Theo WB, việc mỗi cá nhân sở hữu tài khoản giao dịch được coi là bước đầu tiên của thực thi tài chính toàn diện.

Theo WB, việc mỗi cá nhân sở hữu tài khoản giao dịch được coi là bước đầu tiên của thực thi tài chính toàn diện.

Chiến lược tài chính toàn diện và yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu

(ĐTCK) Phát triển tài chính toàn diện đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Đã có trên 50 nước đưa ra cam kết về thực thi tài chính toàn diện, hơn 30 nước đã ban hành, hoặc đang xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan đầu mối xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Để thực hiện nhiệm vụ này, việc xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu giúp đo lường, phản ánh chính xác thực trạng cung cầu dịch vụ tài chính là tiền đề quan trọng cho việc đề ra mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực thi tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Trụ cột tăng trưởng và giảm nghèo bền vững

Tài chính toàn diện hay tài chính bao trùm (financial inclusion) là việc phát triển hệ thống tài chính đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính của mọi thành viên, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp dễ bị tổn thương trong xã hội. Dịch vụ tài chính được hiểu là những dịch vụ hết sức cơ bản như tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền, cho vay,  bảo hiểm…

Theo đó, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, nông dân nghèo... cũng có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ này một cách thường xuyên với chi phí mà họ có thể chấp nhận được. Thực tiễn và các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong nhiều thập kỷ qua khẳng định: Tình trạng thiếu khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của các nhóm đối tượng thu nhập thấp trong xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn tới bất bình đẳng thu nhập và suy giảm tăng trưởng một cách dai dẳng. Vì vậy, phát triển tài chính toàn diện được coi là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Theo WB, việc mỗi cá nhân sở hữu tài khoản giao dịch được coi là bước đầu tiên của thực thi tài chính toàn diện, bởi nó cho phép họ có thể gửi và nhận tiền, cũng như mở ra cơ hội cho việc sử dụng nhiều dịch vụ tài chính khác.

Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn khoảng 2 tỷ người trưởng thành chưa có tài khoản giao dịch và 59% trong số này cho rằng, thiếu tiền là nguyên nhân chính khiến họ không thể mở tài khoản. Điều này cũng hàm ý rằng, ngay cả các dịch vụ tài chính cơ bản nhất cũng vượt quá khả năng chi trả của người nghèo và không được thiết kế phù hợp với những người có thu nhập thấp.

Những trở ngại khác đối với tiếp cận tài chính là khoảng cách địa lý hay thủ tục giấy tờ phức tạp. Bên cạnh đó, còn những lý do khác như sự thiếu hiểu biết của người dân về tiện ích mà dịch vụ tài chính mang lại. 

Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước 

Phát triển tài chính toàn diện mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội và nền kinh tế thông qua việc đáp ứng những nhu cầu về dịch vụ tài chính với giá trị nhỏ hoặc rất nhỏ, nhưng nhờ lợi thế quy mô sẽ khiến tổng lợi ích xã hội thu được là con số đáng kể. Tài chính toàn diện giúp người nghèo tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay ở khu vực không chính thức với lãi suất cao, khiến gánh nặng nợ nần ngày càng cao.

Tài chính toàn diện giúp Chính phủ giảm bớt chi phí cho các chương trình trợ cấp an sinh xã hội thông qua việc chi trả qua tài khoản ngân hàng. Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, phát triển tài chính toàn diện đồng nghĩa với cơ hội đa dạng sản phẩm dịch vụ và mở rộng cơ sở khách hàng một cách bền vững. Một xã hội với cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính mở rộng cho tất cả mọi người sẽ thúc đẩy sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng nói chung, cải thiện công bằng và bình đẳng, năng lực của toàn xã hội cũng theo đó được nâng lên.

Giải pháp xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tài chính toàn diện

Để có thể đưa ra các chiến lược, giải pháp, lộ trình thúc đẩy tài chính toàn diện một cách thiết thực, hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết và tin cậy, giúp đo lường, đánh giá chính xác thực trạng tài chính toàn diện ở các khu vực khác nhau của nền kinh tế với những đối tượng sử dụng khác nhau, đồng thời chỉ ra nguyên nhân của thực trạng, đề ra giải pháp và đánh giá khả năng hấp thụ giải pháp.

Vì vậy, trong những năm qua, các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới như Quỹ đầu tư phát triển Liên hợp quốc (UNCDF), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo ngân hàng trung ương các nước Đông Nam Á (SEACEN), Nhóm các nước G20… đã dành nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu, thu thập thông tin nhằm đánh giá, theo dõi thực trạng tài chính toàn diện tại các quốc gia và trên phạm vi toàn cầu thông qua các cuộc điều tra và các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu.

