Chiêm nghiệm 3 bài học chính từ những mất mát trên TTCK năm 2022

Chiêm nghiệm 3 bài học chính từ những mất mát trên TTCK năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán không thể tách rời diễn biến vĩ mô; mọi thông tin đều phản ánh vào giá nên phải bán quyết liệt khi gặp “biến”; không mua cổ phiếu sàn liên tiếp ở phiên hồi phục đầu tiên – là 3 bài học mà chuyên gia SSI tổng kết lại sau một năm thị trường chứng khoán đầy biến động.

Ấn tượng năm 2022

Hình ảnh thị trường chứng khoán năm 2022 được các chuyên gia, nhà đầu tư tham gia chương trình gala Bí mật đồng tiền ví von như hổ ngủ đông; hay nếu nhìn góc độ các mẫu hình liên quan đến kỹ thuật thì VN-Index được ví von như mẫu hình cầu trượt. Một hình ảnh khác là “tàu trong giông bão”. Và hình ảnh “đồng hồ báo thức” – chúng ta đã ngủ quên hơi lâu trong năm 2020, 2021 và phải tỉnh dậy với thực tế trong năm 2022.

Về mặt điểm số, nhiều so sánh chỉ số VN-Index vùng 900 điểm không khác gì 10 năm trước, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, SSI Research CTCK SSI, thị trường đã phát triển hơn rất nhiều về cả quy mô, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng lên rất nhiều, cả lượng và chất, số sản phẩm trên thị trường cũng gia tăng mạnh, chỉ từ cổ phiếu, tới nay có thêm sản phẩm HDTL, CW, và sự phát triển dịch vụ cung ứng từ CTCK

Về góc độ doanh nghiệp, mô hình kinh doanh theo xu thế số hoá, 4.0, sự quan tâm của doanh nghiệp dành cho công chúng đầu tư nhiều hơn thông qua các hoạt động tiếp xúc nhà đầu tư, phát triển quan hệ cổ đông. Cuối cùng là nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia mạnh mẽ trên thị trường.

Từ khoá ấn tượng với ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI cho năm 2022 là lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và xử lý sai phạm.

Liên quan đến tăng lãi suất – là xu hướng chung của thế giới là lãi suất tăng thì cuối cùng Việt Nam cũng không tránh được việc tăng lãi suất và mức độ tăng nhiều hơn so với các nhà đầu tư tưởng tượng ra. Kể từ đầu năm không ai nghĩ đến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay tăng 400 điểm phần %ảnh hưởng khá nhiều đến thị trường.

Về chuyện trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề khá đặc trưng của năm 2022 và là câu chuyện mà có thể đến tận năm 2023 vẫn còn phải xử lý tiếp.

Còn xử lý sai phạm là chuyện rất bình thường của thị trường, không phải là vấn đề tiêu cực, thay vào đó sẽ khá tích cực đối với thị trường trong dài hạn. Việc làm này cần phải làm trong mọi năm.

Ông Trần Việt Hưng, nhà sáng lập, Giám đốc Học vụ Trung tâm 7Astar Tutoring (X77), chọn 3 từ là Phái sinh, Fed, 1.500 điểm. Con số 1.500 điểm là một con số rất ấn tượng và nhà đầu tư cũng không thể nào nhìn con số này để đoán trước được câu chuyện rất bất ngờ từ đầu năm đến cuối năm. Thứ hai là Fed, tất cả mọi người đâu đó đều phải biết là Fed đang làm gì và việc mọi người quan tâm đến thị trường thế giới trở thành rất phổ cập, mặc dù đang đầu tư chứng khoán ở Việt Nam.

Đặc biệt, câu chuyện về phái sinh mới được nhiều người nhắc đến. Tất nhiên, cũng có những mặt tốt và mặt xấu, nhưng nhìn về mặt tích cực, phái sinh là một công cụ giúp chúng ta có thể phòng ngừa rủi ro và đồng thời, nếu nói về phương diện phái sinh nghĩa rộng thì không chỉ về phái sinh cổ phiếu, mà còn là phái sinh về tỷ giá.

