Bài viết này chia sẻ quan điểm cá nhân trong việc xem xét một số thay đổi quan trọng của chính sách thuế mới có hiệu lực trong năm 2009 và đưa ra nhận định mang tính dự đoán về những thách thức cho nhà hoạch định chính sách thuế trong năm 2010.
Thuế thu nhập cá nhân
Luật Thuế TNCN lần đầu tiên mở rộng phạm vi áp dụng đối với các khoản thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế đã ảnh hưởng lớn đến những cá nhân có thu nhập tại Việt Nam. Kể từ năm 2009, thu nhập chịu thuế không chỉ gói gọn trong thu nhập từ tiền lương, tiền công, mà còn bao gồm thu nhập từ đầu tư chứng khoán, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, thừa kế, quà tặng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền bản quyền tác giả… Những thay đổi này không chỉ giúp thuế TNCN của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn góp phần bù đắp phần nào sự giảm về số thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu, chẳng hạn như thuế nhập khẩu do thực hiện các cam kết quốc tế sau khi gia nhập WTO.
Các quy định mới về thuế TNCN khi mới được ban hành đã gây nhiều băn khoăn và lo ngại cho người lao động và người sử dụng lao động về việc đánh thuế đối với các lợi ích khác trả cho người lao động, vốn trước đây không chịu thuế TNCN theo các quy định cũ, như học phí cho con cái của người nước ngoài hoặc các khoản phí thành viên. Tuy nhiên, sau này cơ quan thuế đã ban hành các thông tư và công văn hướng dẫn, giải quyết những thắc mắc.
Cho đến tận bây giờ, các NĐT cá nhân vẫn còn lo ngại về việc đánh thuế đối với thu nhập cổ tức. Theo quy định, các cá nhân có thu nhập là cổ tức sẽ phải chịu thuế ở mức 5%. Điều này được coi là chưa công bằng nếu so sánh với sự miễn thuế thu nhập từ cổ tức cho các công ty trong nước theo Luật Thuế TNDN. Phần lớn NĐT bất động sản đều lưỡng lự giữa 2 lựa chọn thuế, một là đóng thuế 25% trên thu nhập ròng hoặc đóng thuế 2% trên tổng số tiền thu được từ giao dịch.
Hiện nay, các khoản thu nhập của nhân viên dưới dạng cổ phiếu công ty còn không mới lạ với cơ quan thuế Việt Nam. Do vậy, trong năm 2009 cũng đã có chính sách thuế hướng dẫn áp dụng riêng cho việc tính thuế đối với các khoản thu nhập bằng cổ phiếu (Công văn số 14169 ngày 7/10/2009 của Bộ Tài chính). Tuy vậy, đối tượng sử dụng lao động có thể vẫn gặp khó khăn trong việc kê khai nộp thuế TNCN đối với những trường hợp bán cổ phiếu ưu đãi hoặc thưởng bằng cổ phiếu sau khi thôi việc hoặc không tiếp tục làm việc ở Việt Nam.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Sự thay đổi quan quan trọng và nhìn chung có lợi cho DN trong chính sách thuế TNDN là việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 28% xuống 25%. Các DN và NĐT coi việc giảm thuế suất là hết sức tích cực, khuyến khích DN quyết định đầu tư và mở rộng sản xuất - kinh doanh hơn. Thêm vào đó, việc bãi bỏ thuế lũy tiến trên lợi nhuận từ các giao dịch chuyển nhượng bất động sản được coi là một trong những yếu tố góp phần làm "nóng" thị trường này. Mặc dù vậy, một số ngành nghề kinh doanh khác như khai thác mỏ và dầu khí lại có nhiều lý do để lo ngại do thuế suất tối thiểu tăng từ 28% lên 32%.
Từ ngày 1/1/2009, đối tượng nộp thuế TNDN được phép giữ lại tối đa 10% thu nhập chịu thuế hàng năm để lập quỹ phát triển và nghiên cứu (R&D). Mặc dù chính sách thuế này được coi là một bước tiến mới của Luật Thuế TNDN, nhưng các DN cho rằng, quỹ này sẽ có ích và thực tế cho DN hơn nếu không bị bó hẹp ở các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật ở Việt Nam.
Trước đây, các NĐT nhìn nhận chính sách miễn giảm thuế của Việt Nam nhìn chung là phức tạp và khó thực hiện một cách thống nhất. Mặc dù Luật Thuế TNDN kể từ năm 2009 thu hẹp những ưu đãi về thuế TNDN, nhưng lại được xem là tích cực theo hướng đơn giản hóa các ưu đãi thuế nhằm thực hiện dễ dàng hơn. Một điều hết sức thú vị khi thuế được đánh giá là một trong những biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo vệ mội trường khi đưa ra chính sách thuế ưu đãi vào tháng 12/2009 cho các dự án đầu tư liên quan đến bảo vệ môi trường.
Một trong những lo ngại lớn nhất của các DN là việc khấu trừ chi phí quảng cáo khuyến mại. Việc cho phép tăng mức khống chế chi phí này từ 10% lên 15% trong một số năm đầu cho DN mới thành lập tuy được hoan nghênh, nhưng nhìn chung không đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Phòng Thương mại châu Âu cho rằng, nếu Việt Nam thiếu những bước tiến quan trọng trong việc xóa bỏ hẳn mức khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại, thì sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đối với những thương hiệu quốc tế lớn sẽ sụt giảm.
Một thay đổi nữa trong các quy định về Thuế TNDN là việc yêu cầu các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc của DN hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố khác đóng thuế TNDN tại địa phương đó theo tỷ lệ chi phí của chi nhánh phụ thuộc trên tổng chi phí của DN.
Hiện các DN Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế quốc gia, trong đó nhiều DN đã và đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế và có thu nhập từ cổ tức. Các quy định về thuế TNDN đã hướng dẫn rõ ràng hơn về việc đánh thuế các khoản thu nhập tại nước ngoài và thủ tục khấu trừ số thuế đã nộp tại nước ngoài. Tuy nhiên, chính sách thuế TNDN lại không quy định cụ thể vấn đề miễn thuế TNDN đối với thu nhập là cổ tức của DN trong nước từ việc đầu tư ra nước ngoài. Do đó, nếu không quy định việc miễn thuế đối với khoản thu nhập như vậy sẽ không khuyến khích các DN trong nước đầu tư ra nước ngoài. Bởi lẽ, nếu họ đầu tư trong nước thì các khoản cổ tức nhận được từ các hoạt động đầu tư trong nước sẽ được miễn thuế TNDN.
Thuế giá trị gia tăng
Luật Thuế GTGT mới bãi bỏ một số chính sách miễn thuế GTGT đối với máy móc thiết bị nhập khẩu, ngay cả trong trường hợp các loại máy móc thiết bị này hiện chưa sản xuất được trong nước. Việc này gây khó khăn về mặt lưu chuyển tiền tệ cho DN, vì thông thường, giá trị các mặt hàng nhập khẩu này rất lớn. Tuy nhiên, sau này, Thông tư 205/2009/TT-BTC ngày 26/10/2009 đã góp phần giảm bớt gánh nặng này cho các DN nhập khẩu thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế GTGT.
![]() |
Ông Nguyễn Trung Thành là Chủ nhiệm cấp cao, Dịch vụ Thuế và Tư vấn, Văn phòng Ernst & Young tại Hà Nội. Ngoài kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực ngân hàng, ông Thành có hơn 9 năm kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn khách hàng là các công ty đa quốc gia, các ngân hàng lớn trong và ngoài nước về các vấn đề về thuế, đưa ra các giải pháp thuế giúp khách hàng tuân thủ các quy định về thuế một cách có hiệu quả.
|
Một thay đổi tích cực khác trong chính sách thuế GTGT là việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với các dịch vụ xuất khẩu, mà không cần thiết là phải có điều kiện tiêu thụ ngoài Việt Nam như trước đây. Mặc dù không phải tất cả dịch vụ cung cấp cho các công ty nước ngoài đều được áp dụng mức thuế suất 0% (như dịch vụ tái bảo hiểm với các công ty bảo hiểm nước ngoài, các dịch vụ tài chính phái sinh), nhưng sự thay đổi này sẽ làm cho các nhà xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Liên quan đến kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, các khoản chi trả trên 20 triệu đồng phải được thanh toán qua ngân hàng. Lý do của sự thay đổi này là nhằm ngăn ngừa gian lận liên quan đến khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào và từng bước đưa Việt Nam thành một xã hội không dùng tiền mặt.
Thuế nhà thầu nước ngoài
Thuế nhà thầu nước ngoài (NTNN) được điều chỉnh theo Thông tư 134/2008/TT-BTC, ban hành vào tháng 12/2008, áp dụng từ ngày 1/1/2009. Một trong những thay đổi quan trọng là Thông tư 134 đã bãi bỏ phương pháp nộp thuế NTNN hỗn hợp, do vậy làm tăng chi phí và gánh nặng về mặt hành chính cho các NTNN muốn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với việc mua hàng hóa và dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, đến tháng 10/2009, Thông tư 197/2009/TT-BTC cho phép áp dụng lại phương pháp nộp thuế hỗn hợp này.
Trong năm 2009 cũng đánh dấu sự ra đời của chính sách thuế NTNN đối với những dịch vụ tài chính phái sinh. Sau khi tham khảo ý kiến của các DN, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13637/BTC-CST vào tháng 9/2009, quy định mức thuế suất thuế NTNN 2% đối với khoản thanh toán ròng cho các giao dịch hoán đổi lãi suất. Công văn này chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN, đặc biệt các ngân hàng, là được miễn thuế NTNN nhằm góp phần phát triển thị trường tài chính trong nước và khuyến khích DN trong nước tăng cường sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như là một công cụ mới trong việc quản lý rủi ro tín dụng. Mặc dù vậy, Công văn đã làm rõ chính sách thuế áp dụng giúp cho ngân hàng và DN hoạch định chính sách giá sản phẩm và giúp họ tuân thủ quy định về thuế.
Quản lý thuế
Là một phần của gói dự án hiện đại hóa ngành thuế đang được thực hiện bởi các cơ quan thuế địa phương, Bộ Tài chính đã cho phép các đối tượng nộp thuế tại một số khu vực như ở Hà Nội, TP. HCM nộp thuế điện tử theo Quyết định 1830/QD-BTC ban hành ngày 29/7/2009. Người nộp thuế nhìn nhận việc nộp và lưu trữ thuế điện tử là một bước phát triển tích cực, không chỉ trong việc hiện đại hóa hệ thống thuế ở Việt Nam, mà còn trong việc cải thiện các dịch vụ của cơ quan thuế địa phương cho người nộp thuế tại Việt Nam.
Chính sách thuế cho mục đích ngăn chặn suy thoái kinh tế
Khi Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 11/12/2008, cơ quan thuế đã ban hành các văn bản hướng dẫn ưu đãi về thuế như là một biện pháp để ngăn chặn suy thoái kinh tế ở Việt Nam. Cụ thể là ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoãn thuế TNCN và sau đó là miễn thuế TNCN, giảm 30% thuế TNDN và hoãn nộp thuế TNDN 9 tháng đối với các DN vừa và nhỏ hoặc cho các đối tượng khác như dệt may, giày dép… giảm 50% thuế GTGT đối với 19 nhóm mặt hàng bị ảnh hưởng (ví dụ: một số sản phẩm bê tông; một số sản phẩm cơ khí được sử dụng cho sản xuất, vận chuyển trong nước, khách sạn và dịch vụ du lịch), gia hạn nộp thuế GTGT cho một số hàng hoá nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế GTGT cho các DN xuất khẩu…
Một điểm khá thú vị là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã áp dụng giảm 30% thuế TNDN và giãn nộp thuế trên tinh thần của Thông tư 03 do đáp ứng được điều kiện quy định tại văn bản này. Tuy nhiên, đối tượng nộp thuế này sau đó thất vọng và không hiểu khi Bộ Tài chính đưa ra hướng dẫn ngày 22/7/2009 nêu rõ rằng, Thông tư 03 không áp dụng cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, hầu hết các đối tượng nộp thuế đều băn khoăn không hiểu có được giãn nộp thuế TNDN cả năm 2009 khi quyết toán thuế cuối năm hay vẫn được giãn nộp, do các hướng dẫn chỉ quy định việc giãn nộp thuế chỉ áp dụng đối với số thuế TNDN hàng quý năm 2009.
Tóm lại, ngành thuế Việt Nam đã thực hiện khá thành công công tác thuế trong năm 2009. Theo cuộc họp nội bộ ngành thuế hàng năm được tổ chức tại Thành phố Vũng Tàu vào tháng 12/2009, ngành thuế đã vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2009 cho Nhà nước, thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về miễn thuế, giảm, hoàn thuế… Cuộc họp này cũng thống nhất nhiều công tác thuế cần thực hiện trong năm 2010, trong đó có việc cải thiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế. Nếu như ngành thuế thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính về thuế thêm 40% theo kế hoạch thì chắc chắn công tác thuế này sẽ mang lại những lợi ích hết sực thiết thực cho các đối tượng nộp thuế.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, một số nhiệm vụ trước mắt trong năm 2010 bao gồm hướng dẫn thực hiện Luật Thuế tài nguyên, dự thảo Luật Thuế nhà đất, Luật Thuế về môi trường, hướng dẫn áp dụng thống nhất những thay đổi của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.