Tín dụng trong nền kinh tế đang có dấu hiệu “khô cạn”

Tín dụng trong nền kinh tế đang có dấu hiệu “khô cạn”

Ước đoán động thái chính sách tiền tệ quý cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khu vực tài chính nhiều khả năng phải đối mặt với rủi ro gia tăng, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn rủi ro trở thành hiện thực ở cấp độ rộng hơn.

Lãi suất cao nhất trong khu vực

Chị Thanh Nga, chủ một chuỗi café dành cho giới trẻ chia sẻ: “Lãi suất tăng cao, tôi dự kiến gửi tiền vào ngân hàng thì biên độ tỷ giá được điều chỉnh. Lo ngại tiền đồng tiếp tục mất giá, tôi tính chuyển sang mua USD, nhưng giá quá cao, trên 25.000 VND/USD. Vì thế, tôi xem xét xuống tiền vào một dự án bất động sản ở Đồng Nai thì chủ dự án vướng tin đồn, nên dự định này tạm hoãn. Giờ tiền để ở nhà cũng không yên tâm, chưa biết nên xử lý như thế nào”.

Trong khi đó, chị Mai Trang cho biết: “Một quỹ đầu tư đang mời gọi gửi tiết kiệm như một hoạt động của ngân hàng với lãi suất rất cao, nhưng khi định chuyển tiền thì thấy hợp đồng hợp tác có các điều khoản không giống cái gì nên cũng lo lo”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét: “Người dân có nhiều tiền mặt thời điểm này không phải là hiếm và thực tế tôi được biết họ cũng đang xoay xở tìm kênh đầu tư sinh lời. Sự quan ngại của những người này là điều dễ hiểu khi những biến động trên thị trường tài chính diễn ra liên tục trong thời gian qua”.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lo ngại đồng Việt Nam mất giá nhiều nữa là không có cơ sở do khả năng Mỹ tăng lãi suất với cường độ mạnh sẽ không kéo dài. Theo đó, đồng USD khó có thể duy trì đà tăng giá trong thời gian dài. Người dân đầu tư vào USD thời điểm này là không thích hợp so với đầu tư vào Euro, bảng Anh, yên Nhật.

“An toàn nhất và không gì hiệu quả bằng là đi gửi tiết kiệm thời điểm hiện tại. Lãi suất tại Việt Nam hiện nay thuộc loại cao nhất trong khu vực”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đây cũng là bài toán khả dĩ nhất mà chị Thanh Nga đang tính đến, giữ tiền mặt ở ngân hàng và chờ một cơ hội đầu tư mới, thay vì rút ra và chọn kênh đầu tư rủi ro.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng USD có thể kéo dài đà tăng giá, VND sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 1% trong vòng 2 quý tới.

“Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6,0% vào cuối quý I/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020”, ông Quang nói.

Về giải pháp ổn định tỷ giá hối đoái, TS. Nghĩa cho rằng, phải ổn định cung tiền, mà để ổn định cung tiền thì phải ổn định hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng. Tín dụng trong nền kinh tế đang có dấu hiệu “khô cạn”, trong bối cảnh thị trường tài sản nói chung sụt giảm, đặc biệt các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra phổ biến.

“Nền kinh tế có nhu cầu rất lớn là nới room tín dụng. Nới room tín dụng ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát, kiểm soát tỷ giá hối đoái từ con đường nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta có lẽ phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao hơn, trên 4% đến 5%, để có thể nới room tín dụng khoảng 2%”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, thêm 2% room tín dụng sẽ làm cho lạm phát tăng thêm khoảng 0,6%, nhưng như vậy có thể giúp các ngân hàng có thêm dư địa kinh doanh, vòng quay của tiền từ nay đến cuối năm thêm được ít nhất một vòng, góp phần giúp cho nền kinh tế “tươi” trở lại.

“Các thị trường phục hồi dần dần, các doanh nghiệp giảm được việc chiếm dụng vốn và hoạt động khởi sắc hơn. Cùng với đó, dự báo sang năm, đồng USD xuống giá, áp lực không cao nữa, diễn biến tình hình có thể sẽ có những thay đổi khởi sắc hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

TS. Nghĩa khuyến cáo, việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng một chút, cụ thể là nới room tín dụng 2% để hỗ trợ duy trì đà phục hồi kinh tế sẽ giúp thị trường có thêm dòng tiền. Điều này có thể khiến lãi suất giảm và ổn định, nhưng ngược lại có thể khiến tỷ giá hối đoái tăng thêm 1%.

Đề phòng rủi ro ở cấp độ rộng hơn

Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, trong khi cầu về vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh vẫn ở mức cao, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế gặp khó khăn.

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, điều hành chính sách tiền tệ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi áp lực lạm phát có xu hướng tăng. Lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4%, gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới là không dễ thực hiện. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Thứ hai, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng từ năm 2020. Thứ ba, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Thứ tư, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Trong khi đó, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi, nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Ví dụ, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) đang tồn tại một số vấn đề, chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có dấu hiệu giảm.

“Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo, tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17% - là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa. Đây là cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Trong diễn biến có liên quan, những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân ngân quỹ nhà nước (là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…) đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh phục hồi kinh tế vẫn ở mức cao, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định, mặc dù kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định gia tăng liên quan đến kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy, Chính phủ cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách. Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, cần tiếp tục các chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nền kinh tế trên cơ sở phù hợp với kết quả kinh tế và phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ.

“Đồng thời, vì CPI và CPI cơ bản đang tiến đến mức 4% - mức lãi suất chính sách của các cấp có thẩm quyền - cơ quan quản lý tiền tệ cần sẵn sàng cân nhắc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo neo giữ lạm phát. Khi giai đoạn giãn, hoãn thời gian trả nợ đã kết thúc và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, khu vực tài chính phải đối mặt với rủi ro gia tăng, đòi hỏi phải có hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn những rủi ro bị hiện thực hóa ở cấp độ rộng hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế thực”, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.

Tin bài liên quan