Chờ đợi tin tốt từ kinh tế vĩ mô

Chờ đợi tin tốt từ kinh tế vĩ mô

(ĐTCK-online) Đối với NĐT, hiện có hai điều đáng quan tâm nhất. Đó là tình hình kinh tế vĩ mô có chuyển biến tốt liệu có dẫn tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách NHNN hạ lãi suất cơ bản và kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong những tháng cuối năm sẽ ra sao. Tiến sỹ Võ Trí Thành (ảnh), Trưởng ban Hội nhập quốc tế - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với ĐTCK-online về hai nội dung này.

Trong 2 tháng trở lại đây tình hình kinh tế của Việt Nam được nhận xét là có chuyển biến tốt, ông nhìn nhận thực tế này ra sao?

 

Từ tháng 3 đến tháng 6 gần như toàn bộ thông tin vĩ mô của Việt Nam đều trong tay các tổ chức quốc tế với nhiều thông tin không mấy tích cực, hai tháng trở lại đây không khí tích cực có vẻ nhiều hơn. Cho đến thời điểm này có thể thấy lạm phát có dấu hiệu chững lại, hệ thống ngân hàng có tính thanh khoản tốt hơn, dự kiến tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế năm nay đạt khoảng 6,5% là kết quả không quá tồi.

 

Tuy nhiên so với những năm trước, tăng trưởng kinh tế giảm nên sẽ có những vấn đề khó khăn như nợ xấu gia tăng, xử lý những vấn đề về cho vay bất động sản, lòng tin của công chúng mong manh... Vì vậy ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là trọng tâm trong thời gian tới.

 

Với những dấu hiệu tích cực như vậy, ông có cho rằng tới đây NHNN có nên hạ lãi suất cơ bản hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ bằng giải pháp nào đó để gỡ khó cho doanh nghiệp?

 

Như tôi đã đề cập, Chính phủ đặt trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô, do vậy sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, song liều lượng như thế nào cần linh hoạt. Thời điểm này rất nhạy cảm. Tính toán không đúng, nới lỏng chính sách tiền tệ vội vã có thể dẫn tới những tình huống khó cứu chữa, nhưng nếu không điều hành linh hoạt có thể gây ra những khó khăn xã hội lớn. Nói như vậy có nghĩa là, vĩ mô mình vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng vi mô sẽ có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2% lên 3,6% như tháng vừa qua là một ví dụ.

 

NĐT chứng khoán hiện rất quan tâm tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý III, quý IV này. Ông nhìn nhận ra sao về kết quả này, liệu có rất xấu so với hai quý trước?

 

Theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa dừng hoạt động, 60% khó khăn và chỉ 20% vẫn hoạt động tốt. Điều này cho thấy doanh nghiệp quy mô nhỏ là có khó khăn. Với doanh nghiệp lớn, khó khăn có song họ có sức mạnh, có vốn, thì thời điểm này cũng đem lại những cơ hội tốt. Thứ nhất là tăng chiếm lĩnh thị phần để sau này có đủ quy mô kinh tế phát triển mạnh hơn. Thứ hai, đây là cơ hội thâu tóm, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp dễ dàng hơn với giá rẻ hơn để gia tăng quy mô hoạt động. Thứ ba, trong khó khăn xuất hiện thị trường mới nếu doanh nghiệp nhanh chóng chớp thời cơ có thể mang lại lợi nhuận cao, chẳng hạn một số ngân hàng thu lợi nhuận từ việc lập kinh doanh sàn vàng chẳng hạn. Vì thế, tôi cho rằng kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III, quý IV này vẫn có những điểm sáng.

 

Theo quan sát của ông thì liệu đến bao giờ tình hình kinh tế VN sẽ thoát khỏi những khó khăn hiện nay, giúp TTCK có cơ sở phát triển bền vững?

 

Các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định rằng tăng trưởng kinh tế thế giới, Mỹ, Nhật Bản, EU và các nước đang phát triển trong năm 2008 sẽ giảm đáng kể so với 2007. Kinh tế các nước quay lại đà tăng trưởng tốt hơn từ năm 2010 cùng với sự ổn định kinh tế vĩ mô. Với Việt Nam, dự báo mới nhất của CitiGroup cho rằng, năm 2008, lạm phát vào khoảng 26-29%, tăng trưởng 6,5%, nhập siêu khoảng trên dưới 20 tỷ USD, thâm hụt thương mại không lớn, thậm chí có thặng dư. Năm 2009, lạm phát 12-16%, tăng trưởng có thể đạt 7%, từ năm 2010, kinh tế VN cũng theo xu hướng chung của kinh tế thế giới (lạm phát thấp, 1 con số và tăng trưởng 7,5% - trên 8%).