Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 18/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 119,50 – 121,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 7,6 USD xuống mức 3.338,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng bật tăng trở lại và leo lên trên về 3.350 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,38 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 25.185 đồng/USD, tăng 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.980 – 26.340 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giảm từ 119.300 USD xuống 118.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục và lên trên 120.000 USD trước khi lùi về dưới mốc 119.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,97 USD (+1,44%), lên 68,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,84 USD (+1,21%), lên 70,34 USD/thùng.
VN-Index tăng lên sát 1.500 điểm
Nối tiếp đà tăng của phiên hôm qua, VN-Index nhanh chóng chạm mốc 1.500 điểm ngay từ sớm trong phiên ngày 18/8.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng đã tranh thủ cơ hội chốt lời ở vùng giá cao khiến chỉ số đảo chiều, thậm chí đã có lúc giảm về dưới tham chiếu.
Mặc dù vậy, lực bán không quá lớn, trong khi dòng tiền vẫn chảy mạnh và tâm lý thị trường duy trì sự lạc quan đã giúp chỉ số thêm một lần bật lên, đóng cửa áp sát mốc điểm quan trọng 1.500 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch 18/7: VN-Index tăng 7,27 điểm (+0,49%), lên 1.497,28 điểm; HNX-Index tăng 1,68 điểm (+0,68%), lên 247,77 điểm; UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,51%), lên 104,74 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Năm (17/7), nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và các báo cáo kết quả kinh doanh tích cực hỗ trợ.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng 0,6% so với tháng trước lên 720,1 tỷ USD trong tháng 6, tốt hơn so với kỳ vọng tăng 0,1% của thị trường. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ đã tăng 3,9% trong tháng 6, mức tăng đáng khích lệ so với con số tăng 3,3% trong tháng 5.
Kết thúc phiên 17/7: Chỉ số Dow Jones tăng 229,71 điểm (+0,52%), lên 44.484,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 33,66 điểm (+0,54%), lên 6.297,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 155,16 điểm (+0,75%), lên 20.885,65 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng hơn trước của cuộc bầu cử thượng viện vào cuối tuần.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,21% xuống 39.819,11 điểm và tăng 0,63% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 0,19% xuống 2.834,48 điểm.
"Các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm trước cuộc bầu cử quốc gia vào cuối tuần", Yugo Tsuboi, chiến lược gia trưởng tại Daiwa Securities cho biết.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shigeru Ishiba và liên quan Komeito được dự báo sẽ mất đa số tại Thượng viện vào Chủ nhật.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi chiến dịch của Bắc Kinh nhằm kiềm chế việc cạnh tranh gay gắt về giá đã nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,50% lên 3.534,48 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,60% lên 4.0058,55 điểm và tăng 1,3% trong tuần.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cam kết chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh giảm giá sản phẩm quá mức của các công ty, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn để xóa đi áp lực giảm phát dai dẳng.
Nội các Trung Quốc hôm thứ Tư tuyên bố sẽ kiềm chế cái mà họ mô tả là cạnh tranh "phi lý" trong lĩnh vực xe điện, cam kết tăng cường điều tra chi phí và tăng cường giám sát giá bán.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhận ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm qua trên Phố Wall khi các nhà đầu tư đặt cược vào tăng trưởng kinh tế ổn định và lạm phát hạ nhiệt.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,33% lên 24.825,66 điểm và tăng 2,7% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,51% lên 8.986,47 điểm.
Diễn biến đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng, sau khi Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã bác bỏ tin đồn về kế hoạch thành lập một “ngân hàng nợ xấu” để dịch chuyển các khoản nợ khó đòi.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi cổ phiếu tài chính chịu sức ép chốt lời, nhưng chỉ số chính vẫn ghi nhận tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 4,22 điểm, tương đương 0,13% xuống 3.188,07 điểm. Trong tuần, chỉ số KOSPI tăng 0,39%, sau khi tăng 3,98% vào tuần trước đó.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán giảm 1,69% và các nhóm tài chính giảm 1,02%, sau khi đã tăng tốc trong những tuần gần đây nhờ sự lạc quan về chương trình cải cách thị trường của Tổng thống Lee Jae Myung.
Kết thúc phiên 18/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 82,08 điểm (-0,21%), xuống 39.819,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,06 điểm (+0,50%), lên 3.534,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 326,71 điểm (+1,33%), lên 24.825,66 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,22 điểm (-0,13%), xuống 3.188,07 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tin vui cho thị trường tài chính
Giới chuyên gia tài chính đã chia sẻ góc nhìn về tác động của khả năng xóa bỏ cơ chế hạn mức tín dụng tới ngành ngân hàng nói riêng, thị trường tài chính nói chung..>> Chi tiết
- Nhiều cải cách lớn đang thực hiện để nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán
Ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của FTSE Russell - tổ chức chuyên về cung cấp các chỉ số tài chính và xếp hạng thị trường chứng khoán toàn cầu..>> Chi tiết
- Các nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến tiền mã hóa nhưng nhu cầu vẫn còn thấp
Sự tăng vọt lên mức kỷ lục của Bitcoin trong tuần này đã khơi lại những câu hỏi về vai trò của các nhà đầu tư tổ chức trong việc thúc đẩy tiền mã hóa, khi các nhà phân tích cho rằng vai trò của họ vẫn còn khá mờ nhạt..>> Chi tiết