Dòng tiền đang dần rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Dòng tiền đang dần rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Chênh vênh kế hoạch gọi vốn cổ phần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán giảm sâu khiến kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu của không ít doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nguy cơ đổ bể.

Các kế hoạch gặp thách thức

Từ hồi giữa tháng 4/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (mã chứng khoán FIT) đã chốt kế hoạch chào bán gần 51 triệu cổ phiếu trong giai đoạn 6 - 25/5/2022 cho các cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu, bên cạnh việc phát hành thêm hơn 26,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020. Mục tiêu phát hành của FIT là tài trợ vốn cho dự án Cap Padaran Mũi Dinh ở Ninh Thuận.

Thời điểm công bố kế hoạch triển khai dự án du lịch này cùng Crystal Bay, cổ phiếu FIT có diễn biến tăng giá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với những cú “sập” liên tiếp của thị trường chứng khoán, ngoại trừ kế hoạch phát hành từ nguồn thặng dư vốn chủ sở hữu thì đợt phát hành thêm cổ phiếu của FIT nhiều khả năng sẽ không thành công, bởi thị giá cổ phiếu hiện nay đã lùi xuống dưới mệnh giá. Đó là chưa kể, nhiều ngân hàng bắt đầu thắt chặt tín dụng với những người có nhu cầu đầu tư bất động sản cao cấp và nghỉ dưỡng, làm giảm sức hấp dẫn của đợt phát hành.

Tương tự, cổ phiếu LDG của Công ty cổ phần Đầu tư LDG mất gần 50% giá trị trong vòng hơn 1 tháng qua, hiện còn 11.450 đồng/cổ phiếu. Vì thế, kế hoạch phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu nhằm bổ sung cho hoạt động M&A và góp vốn đầu tư ở một số dự án mới của LDG trở nên chênh vênh.

Kế hoạch phát hành thêm 90 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn EverLand (mã chứng khoán EVG) được Đại hội đồng cổ đông ngày 26/4/2022 thông qua nhằm hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính và công cụ trái phiếu, ưu tiên sử dụng vốn chủ sở hữu, bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn (Quảng Ninh), cũng không dễ thực hiện.

Được biết, trong năm 2022, EVG dự kiến đẩy mạnh triển khai các dự án bất động sản tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp… và bắt đầu mở bán sản phẩm bất động sản tại một số dự án đủ điều kiện.

Đón đầu làn sóng phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, EVG và các công ty thành viên sẽ tung ra thị trường các sản phẩm tour mới hấp dẫn, gắn với các thương hiệu Crystal Holidays, Avtive Travel Asia, Mekong Rustic…

Kế hoạch phát hành 120 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán TDH) cho đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2022 đang có yếu tố hấp dẫn khi có sự xuất hiện của cổ đông chiến lược mới là Hưng Vượng Developer - một nhà phát triển bất động sản đô thị biển tại Việt Nam, có quỹ đất không nhỏ tại TP.HCM, Bình Thuận.

Bên cạnh đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa qua, Ban lãnh đạo TDH đã trình bày kế hoạch quay trở lại với dự án Đồi vàng Phú Mỹ và dự án Khu dân cư Đông Trung. Tuy nhiên, các kế hoạch trên phụ thuộc vào việc làm sao kéo thị giá cổ phiếu TDH lên hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, bởi thị giá ngày 13/5/2022 giảm còn chưa đến 8.000 đồng/cổ phiếu.

Câu chuyện kéo giá cổ phiếu từ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu trở lại vùng giá hấp dẫn, chí ít tương đương với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để đảm bảo một phần khả năng thành công cho kế hoạch phát hành 52,5 triệu cổ phiếu, như đã được thông qua tại Đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 1/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam (mã chứng khoán TNI) cũng là thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm hiện nay.

Mặt khác, mục đích sử dụng vốn phát hành thêm của TNI được một số nhà đầu tư nhận định là không thực sự hấp dẫn. Cụ thể, số tiền dự kiến thu về 525 tỷ đồng từ đợt phát hành sẽ được TNI dùng để thực hiện thi hành án cho Công ty TNHH Posco VST với 65 tỷ đồng, bổ sung vốn triển khai dự án bất động sản tại Đà Nẵng với 317,5 tỷ đồng và mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Trang trại và Năng lượng Đông Xuân.

Dòng tiền suy giảm, cơ hội dành cho số ít doanh nghiệp

Theo báo cáo bối cảnh thị trường chứng khoán quý II/2022 do FiinTrade vừa thực hiện, thanh khoản toàn thị trường sụt giảm mạnh. Đáng lưu ý, các nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng 4.300 tỷ đồng trong tháng 4, mức bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021, trong khi trước có hầu hết đều mua ròng, có tháng mua hàng chục ngàn tỷ đồng như tháng 11/2021.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank, thành viên sáng lập Hiệp hội các Nhà quản trị tài chính Việt Nam cho rằng, sự vận động lên/xuống của thị trường chứng khoán dựa vào hoạt động của nhà đầu tư, tức là dòng tiền trên thị trường. Giá cổ phiếu hiện nay chịu tác động lớn bởi yếu tố dòng tiền.

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại, tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm sẽ ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn phục vụ phát triển các dự án.

Nếu như trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường dễ dàng có các phiên giao dịch bùng nổ với giá trị từ 40.000 - 60.000 tỷ đồng, thì từ đầu năm 2022 đến nay giảm còn 20.000 - 30.000 tỷ đồng, riêng những phiên gần đây chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu nằm dưới mệnh giá và lượng chào bán lớn.

Bên lề các cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, không ít lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại, tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm sẽ ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn phục vụ phát triển các dự án, kể cả doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu cao hơn nhiều giá phát hành, vì tín hiệu chính sách về đất đai chưa thực sự rõ ràng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn tự tin vào kế hoạch phát hành cổ phiếu, chẳng hạn Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG). Sau khi thị giá cổ phiếu lao dốc, mất 40% giá trị, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG lên tiếng trấn an cổ đông, nhà đầu tư rằng, những thông tin tiêu cực trên thị trường chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đến thị giá cổ phiếu, chứ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dài hạn của Công ty.

Mọi hoạt động của BCG đang có diễn biến tích cực theo định hướng. Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, dự kiến đạt 7.250 tỷ đồng doanh thu và 2.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 2,8 lần và 2,2 lần năm 2021. Trong năm nay, BCG dự định phát hành 518 triệu cổ phiếu, gồm 268,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 và 50 triệu cổ phiếu ra công chúng theo hình thức đấu giá.

Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán API) cũng không quá lo ngại về kế hoạch tăng vốn điều lệ. Thành viên Hội đồng quản trị API Nguyễn Đỗ Lăng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm nay được đặt ra dựa trên vốn điều lệ cũ, bởi dự kiến đến cuối quý III/2022 mới hoàn thành việc tăng vốn. Công ty sẽ phát hành 45,9 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 120% và phát hành tối đa 84,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá chào bán không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan