Chính phủ họp với các địa phương để thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế 6 tháng hồi phục tích cực nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Vì vậy, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương để tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Hôm nay (4/7), Chính phủ sẽ họp trực tuyến với địa phương và họp thường kỳ tháng 6/2022 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, tìm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra.

Cụ thể, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021.

Theo kịch bản được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng GDP 6 tháng dự kiến ở mức 5,1-5,7%. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP của cùng kỳ năm 2021 là 5,74%, còn bình quân tăng trưởng GDP 6 tháng trong giai đoạn 2016-2019 là 6,38%. Như vậy, 6,42% là mức tăng trưởng khá cao, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ.

Sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ đã giúp kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng vượt dự kiến.
Sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ đã giúp kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng vượt dự kiến.

Đặc biệt, nhiều địa phương động lực cũng đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao, như Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24,0%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,58%), Hải Dương (11,82%), Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,66%), Vĩnh Phúc (10,1%), Đà Nẵng (7,23%), Đồng Nai (7,06%), Bình Dương (6,84%)…

Điều quan trọng, trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44%. Đây là mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Tính đến ngày 23/6, tăng trưởng tín dụng đạt 8,85% so với cuối năm 2021; mặt bằng lãi suất duy trì hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, mặt bằng tỷ giá ổn định.

Hơn nữa, cân đối ngân sách nhà nước cũng tích cực, 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 63,2% dự toán, tăng 15,8%, dầu thô đạt 121,3% dự toán, tăng 80,8%.

Thu ngân sách tích cực, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ mở rộng dư địa tài khóa để có thể triển khai các chính sách hỗ trợ trong 6 tháng cuối năm.

Cùng với đó, cân đối thương mại tiếp tục đà tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 16,4% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ, riêng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20%, xuất siêu 6 tháng đạt 710 triệu USD.

Đầu tư toàn xã hội cũng tăng khá, ước thực hiện 6 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước tăng 9,9%, FDI thực hiện tăng 8,9%, và điều này cho thấy, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

“Hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch”, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định như vậy.

Trong đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, giá trị tăng thêm toàn ngành quý II tăng 9,87% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,45%. Tính chung 06 tháng, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 8,48% so với cùng kỳ.

Thương mại, dịch vụ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng đã phục hồi rõ nét, nhờ giải pháp ứng phó dịch Covid-19 phù hợp, hiệu quả.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 19,5% so với cùng kỳ (trong khi quý II năm 2021 tăng 5,1%); tính chung 06 tháng tăng 11,7%, cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm trước dịch. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại, trong tháng 6 tăng 36,8% so với tháng trước.

Kinh tế phục hồi nên tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. Tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay. Qua đó, khẳng định niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Đó là những kết quả đáng ghi nhận của kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, khó khăn chồng chất khó khăn.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về lạm phát, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thiếu hụt lao động cục bộ, dịch bệnh…, tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Điều này đòi hỏi các cấp, ngành không được lơ là, chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới và trong nước, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả doanh nghiệp và người dân sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Tin bài liên quan