Một ấn tượng của năm 2022, theo ông Tâm, còn đến từ khối ngoại. Nhịp hồi phục của VN-Index từ vùng đáy 873 đến phần lớn từ giao dịch rất mạnh của khối ngoại khi nhóm này đã mua ròng trên HOSE hơn 1 tỷ USD trên HOSE chỉ trong quý IV/2022 và tính đến thời điểm hiện, khối này tiếp tục mua ròng.

Những lỗi lầm khó bỏ và bài học chiêm nghiệm

Năm 2022, khi thị trường giảm từ đỉnh điểm 43%, nhiều nhà đầu tư mất mát nếu không thoát kịp lúc VN-Index ở 1.400 điểm.

Trao đổi cùng khách hàng và chiêm nghiệm lại, bà Dung cho rằng, thị trường chứng khoán không thể tách rời khỏi vĩ mô, cần quan sát kỹ toàn thị trường ở góc độ cung - cầu, tiền – hàng hoá, nếu các chính sách là thắt chặt thì thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh, còn khi “tiền rẻ” dồi dào thì thị trường tăng.

Thứ hai, mọi thông tin đều phản ánh vào giá nên cần bán quyết liệt khi xảy ra vấn đề rủi ro trước khi tìm hiểu được nguyên nhân. Thị trường 2022 có nhiều nhịp giảm rất mạnh trước các thông tin về các CTCK, công ty trong lĩnh vực bất động sản bị xử lý, khiến nhà đầu tư không kịp trở tay.

Do đó, bài học kinh nghiệm là khi gặp vấn đề đột biến trên thị trường thì hãy bán trước, nhất là phải hạ ngay margin khi thị trường và cổ phiếu đang ổn định, bền vững đột ngột giảm mạnh.

Ngoài ra, theo bà Dung, khi trong danh mục có cổ phiếu sàn liên tục, mà cổ phiếu này sử dụng margin, thì khi cổ phiếu đó có phiên hồi phục đầu tiên, hạn chế không bắt đáy, hoặc chỉ giải ngân tỷ trọng rất thấp nếu đánh giá cổ phiếu này rất tốt. Bởi áp lực margin và áp lực bán ở phiên đó sẽ rất mạnh mẽ.

“Khi nhà đầu tư tham gia phiên đầu tiên của phiên phục hồi thì rủi ro này là rất cao”, bà Dung cho biết.

Năm 2022, là năm đầy bất ngờ với những biến động mạnh không chỉ với các nhà đầu tư F0, mà còn cả những nhà đầu tư lâu năm kinh nghiệm cùng thị trường. Và những sai lầm thường gặp nhất, vẫn lặp đi lặp lại.

Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ: “Mọi bảng giá trên đời này đều viết bằng con số, không phải là màu”. Trong đầu tư cũng thế, nhà đầu tư đặt cảm xúc vào màu của bảng điện, tím thì vui, xanh sàn thì sợ và giao dịch theo “màu”, trong khi quan trọng hơn là con số thể hiện là mức mà mình muốn mua hay muốn bán cổ phiếu. Do đó, mắc bệnh “mù màu” khi đầu tư cũng tốt.

Với ông Việt Hưng, bài học gặp phải trong năm 2022 chính là margin quá đà, trong khi sai lầm của một nhà đầu tư đưa ra với chương trình là “nghe phím hàng từ CTCK lớn”.

Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ thêm, có một chuyên gia mà ông hay theo dõi ở Goldman Sach đầu năm dự báo (S&P 500) cao, và hàng tháng điều chỉnh hạ dự báo, mỗi lần vài trăm điểm. Nhà đầu tư theo dõi một chuyên gia, hay CTCK lớn, thì cần theo dõi sát, cập nhật liên tục vì họ thường cập nhật các con số này khá thường xuyên.

Bà Dung cho rằng, gồng lỗ đau khổ như cầm tiền mà không nắm bắt được cơ hội tham gia thị trường. Do đó, điều cần làm là nhìn nhận kỹ hơn về dòng tiền đang luân chuyển các nhóm ngành nào. Chẳng hạn, năm 2023, các báo cáo chiến lược đều nhận định là ngành mấu chốt, các nhóm khác như chứng khoán sẽ phục hồi khi thị trường tăng… Cách làm chính là phân chia tỷ trọng để giải ngân, thì có thể ngay lúc mua có thể gặp lỗi là “dò đáy”, thì lựa chọn ở vùng phù hợp với định giá thì giải ngân từng phần.

Tin bài liên quan