Techcombank đã được NHNN chấp thuận cho phép cổ đông chiến lược là HSBC nâng lên mức 15%

Techcombank đã được NHNN chấp thuận cho phép cổ đông chiến lược là HSBC nâng lên mức 15%

Chính thức nhận hồ sơ thành lập ngân hàng

(ĐTCK-online) Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 20/7 tới đây, NHNN sẽ chính thức nhận hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng mới. Thông tin mới nhất cho biết, khả năng số lượng hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới sẽ giảm so với con số 25 trước đây đưa ra.

Hồ sơ tỉnh giảm

Cũng theo NHNN, hiện mới chỉ có trường hợp của Tiết kiệm Bưu điện xin chuyển đổi sang mô hình ngân hàng cổ phần là trường hợp đặc biệt và đã có ý kiến thông báo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông xây dựng đề án và trình trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, còn về cơ bản, đối với các hồ sơ xin thành lập ngân hàng vẫn sẽ theo đúng quy định là nộp lên NHNN xem xét.

Thực ra trước đây, khi chưa có Quyết định 24/QĐ-NHNN về quy chế cấp giấy phép trong việc thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, đã có khoảng 25 hồ sơ được gửi tới NHNN. Tuy nhiên, tất cả hồ sơ này đã được trả lại để hoàn thiện theo quy định mới.

Theo dự đoán, số lượng hồ sơ nộp trở lại NHNN chỉ còn khoảng 20 hồ sơ, một số tỉnh trước đây cũng có hồ sơ gửi lên sẽ rút lại khi gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập ngân hàng phục vụ cho tỉnh là không phù hợp và không hiệu quả trong điều kiện hiện nay.

Ngoài một số nội dung đã rõ ràng thì vẫn có một số điểm chắc chắn còn tiếp tục phải xử lý, chẳng hạn theo quy định mới, cổ đông sáng lập là tổ chức chỉ giữ tối đa 20% vốn điều lệ tại ngân hàng mới. Tuy nhiên, một số tập đoàn/tổng công ty lớn có đề án thành lập ngân hàng thường muốn giữ mức vốn lớn hơn tỷ lệ trên. Chẳng hạn, trường hợp của Petro Vietnam, theo phương án trước đây là giữ tới 41% cổ phần tại ngân hàng dự kiến thành lập.

 

Sở hữu vẫn có thể là 20%

Ngoài việc thành lập ngân hàng mới, NHNN cũng đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn  Nghị định 69/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các ngân hàng thương mại Việt Nam . Theo Nghị định 69, mức tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ là 15% cổ phần tại một ngân hàng trong nước, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt NHNN có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhưng mức nắm giữ tối đa là 20%

Trên thị trường hiện nay, mới chỉ có Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được NHNN chấp thuận cho phép cổ đông chiến lược là HSBC nâng lên mức 15% theo quy định, các ngân hàng khác đã có cổ đông chiến lược nước ngoài như ACB, Sacombank, VP Bank, Habubank,… thì chưa có thông tin về việc nâng mức sở hữu. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã bày tỏ mong muốn về một tỷ lệ 20%, thay vì mức tối đa 20%.

Cũng theo NHNN thì về vấn đề này, trong dự thảo Thông tư cũng không nêu rõ trường hợp đặc biệt là như thế nào. Điều này có nghĩa, các ngân hàng đều có thể trình phương án xin nâng lên mức tối đa 20% như tinh thần của Nghị định 69. Dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành trong tháng 8/2007, hồ sơ xin tăng vốn của cổ đông chiến lược được xem xét và trả lời trong khoảng 2-3 tuần.

 

Cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn?

Cũng liên quan tới việc mua cổ phần tại các ngân hàng trong nước của ngân hàng nước ngoài, theo nhận định chung, xu hướng này đang chậm lại so với trước đây. Theo một quan chức NHNN, mặc dù chưa thể kết luận rõ về việc này nhưng đã có những biểu hiện nhất định. Nếu như trước đây, các ngân hàng nước ngoài quan tâm tới việc mua cổ phần tại ngân hàng trong nước, khi đến tìm hiểu thường đến cả NHNN để trao đổi, nhưng hiện tượng này đến nay còn rất ít.

Theo một số nhận định ban đầu, việc giảm sức hấp dẫn trong mua cổ phần tại ngân hàng thương mại trong nước có những lý do của nó. Như trước đây, khi vấn đề chưa rõ ràng thì nhiều ngân hàng nước ngoài kỳ vọng có thể mua tới 49% cổ phần giống như các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, nhưng với những văn bản mới nhất thì mức tối đa có thể sở hữu chỉ là 20%, tức là chưa căn bản trở thành cổ đông lớn tại một ngân hàng.

Thêm vào đó, việc cho phép các ngân hàng nước ngoài có thể thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam đã có quyết định cụ thể. Chính vì vậy, các ngân hàng nước ngoài muốn thâm nhập mạnh hơn vào thị trường Việt Nam sẽ phải cân nhắc hình thức tiếp cận nào là phù hợp. Đối với hình thức ngân hàng con 100% vốn, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng loại hình này được hưởng quy chế đối xử quốc gia, bình đẳng trong hoạt động với ngân hàng trong nước nên không bị bất kỳ hạn chế về mặt pháp lý nào trong hoạt động tại Việt Nam.

Theo thông tin từ NHNN, hiện có 7 đề nghị thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, tăng so với trước, trong đó có 3 ngân hàng đã nộp hồ sơ là HSBC, ANZ và Standard Chartered, một số ngân hàng đến từ Đài Lan và Hàn Quốc cũng đã có đề nghị về vấn đề này. Tất cả ngân hàng trên đều đã có chi nhánh tại Việt Nam, tuy nhiên, việc kết hợp tất cả hình thức có thể để thâm nhập thị trường Việt Nam, từ việc đầu tư cổ phần vào ngân hàng trong nước, mở chi nhánh và tiến tới mở ngân hàng con 100% vốn thể hiện nhu cầu muốn lợi nhuận lâu dài và chiếm lĩnh thị trường.

Tất nhiên, việc xét duyệt hồ sơ cũng như để có giấy phép thành lập và đưa ngân hàng con vào hoạt động sẽ tốn không ít thời gian. Nhưng sự có mặt của các ngân hàng lớn này tại Việt Nam chắc chắn sẽ khiến hoạt động của ngành ngân hàng phải thay đổi. NHNN dù chưa chính thức nhưng cũng đang tính tới việc đưa vào các văn bản pháp luật về sáp nhập, hợp nhất ngân hàng để chuẩn bị cho tương lai.