Bất động sản luôn tạo sức hút lớn. Ảnh: Việt Dũng

Bất động sản luôn tạo sức hút lớn. Ảnh: Việt Dũng

“Chợ” địa ốc: Thêm người chưa hẳn thêm vui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường địa ốc đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hái quả ngọt ở lĩnh vực mới.

Nhân tố mới

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen đã thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 40% vốn. Công ty này thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho nhân viên Tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Công ty Rita Võ - đơn vị chuyên phân phối vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất… cũng công bố “lấn sân” sang mảng bất động sản. Khi đó, ông Võ Mậu Quốc Triển - Chủ tịch Công ty Rita Võ cho biết, doanh nghiệp này sẽ khởi công xây dựng nhiều chung cư hạng sang tại TP.HCM và khách sạn 5 sao ở Phú Quốc.

Không chỉ doanh nghiệp lĩnh vực tôn, thép hay vật liệu xây dựng, mà nhiều doanh nghiệp ở những ngành “chẳng liên quan” cũng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản.

Đơn cử, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu tôm là Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã bổ sung bất động sản vào ngành nghề kinh doanh của Công ty. Đại diện Minh Phú cho biết, trước mắt, Công ty thực hiện một dự án nhà ở xã hội quy mô gần 18 ha tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với tổng vốn đầu tư gần 633 tỷ đồng.

Hay như doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải là Tập đoàn Đầu tư Phương Trang cũng thể hiện tham vọng trong lĩnh vực bất động sản bằng việc thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Phương Trang (Futa Land) vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó tập đoàn mẹ góp 78% vốn.

Nhiều dự án nhà ở đang gặp khó. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều dự án nhà ở đang gặp khó. Ảnh: Dũng Minh

“Miếng ngon” không dành cho số đông

Trong bối cảnh thị trường địa ốc gặp khó khăn, việc có nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư thêm mảng bất động sản khi đã đứng vị thế đầu ngành ở mảng kinh doanh cốt lõi là một tín hiệu vui và niềm vui dường như được nhân lên khi gặt hái thành công ở lĩnh vực mới.

Đơn cử, Futa Land hiện là “tay chơi” bất động sản có tiếng khi sở hữu quỹ đất lớn với loạt dự án đình đám từ Bắc vào Nam.

Tại TP.HCM, tên tuổi của Futa Land gắn liền với các dự án thuộc phân khúc cao cấp như New Pearl quy mô diện tích 2.219 m2 tại số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3; The Landmark City quy mô 4.261 m2 tại quận 1; Golden Gate quy mô diện tích 1,9 ha tại quận 7… Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu khu đất rộng hơn 50.000 m2 dọc con đường Nguyễn Hữu Thọ. Được biết, khu đất này trước đây là một nghĩa trang đã được giải toả và thuộc sở hữu của Phương Trang để phát triển thành khu đô thị - thương mại quy mô lớn.

Tại TP. Thủ Đức, bên cạnh dự án Quang Thuận quy mô 1,2 ha, doanh nghiệp này còn nắm trong tay khoảng 10 khu đất, tổng diện tích gần 20.000 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh.

Bên cạnh những cái tên thành công, cũng có không ít doanh nghiệp đang lận đận với các dự án bất động sản của mình.

Chẳng hạn, Công ty Rita Võ dự định đầu tư dự án Rita Võ Plaza có tổng diện tích 3.647 m2, tầng cao tối đa là 22 tầng với 4 tầng hầm tại mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5). Tiến độ xây dựng dự kiến trong vòng 54 tháng kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Dự án được chủ đầu tư “ấp ủ” đã lâu và chính thức nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 9/2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành chuyên môn của UBND TP.HCM, dự án Rita Võ Plaza chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư nên vẫn “nằm bất động” từ đó tới nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, gần 2.300 doanh nghiệp bất động sản đã ngừng hoạt động, tăng 37% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể cũng tăng nhẹ, ghi nhận con số 248 doanh nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và nhiều doanh nghiệp đang phải cố gắng duy trì tồn tại.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group cho rằng, thị trường luôn có yếu tố sàng lọc và đào thải, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh doanh bài bản sẽ tiếp tục vững bước và ngược lại, sẽ phải rời bỏ cuộc chơi. Với những doanh nghiệp “tay ngang”, trong bối cảnh hiện tại, khó khăn phải đối mặt còn lớn hơn nhiều các doanh nghiệp “chính thống”.

Vì vậy, để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu các nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có, chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp có đủ năng lực triển khai hoặc kêu gọi đầu tư, chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để vượt khó.

“Thậm chí, bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục triển khai để đỡ ‘nặng gánh’ cũng là một phương án nên cân nhắc. Bởi trên thực tế, có không ít doanh nghiệp chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với đủ các khoản ‘lãi mẹ đẻ lãi con’, để rồi nhận trái đắng với đống nợ khổng lồ mà tiền lãi còn gấp nhiều lần nợ gốc”, ông Thắng nói.

Tin bài liên quan