Trên bình diện quốc gia, nhiều nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Trung Đông cũng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển tài chính toàn diện. Đối với Việt Nam, tài chính toàn diện vẫn là khái niệm khá mới mẻ và việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện đang đặt ra nhiều thách thức. Song, đây là nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết để tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Để đánh giá thực trạng tài chính toàn diện, một số tổ chức quốc tế lớn như WB, IMF, OECD... đã tiến hành khảo sát trên phạm vi toàn cầu và quốc gia (trong đó có Việt Nam) để thu thập các dữ liệu về tài chính toàn diện bên cầu (đối tượng sử dụng dịch vụ tài chính). Tuy nhiên, kết quả của các cuộc điều tra này chưa phản ánh sát thực tình trạng tiếp cận tài chính của Việt Nam do cỡ mẫu điều tra quá nhỏ.

Đơn cử như cuộc điều tra Findex của WB tiến hành trên toàn cầu với quy mô mẫu ở Việt Nam chỉ 1.000 người. Năm 2014, WB cũng thực hiện khảo sát doanh nghiệp tại Việt Nam về tiếp cận tài chính ở 4 vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long), nhưng mẫu điều tra cũng hạn chế ở 996 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 500.000 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Có thể thấy, kết quả điều tra về tài chính toàn diện của các tổ chức quốc tế đã tiến hành ở Việt Nam cho đến nay chỉ mang tính tham khảo, chưa cung cấp bức tranh đa chiều, sát thực về thực trạng tài chính toàn diện. Nhiều thách thức đang đặt ra với Việt Nam trong việc thu thập thông tin số liệu về tài chính toàn diện cả ở bên cầu và bên cung.

Đối với dữ liệu bên cung (bên cung ứng dịch vụ tài chính), có 2 hình thức để thu thập: Thứ nhất là dựa vào các cuộc điều tra đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Thứ hai là thu thập thông qua số liệu báo cáo của các tổ chức tài chính cho cơ quan quản lý.

Về điều tra, ở Việt Nam cho đến nay, chưa có cuộc điều tra nào về tài chính toàn diện được các cơ quan quản lý tiến hành với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính (ngân hàng, tài chính, đầu tư, bảo hiểm…). 

Trong khi đó, tương tự như các nước, hệ thống thống kê số liệu từ các tổ chức tín dụng (TCTD) của NHNN hiện nay được thiết kế với mục tiêu thu thập các thông tin phục vụ cho việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, quản lý hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Hệ thống này không thu thập các thông tin chi tiết đến từng đối tượng khách hàng, không phân tách theo các tiêu chí thống kê giúp đánh giá, đo lường các khía cạnh của tài chính toàn diện như độ tuổi, giới tính, địa bàn, thu nhập của khách hàng...

Vì vậy, chỉ một phần thông tin này là phù hợp cho việc đánh giá thực trạng hay hoạch định chiến lược tài chính toàn diện. Các hệ thống báo cáo thống kê số liệu về dịch vụ bảo hiểm, tài chính khác do các bộ ngành khác quản lý cũng có đặc điểm tương tự. Nói tóm lại, hệ thống thống kê hiện tại của Việt Nam chưa cho phép thu thập được các chỉ số theo đúng tiêu chí thống kê của tài chính toàn diện trong Bộ chỉ số tài chính toàn diện cơ bản của G20 do không được phân tổ đủ mức chi tiết.

Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, đồng bộ, bao gồm cả số liệu bên cung và bên cầu về tài chính toàn diện ở Việt Nam là yêu cầu vô cùng cần thiết và cấp bách nhằm khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng các thông tin số liệu để đánh giá thực trạng, qua đó đưa ra giải pháp, làm cơ sở cho việc hoạch định và đánh giá chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Thời gian qua, với vai trò là đơn vị tham mưu cho Thống đốc NHNN trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác hoạch định Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, Vụ Dự báo - Thống kê đang phối hợp chặt chẽ với WB để rà soát dữ liệu, tích cực làm việc với các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp xử lý những khó khăn về dữ liệu hiện có.

Tuy nhiên, để hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ và tin cậy phục vụ quá trình thực thi Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, vẫn còn một khối lượng công việc rất lớn và phức tạp phải giải quyết, đòi hỏi nguồn thông tin đồ sộ không chỉ từ NHNN.

Theo đó, cần sự hợp tác cung cấp thông tin một cách tích cực từ nhiều bộ, ngành khác như Bộ Tài chính (quản lý nhà nước về bảo hiểm, chứng khoán), Bộ Công an (định danh cá nhân)… Đồng thời, các cuộc điều tra cấp quốc gia nhằm thu thập thông tin về tài chính toàn diện từ cả bên cầu và bên cung cần được triển khai một cách sớm nhất.

Tin bài liên quan