Chính sách thuế không được gây khó cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp do thiếu thuế theo hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế sắp được Bộ Tài chính ban hành.

“Hướng dẫn quản lý thuế phải làm sao tránh để doanh nghiệp lợi dụng, nhưng cũng không được gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng triệt để quy định về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nên đã đến lúc phải ngăn chặn tình trạng này?

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Từ trước năm 2014, doanh nghiệp phải kê khai, tạm nộp thuế TNDN hàng quý và thực hiện quyết toán theo năm. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, từ năm 2014 trở lại đây, doanh nghiệp không phải kê khai thuế TNDN hàng quý nữa, mà chỉ tạm nộp theo quý, cuối năm mới quyết toán. Nếu số tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế phải nộp theo quyết toán, thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán.

Quy định này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thủ tục và chủ động trong kê khai, nộp thuế, nhưng cũng tạo kẽ hở để không ít doanh nghiệp lợi dụng bằng cách chỉ tạm nộp thuế TNDN theo quý lấy lệ, rồi nộp dồn vào cuối năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách nhà nước, mà còn không công bằng.

Không công bằng ở chỗ nào, thưa bà?

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp hàng quý chỉ tạm nộp thuế lấy lệ, thì không ít doanh nghiệp phải nộp gần như toàn bộ số thuế phát sinh. Đó là những doanh nghiệp bắt buộc phải lập báo cáo tài chính quý, như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp niêm yết…

Như vậy là không công bằng giữa doanh nghiệp phải nộp gần như toàn bộ số thuế phát sinh và doanh nghiệp chỉ tạm nộp cho có, nên cần phải sửa đổi quy định tạm nộp thuế TNDN theo quý.

Thưa bà, hướng dẫn quản lý thuế sắp được Bộ Tài chính ban hành đã đưa ra quy định nhằm “khắc chế” tình trạng lách luật, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu quy định quá cứng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp?

Đối với doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính quý và tạm nộp thuế căn cứ vào báo cáo tài chính quý thì không có vấn đề gì, vì vẫn thực hiện tạm nộp thuế như hiện nay. Nhưng với những doanh nghiệp còn lại, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, phải căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của quý để xác định số thuế TNDN tạm nộp, nhưng tổng số thuế tạm nộp 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế phải nộp theo quyết toán năm, nếu nộp thiếu so với số thuế phải tạm 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp.

Quy định này sẽ khắc chế được tình trạng doanh nghiệp chỉ tạm nộp thuế “lấy vì”, đợi đến cuối năm, khi quyết toán mới nộp đủ.

Tuy nhiên, khắc phục được tình trạng này thì lại phát sinh tình trạng khác, đúng như doanh nghiệp phản ánh, là nếu làm cứng nhắc sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp bị nộp tiền chậm nộp (0,03%/ngày tính trên số thuế chậm nộp).

Về lý thuyết, quy định tổng số thuế tạm nộp 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế phải nộp cả năm là hợp lý, thưa bà?

Về lý thuyết, nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ, doanh thu phát sinh chủ yếu trong quý I (thời gian diễn ra Tết Nguyên đán) và quý IV (cuối năm Dương lịch). Hơn nữa, trong hoạt động kinh doanh, không ai có thể tính chắc chắn doanh thu, lợi nhuận trước cả một quý để tính ra số tiền thuế tạm nộp.

Vậy theo bà, làm thế nào để bảo đảm vừa tránh lợi dụng, vừa không gây khó khăn cho doanh nghiệp?

Với những doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính hàng quý thì không cần phải bàn. Những doanh nghiệp còn lại hầu hết phải thực hiện đầy đủ hệ thống kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ, nên sau mỗi quý đều biết doanh thu bao nhiêu, chi phí thế nào và tính ra số thuế phải nộp của từng quý. Vì vậy, cần quy định, doanh nghiệp căn cứ vào thực tế hoạt động để tính ra số thuế phải nộp và phải tạm nộp tối thiểu 80% số thuế phát sinh hàng quý, nếu nộp thấp hơn 80% thì tính tiền chậm nộp. Quý nào tạm nộp dưới 80%, thì tính tiền chậm nộp của quý đó, cuối năm quyết toán, doanh nghiệp mới phải hoàn thành 100% nghĩa vụ thuế phải nộp.

Tất nhiên, quy định này cũng chỉ nên áp dụng với những doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, còn đối với những doanh nghiệp nhỏ thì cần tìm ra cơ chế linh hoạt khác, vì trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ chiếm tuyệt đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng đóng góp vào ngân sách nhà nước là không đáng kể so với doanh nghiệp vừa và lớn.

Bà có nghĩ là nên lấy mốc doanh thu từ 200 tỷ đồng/năm trở xuống để xác định là doanh nghiệp nhỏ để thực hiện cơ chế linh hoạt?

Đúng là nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lấy mốc doanh thu 200 tỷ đồng. Ngay cả việc giảm 30% thuế TNDN năm 2020 cũng lấy tiêu chí doanh thu 200 tỷ đồng trở xuống làm căn cứ để giảm thuế. Tuy nhiên, việc quản lý thuế TNDN thì không thể căn cứ vào doanh thu, vì trên thực tế, có những ngành nghề doanh thu 50-70 tỷ đồng đã phải nộp thuế TNDN rất lớn như dịch vụ tư vấn. Ngược lại, có những lĩnh vực, đặc biệt trong hoạt động sản xuất ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, doanh thu lên tới 300-400 tỷ đồng, nhưng số thuế phải nộp không nhiều, thậm chí không phải nộp.

Vì vậy, theo tôi, cần phải tính toán, cân nhắc khi đưa ra tiêu chí doanh nghiệp và loại nào bắt buộc phải nộp tối thiểu 80% số thuế TNDN phát sinh hàng quý; loại nào cần quản lý linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan