Trước khó khăn từ thị trường, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế thấp hơn 5% so với năm ngoái.

Trước khó khăn từ thị trường, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế thấp hơn 5% so với năm ngoái.

Chiến lược kinh doanh 2023: Ông lớn cũng “thắt dây an toàn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài buộc nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc và xây dựng, vật liệu xây dựng thận trọng khi đặt chỉ tiêu lợi nhuận.

Dè dặt lên kế hoạch

Danh mục sản phẩm có thể kinh doanh lên tới khoảng 18.000 tỷ đồng, nhưng Tập đoàn Nam Long Group (mã NLG) chỉ đặt mục tiêu doanh số bán hàng đạt 10.000 tỷ đồng trong năm nay. Đại diện Nam Long Group lý giải, Tập đoàn đã “lược đi” các sản phẩm cao cấp và có giá trị lớn ở một số dự án bởi nhà đầu tư khó “chạm đến” trong bối cảnh lãi suất cao và thanh khoản thị trường chưa cải thiện.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thanh khoản thị trường xuống đáy khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán và chờ đợi tín hiệu từ thị trường, trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc. Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó; tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thực tế thanh khoản thị trường ảm đạm, các doanh nghiệp địa ốc quy mô lớn dè dặt khi xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận.

Chẳng hạn, mục tiêu mà Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) hướng tới trong năm nay không phải con số lợi nhuận “khủng”, mà là hoàn thành 4 nhiệm vụ: tái cấu trúc hệ thống mạnh mẽ trên nguyên tắc phát triển bền vững, duy trì mảng kinh doanh cốt lõi và dịch vụ bất động sản; tăng cường đào tạo con người; duy trì và phát triển nhân sự nòng cốt và hoàn thành chuyển đổi số toàn diện hệ thống quản trị.

Danh mục sản phẩm có thể kinh doanh lên tới khoảng 18.000 tỷ đồng, nhưng Nam Long Group chỉ đặt mục tiêu doanh số bán hàng đạt 10.000 tỷ đồng trong năm nay.

Năm nay, Đất Xanh dự kiến chỉ mở bán dự án DXH Parkview (tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương). Đây cũng là dự án duy nhất trong rổ hàng có thể mở bán hiện nay của tập đoàn này. Việc chỉ có một dự án mở bán có thể khiến doanh số ký bán mới của Đất Xanh giảm 33,5% so với năm 2022.

Trong khi đó, một đơn vị thành viên của Tập đoàn là Đất Xanh Services cũng lên kế hoạch đi lùi, với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 92% kết quả thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ là 126 tỷ đồng, giảm 62% so với mức thực hiện năm 2022.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) công bố kế hoạch kinh doanh trong năm nay với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 3.040 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.053 tỷ đồng, giảm gần 24% so với năm 2022. Hà Đô cho biết, trong năm nay, Công ty chỉ chú trọng phát triển các dự án bất động sản và năng lượng trọng điểm… để duy trì nguồn thu, thay vì định hướng tăng trưởng như những năm trước.

Khối doanh nghiệp bất động sản khó khăn, nên không khó hiểu các ngành nghề liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng phải đặt tính thận trọng lên hàng đầu. Tại đại hội cổ đông diễn ra hồi đầu tháng 4, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, dù giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua nhưng năm nay vẫn là năm khó khăn với ngành này. Theo ông Long, nội lực của Hòa Phát và doanh nghiệp ngành thép là tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 5% so với mức thực hiện trong năm 2022, song mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại thấp hơn 5%, với 8.000 tỷ đồng.

Không chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi, năm nay, doanh nghiệp đầu ngành thép còn dự kiến không chi trả cổ tức để dành nguồn vốn đầu tư vào đại dự án Dung Quất 2.

Tương tự, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt mới đây, nhiều nhà sản xuất thép xây dựng như Thép Miền Nam, Pomina, Vina Kyoei đã cắt giảm tới 2/3 sản lượng. Giá nguyên vật liệu tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng, các nhà máy thép quy mô nhỏ đang cắt giảm sản xuất và đẩy mạnh thanh lý hàng tồn kho.

Ở nhóm doanh nghiệp đá xây dựng, Công ty cổ phần Vicostone (mã VCS) lên 2 kịch bản sản xuất - kinh doanh cho năm 2023, nhưng ở hai kịch bản này, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đều thấp hơn mức thực hiện trong năm ngoái. Cụ thể, ở kịch bản tích cực, VCS đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.891 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.325 tỷ đồng, tăng 4,1% về doanh thu nhưng giảm 3,8% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2022.

Ở kịch bản thứ hai, trong điều kiện các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội tác động theo chiều hướng không thuận lợi với hoạt động sản xuất - kinh doanh của VCS, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế mục tiêu lần lượt đạt 4.713 tỷ đồng và 1.060 tỷ đồng, tương ứng giảm 16,7% và giảm 23% so với năm ngoái.

Đợi chính sách hỗ trợ thẩm thấu

Thời gian gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ việc ban hành Nghị quyết 33 (về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững), Nghị định 08/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế), lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở cho tới liên tục hạ lãi suất điều hành, triển khai gói vốn 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội… Các địa phương cũng tích cực gặp gỡ các chủ đầu tư để tìm cách gỡ vướng thủ tục pháp lý cho các dự án đang triển khai.

Những nỗ lực này của cơ quan quản lý, theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Vietnam, dần ổn định lại tâm lý thị trường. Dù vậy, các chính sách cần thời gian đủ dài để thẩm thấu vào thị trường. Do đó, thị trường bất động sản cần ít nhất đến quý III/2023 để thấy rõ các tín hiệu phục hồi.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp ngành địa ốc cho thấy, tâm lý nhà đầu tư vẫn yếu là “chờ đợi”. Trong kế hoạch năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều ưu tiên cho việc hoàn thiện các dự án hiện hữu, nếu có phát triển dự án mới thì cũng chỉ định hướng phát triển một số dự án nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) công bố phát triển nhà ở xã hội, với thương hiệu Happy Home, sẽ là một trong những trọng tâm của Công ty thời gian tới. Chiến lược này được công bố từ năm ngoái, nhưng việc mở rộng quỹ đất cho phân khúc này và triển khai dự án phải được tiến hành trong năm nay.

Công ty dự kiến bổ sung dự án tại nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa. Riêng tại Khánh Hòa, Vinhomes vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án 3.700 tỷ đồng tại phường Cam Nghĩa.

Theo Vinhomes, các dự án mang thương hiệu Happy Home dự kiến tại vùng ven các tỉnh, thành phố lớn, sẽ là mô hình nhà ở xã hội đầu tiên tại Việt Nam có tích hợp hệ sinh thái đầy đủ, gồm cả trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, công viên, khu thể thao.

Tương tự, những tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản như Him Lam, Novaland hay Bitexco cũng cho biết sẽ phát triển nhà ở xã hội trên cơ sở quỹ đất hiện có.

Tin bài liên quan