự báo trước đó do những yếu tố như căng thẳng thương mại và suy giảm hoạt động toàn cầu. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn tăng gấp đôi so với một năm trước đó.

Ở Ấn Độ, tiêu dùng đang chịu tác động từ tăng trưởng việc làm kém và tình trạng khó khăn ở nông thôn do mất mùa. Giá cả leo thang và tăng trưởng kinh tế trì trệ trên khắp khu vực không tạo ra môi trường thuận lợi cho một cú hích mới mạnh mẽ đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Với tình hình này, có thể làm gì trong năm 2020 để đưa đoàn tàu Mục tiêu Phát triển Bền vững quay trở lại đường ray ở châu Á và Thái Bình Dương? Điều này tùy thuộc vào việc các chính phủ thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo bền bỉ, và ban hành những chính sách kinh tế vĩ mô tạo thuận lợi. Họ cũng cần ưu tiên chi tiêu công cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững, cải thiện sự phối hợp bên trong giữa các bộ ngành, và tạo điều kiện cho những bên hữu quan quan tâm góp phần vào công cuộc này, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế.

Cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm thông qua những khung quy định pháp lý chặt chẽ, ổn định và hợp lý, có thể kích thích những khoản đầu tư thiết yếu vào cơ sở hạ tầng, vốn là yếu tố hết sức quan trọng để đáp ứng vô số chỉ tiêu trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Cộng hòa Tajikistan nằm trong số những quốc gia được nhận thấy đã cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn từ tháng 5/2018 tới tháng 5/2019. Những cải cách gần đây của các quốc gia này có thể truyền cảm hứng cho những nước khác thực hiện các thay đổi của riêng mình.

Hai nhà nghiên cứu Homi Kharas và John McArthur của Viện Brookings đã tiến hành xem xét các nhu cầu, mức chi tiêu và tài trợ để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững trên toàn cầu. Họ lập luận rằng các chính phủ cần đưa chi tiêu cho Mục tiêu Phát triển Bền vững vào hoạt động kế toán và báo cáo tài chính của chính phủ, rà soát khối lượng và phân bổ tài chính công quốc tế thông qua “các lăng kính nhu cầu Mục tiêu Phát triển Bền vững”, và tạo ra khung tài chính quốc gia tổng hợp nhất quán với Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Đồng thời, họ cũng khuyến nghị thêm rằng các quốc gia và đối tác quốc tế cần làm việc để bảo đảm hệ thống tài chính quốc tế nhất quán với các Mục tiêu Phát triển Bền vững và khuyến khích thực hiện các khuôn khổ quốc gia gắn với Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Mặc dù châu Á và Thái Bình Dương chưa có được tiến độ cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, vẫn còn một thập niên để bù lại thời gian đã mất. Tuy nhiên, cần sớm có những thay đổi trong cách tiếp cận để đưa đoàn tàu Mục tiêu Phát triển Bền vững quay trở lại đường ray hướng tới đích vào năm 2030. Hằng trăm triệu người đang phụ thuộc vào hành động kịp thời để đạt được sự no ấm, sinh kế và an sinh cho mình.

Tin bài liên quan