Kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh

Kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh

“Chia lửa” cho chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần này, thị trường sẽ trở lại sự quan tâm với cuộc họp tháng 11 của Fed và lạm phát tại Mỹ. Đây cũng là chỉ báo cho chính sách của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Ông Donald Lambert, Trưởng ban Phát triển khu vực tư nhân của ADB cho rằng, điều cần quan tâm lúc này là tỷ lệ lạm phát tại Mỹ.

“Chúng ta thấy rằng, lạm phát hàng năm đã giảm vào tháng 8, song lạm phát cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lượng và thực phẩm, được coi là thước đo đáng tin cậy hơn về những gì đang thực sự xảy ra với lạm phát, tiếp tục đi lên. Vì vậy, diễn biến lạm phát chính là nhân tố quyết định và chỉ khi lạm phát có dấu hiệu giảm thì các chính sách tiền tệ mới dần thả lỏng, với hy vọng sẽ không gây ra cuộc suy thoái nào”, ông Donald Lambert nói.

Trước tình trạng khan hiếm tiền trong tuần qua, tại cuộc họp của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, có ý kiến đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, điều này có vẻ phi thực tế. Tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam (GDP mới) theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là cao nhất thế giới, ở mức 124%; tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn lên tới 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng. Vì vậy, theo Thống đốc Ngân hàng

Nhà nước, nếu nới room tín dụng thì có thể đẩy cuộc đua lãi suất quay trở lại như từng diễn ra vào các năm 2007 - 2008 và gây ra nhiều hệ luỵ xấu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối”.

Trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước thu hẹp chính sách tiền tệ, áp lực tăng lãi suất để giữ sức mạnh cho đồng nội tệ Việt Nam là rất lớn. Nhưng với thể trạng của nhiều doanh nghiệp như "mới vừa ốm dậy" sau dịch Covid-19 như hiện nay, nhu cầu nội địa rất yếu và doanh nghiệp đang khát vốn, nhiều chuyên gia cho rằng, cần chính sách tài khóa giảm căng thẳng, “chia lửa” với chính sách tiền tệ.

Không như chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài khóa mở rộng thường có tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất và thị trường lao động, đưa tiền vào đúng nơi nền kinh tế cần.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải sử dụng các biện pháp tài khoá như giãn, hoãn thuế, cấp bù lãi suất. Việc thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hoàn toàn khả thi vì hiện nay, mức nợ công của Việt Nam khá thấp, 43 - 44% so với trần cho phép là 60%.

“Như vậy, chúng ta còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp, mà ngược lại vẫn còn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Chính sách tài khoá là cốt yếu cho điều hành nền kinh tế và ổn định vĩ mô hiện tại”, ông Cường nói.

Cũng đều là công cụ của chính sách tài khóa, nếu giảm thu thuế có thể giúp ổn định vĩ mô, thì đầu tư công đang được kỳ vọng là đầu kéo cho những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 với số vốn nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021 là một nhiệm vụ khó khăn. Dù vậy, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay, coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Phải xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể đến từng dự án, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đẩy nhanh giải ngân nhưng vẫn phải gắn với chất lượng và hiệu quả của dự án”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tốc độ giải ngân, Chính phủ sẽ áp dụng cơ chế thưởng vượt tiến độ cho các nhà thầu, cũng như thành lập ban chỉ đạo quốc gia về các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.

Một chất xúc tác khác cho đầu tư công là giá nhiều vật liệu xây dựng như sắt, thép đã giảm. Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép trong nước đã giảm 17,2% so với mức đỉnh và thấp hơn 3,9% so với đầu năm 2022. Yếu tố này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng, từ đó đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng dự báo, trong những tháng tiếp theo của năm, giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, ước tính cả năm 2022, đầu tư công sẽ hoàn thành 100% kế hoạch.

Tin bài liên quan