Chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức giảm liên tiếp trong 4 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Theo hãng tin AFP, sự sụt giảm niềm tin kinh doanh diễn ra cùng lúc các dữ liệu chính thức cho thấy hoạt động kinh tế Đức trong quý 2 đang trong tình trạng trì trệ.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức trong tháng 8 sụt giảm liên tiếp trong vòng 4 tháng qua, khiến bức tranh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trở nên ngày càng u ám.

Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế Ifo cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức đã giảm xuống còn 85,7 trong tháng 8 so với mức 87,4 của tháng 7. Chỉ số này cũng thấp hơn so với mức dự báo trước đó của giới phân tích là 86,7.

Ông Clemens Fuest, Chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế Ifo nhận định: “Tâm lý kinh doanh trong số các nhà quản lý của Đức đã ngày càng ảm đạm hơn. Nền kinh tế Đức vẫn chưa vượt qua được những khó khăn."

Theo hãng tin AFP, sự sụt giảm nói trên diễn ra cùng lúc các dữ liệu chính thức cho thấy hoạt động kinh tế Đức trong quý 2 đang trong tình trạng trì trệ. Trong lĩnh vực chế tạo vốn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế Đức, tâm lý của giới chủ vẫn “hoàn toàn bi quan” với việc các công ty không ngừng phàn nàn về tình trạng sụt giảm đơn đặt hàng mới.

Sự sụt giảm niềm tin kinh doanh cũng diễn ra trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và xây dựng. Trong khi đó, nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu này lại đang phải đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao.

Nền kinh tế Đức rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật từ khoảng cuối năm 2022 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng giá năng lượng và lương thực thực phẩm. Bên cạnh đó, hàng loạt quyết định tăng lãi suất mà các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đưa ra để kiềm chế lạm phát cũng ảnh hưởng đến kinh tế Đức.

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 25/8, nền kinh tế nước này đang trong trạng thái đình trệ khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 0% trong quý 2.

Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), bà Fritzi Koehler-Geib cho rằng dữ liệu của Viện nghiên cứu Ifo một lần nữa “gây thất vọng." Tuy nhiên, chuyên gia này cũng bày tỏ hy vọng sự hồi sinh của tiêu dùng trong nước trong nửa cuối năm nay sẽ phần nào giúp nâng đỡ nền kinh tế.

Hãng tin Reuters dẫn dự báo của các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này sẽ suy giảm thêm khoảng từ 0,2% đến 0,4% trong cả năm 2023.

Tin bài liên quan