Chiến lược tổng thể để đạt tăng trưởng hai con số

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10% trong giai đoạn 2026 - 2030 đòi hỏi chiến lược tổng thể, cải cách thể chế mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các động lực mới trong bối cảnh nhiều thách thức trong và ngoài nước.
Nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu tất yếu là phải tìm ra các động lực tăng trưởng mới mang tính đột phá. Ảnh: Đ.T

Nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu tất yếu là phải tìm ra các động lực tăng trưởng mới mang tính đột phá. Ảnh: Đ.T

Nhiều thách thức phải đối mặt

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng: GDP tăng 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số (từ 10% trở lên) giai đoạn 2026 - 2030.

Chia sẻ tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,52%, đây là mức cao nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, với xu thế đang diễn ra trên thế giới, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai con số những năm tới, thì vẫn còn nhiều thách thức.

“Với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của nền kinh tế”, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, các thách thức chính mà Việt Nam đang phải đối mặt gồm: năng lực cạnh tranh còn thấp, nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình; tính dễ tổn thương của nền kinh tế ngày càng lớn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp; chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu; dân số bắt đầu già hóa nhanh; bất bình đẳng về thu nhập và tài sản gia tăng.

Chỉ ra một số điểm nghẽn ảnh hưởng tới việc hiện thực hóa những mục tiêu phát triển kinh tế lớn của Bộ Chính trị, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu không cải cách triệt để quy trình xây dựng pháp luật, Việt Nam sẽ tiếp tục lúng túng trong thi hành. Việc “dịch” luật thành các văn bản dưới luật hiện nay về cơ bản là sai lệch, làm sai tinh thần của luật gốc. Doanh nghiệp khó vận hành vì bị trói bởi hệ thống pháp chế thiếu minh bạch và nhất quán - đây là điểm cần tháo gỡ khẩn thiết.

Cũng liên quan đến “điểm nghẽn” pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi, tạo ra gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, không khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khơi thông nguồn lực, tận dụng những động lực tăng trưởng mới

Cơ hội hiện nay của Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng, chính là nền tảng để chúng ta bứt phá. Chính phủ sẽ tiếp thu, chọn lọc các kiến nghị thiết thực để đưa vào chính sách và chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới.

- Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương

Khi các động lực tăng trưởng truyền thống như khai thác tài nguyên, đầu tư công, lao động giá rẻ hay xuất khẩu gia công dần suy giảm hiệu quả và tính bền vững, nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu tất yếu là phải tìm ra các động lực mới mang tính đột phá.

Vì vậy, theo Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới. Đồng thời, phải hành động quyết liệt, thực hiện các cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và phải có sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế.

TS. Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược (IPS), thuộc Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng, có 3 động lực chính để đạt tăng trưởng trên 10%.

Động lực đầu tiên đến từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng, nếu Việt Nam tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ, nâng cấp sản phẩm trong chuỗi giá trị. Trong nhóm ngành này, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực có dư địa lớn nhất. Xây dựng cũng là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng bứt phá với các công trình trọng điểm của Nhà nước về mở rộng hệ thống đường cao tốc, cảng biển và cảng hàng không.

Động lực thứ hai là dịch vụ, vốn có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt là với các ngành du lịch, thương mại điện tử, vận tải kho bãi và dịch vụ tài chính.

Động lực thứ ba chính là tận dụng dư địa phát triển từ các cực tăng trưởng. Tại nhiều vùng địa phương, tiềm năng phát triển vẫn còn, đặc biệt là ở những khu vực có lợi thế về hạ tầng, nhân lực và tài nguyên. Nhân tố này càng trở nên nổi bật khi Đảng và Chính phủ đang trải qua cách mạng về thể chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa phương để mở rộng không gian phát triển.

Chia sẻ góc nhìn từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng, bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc thể chế, thủ tục hành chính, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước thể hiện rõ nét hơn vai trò “đồng hành” trong giai đoạn khởi động và xác lập lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ban đầu về thị trường, công nghệ hay vốn sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đủ sức tham gia chuỗi cung ứng và tiến vào các thị trường chiến lược.

Theo ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, mục tiêu tăng trưởng hai con số hoàn toàn khả thi nếu có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương. “Phát triển hai con số không đồng nghĩa với việc tất cả lĩnh vực phải tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, mà quan trọng là đạt hiệu quả tổng thể bền vững và bao trùm”, ông nhấn mạnh.

Ông Trần Lưu Quang cho rằng, có 4 điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này. Đó là sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội; kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về thể chế; có chiến lược và mô hình phát triển đúng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực cốt lõi; sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn.

Tin bài liên quan