Lễ ký thỏa thuận chiến lược giữa FPT với đối tác Slovakia trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Slovakia Robert Fico

Lễ ký thỏa thuận chiến lược giữa FPT với đối tác Slovakia trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Slovakia Robert Fico

Chiến lược toàn cầu hóa: FPT hiện thực tầm nhìn tỷ USD

(ĐTCK) Nửa đầu năm 2016 đã chứng kiến sự tăng trưởng vững vàng của chiến lược toàn cầu hóa mà Tập đoàn FPT đang theo đuổi, khi doanh thu tăng 34%. Mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 đang dần trở thành hiện thực; trong đó, 3 thị trường chủ lực là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Nhiều tín hiệu mới

Trong 5 năm gần đây, tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng trưởng khá khả quan. Từ 5% trong tổng doanh thu năm 2011, doanh thu toàn cầu hóa của FPT đã tăng lên 12% trong năm 2015; tăng trung bình 39%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt 2.713 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 34%, chiếm 15% tổng doanh thu của toàn FPT. Dự kiến, đến cuối năm 2016, doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, tương đương 275 triệu USD. Những con số này cho thấy, thị trường nước ngoài ngày càng đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của Tập đoàn.

Cùng với việc tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, định hướng toàn cầu hóa của FPT cũng ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm.

Công nghệ S.M.A.C (Social, Mobile, Analystic, Cloud) và IoT (Internet of Things) tiếp tục giúp FPT mở rộng hơn nữa cánh cửa tiếp cận với các tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt là các khách hàng trong danh sách Fortune 500. Hiện tổng số khách hàng của FPT trong danh sách Fortune 500 đã tăng từ con số 40 trong năm 2015 lên 50.

Chiến lược toàn cầu hóa: FPT hiện thực tầm nhìn tỷ USD ảnh 1

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tại thị trường Nhật Bản, FPT đã ký được dự án đầu tiên liên quan tới nền tảng công nghệ Predix của GE với một tập đoàn tầm cỡ của Nhật Bản. Predix là phần mềm nền tảng để phát triển IoT (Internet of Things), được kỳ vọng sẽ phổ biến như Android hay IOS của cả thế giới. Dự án này mở ra cơ hội lớn cho FPT trong việc phát triển, cung cấp các giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ này cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, FPT cũng đang có những cơ hội lớn khác từ cuộc chạy đua của Nhật Bản cho Olympic 2020 và các dự án hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia như My Number, các dự án nâng cấp công nghệ trong các lĩnh vực ngân hàng, điện lực, chuyển đổi công nghệ theo xu hướng công nghệ Mobility, Cloud.

Tại một thị trường quan trọng khác là Mỹ, FPT đã khẳng định mạnh mẽ năng lực về công nghệ với dự án IoT cho một hãng điều khiển thang máy hàng đầu của Mỹ. Sau khi triển khai, giải pháp của FPT đã giúp khách hàng cải thiện lợi nhuận và tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời dự báo trước hơn 85% sự cố, giúp giảm thời gian và chi phí bảo trì.

Chiến lược toàn cầu hóa: FPT hiện thực tầm nhìn tỷ USD ảnh 2

Tại thị trường châu Âu, mới đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam của ông Robert Fico, Thủ tướng Slovakia, FPT đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai đối tác Slovakia. Trong đó, thỏa thuận với Công ty Gratex International (GTI) được kỳ vọng sẽ mang lại các dự án toàn cầu trị giá hàng triệu euro cho hai công ty trong thời gian tới. Còn thỏa thuận với Viện Nghiên cứu Tin học Slovakia (IISAS) sẽ tập trung vào việc nghiên cứu phát triển, triển khai, cải tiến các dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin trong các mảng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data); điện toán đám mây (Cloud).

Vị thế của FPT trên thị trường toàn cầu tiếp tục được khẳng định. Cụ thể, FPT đã trở thành đối tác quan trọng về công nghệ đám mây (Cloud) của Microsoft, Amazon Web Services, sánh ngang cùng các đại gia công nghệ  đến từ Nhật Bản, Ấn Độ như Hitachi, Fujitsu, NEC, Accenture, Tata, Cognizant. Lần thứ 3 liên tiếp, FPT được Nikkei vinh danh trong Top 300 công ty đáng chú ý nhất trong khu vực châu Á.

Thị trường rộng lớn

Trở thành tập đoàn toàn cầu, không gian mà FPT tìm kiếm lợi nhuận dường như không có giới hạn. Dự báo về thị trường IoT đến năm 2020 của IDC cho thấy, thế giới cần 50.000 tỷ gigabytes dữ liệu, 4 tỷ người kết nối với nhau, hơn 25 triệu ứng dụng và hơn 4.000 tỷ USD doanh thu.

Báo cáo Khảo sát về IoT và doanh nghiệp số của Gartner cũng chỉ rõ rằng, các doanh nghiệp coi thông tin và mạng internet là những điều kiện thiết yếu để trở thành doanh nghiệp số. Tuy nhiên, vẫn có ít hơn 10% doanh nghiệp hiện nay tích hợp hoạt động của họ với chiến lược kinh doanh số và đây là cơ hội để các công ty công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có FPT giúp khách hàng chuyển dịch sang thế giới số. Theo Gartner, thị trường dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu dự kiến tăng trưởng 4% năm 2016, đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình 4,3% trong năm tới.

Năm 2016, xu hướng phát triển trong ngành công nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin thế giới bao gồm: các hợp đồng outsourcing đòi hỏi tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn; Big Data sẽ được sử dụng nhiều hơn và những công ty có ngân sách hạn hẹp cho Big Data sẽ tìm đến các nhà cung cấp bên ngoài để gia tăng khả năng xử lý dữ liệu lớn của họ; các nhà cung cấp đã ứng dụng điện toán đám mây sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn trên thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. 

“FPT đã và đang hợp tác với những tập đoàn công nghệ dẫn dắt cuộc cách mạng số và ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong mảng công nghệ S.M.A.C và Internet Vạn vật (IoT)”, chia sẻ của Chủ tịch Trương Gia Bình cho thấy những chuyển động về công nghệ của FPT trong 2 năm trở lại đây là đúng hướng và bắt đầu hái quả ngọt, tạo động lực tăng trưởng cho Công ty.

Tin bài liên quan