Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho DNNN, nhưng phải đi kèm với chế độ tự chịu 
trách nhiệm

Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho DNNN, nhưng phải đi kèm với chế độ tự chịu trách nhiệm

Chờ đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Là một trong 3 trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện diễn ra chậm, nên kết quả đạt được còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, cần có giải pháp đột phá trong tái cơ cấu DNNN thời gian tới.

Áp kỷ luật thị trường vào DNNN

Tình trạng tái cơ cấu DNNN đang diễn ra chậm, theo TS. Nguyễn Văn Trình, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP. HCM là do cơ chế, chính sách chưa ban hành kịp thời; DNNN chưa tập trung triển khai cổ phần hóa (CPH); năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tại các DN còn yếu. Ngoài ra, do thiếu nguồn lực tài chính, khâu sắp xếp lao động gặp nhiều vướng mắc...

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, muốn tạo đột phá trong tái cơ cấu DNNN, một trong những biện pháp cần quyết liệt triển khai là áp đặt kỷ luật thị trường đối với hoạt động của DNNN; loại bỏ mọi sự phân biệt đối xử giữa các loại hình DN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Gắn liền với giải pháp này là phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu tại DN. Tiến tới thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tách khỏi cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Một giải pháp quan trọng khác, theo ông Tuyển là thúc đẩy CPH DNNN thực chất hơn. Theo đó, bán hết phần vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Với những DNNN mà Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối, cần tập trung đổi mới mạnh mẽ quản trị, coi đây là giải pháp chủ yếu của tái cơ cấu DNNN. Trong đó, trọng tâm là thực hiện minh bạch hóa hoạt động của DNNN.

Tán thành quan điểm cần áp dụng triệt để các nguyên tắc, kỷ luật thị trường trong hoạt động của DNNN, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất chi tiết hơn các giải pháp để hiện thực hóa nguyên tắc này trong quá trình thúc đẩy tái cơ cấu DNNN. Đó là hoàn thiện các cơ chế để buộc DNNN hạch toán đầy đủ các chi phí vốn, buộc DN và người quản lý DN phải chịu đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động của mình.

“Các giải pháp tái cơ cấu DNNN cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho DNNN, nhưng phải đi kèm với chế độ tự chịu trách nhiệm. Cũng cần hoàn thiện cơ chế giám sát việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DNNN theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn, tăng trách nhiệm giải trình”, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM nói và cho rằng, quá trình tái cơ cấu cần thúc đẩy các DNNN tập trung đầu tư, kinh doanh chuyên sâu vào các lĩnh vực mà DN có ưu thế cạnh tranh về công nghệ, đội ngũ nhân lực, thị trường, nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu DNNN cũng cần có giải pháp khắc phục tình trạng nhập nhèm giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích như hiện tại. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia đề nghị, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế định rõ hơn nhiệm vụ của DNNN. Trong đó, làm rõ đâu là nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công ích, đâu là nhiệm vụ kinh doanh. Từ đó, xây dựng hai bộ tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của DNNN. Hiện nay, do chưa phân biệt rõ hai chức năng này, nên trong hạch toán dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, làm “méo” thị trường, cũng như kết quả hoạt động của DNNN. 

Cần lập cơ quan cấp bộ “quản” DNNN

“Chính phủ cần thay đổi cơ chế quản lý, giám sát, kiểm tra đối với DNNN theo hướng xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Thay vào đó, nhanh chóng thành lập cơ quan ngang bộ, chuyên trách quản lý các DNNN”, ông Trình đề xuất, đồng thời phân tích, cơ sở cho đề xuất này xuất phát từ chỗ DNNN là một mô hình công ty đặc biệt về chế độ sở hữu, khác với các loại hình công ty ngoài nhà nước. Với DNNN, nhân sự trong hội đồng thành viên đều là viên chức nhà nước, là người lao động ăn lương nhà nước, nên dễ nảy sinh các tiêu cực và dẫn đến thông tin bất cân xứng. Do đó, cần có cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát hoạt động của DNNN.

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực đã tạo ra “khoảng trống” pháp lý trong quản lý, giám sát DNNN. Do đó, các chuyên gia đề nghị, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội cần ủng hộ phương án có một chương riêng quy định về DNNN trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, như Ban soạn thảo đề xuất. Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát chặt hơn hoạt động của khối DNNN.

“Tái cơ cấu DNNN sẽ có bước đột phá”

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.

 Thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đã chỉ đạo, phối hợp với rất nhiều đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế, nhằm thúc đẩy sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu các DNNN. Với hàng loạt giải pháp đột phá được quy định tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK của DNNN, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới, sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN nói chung, CPH nói riêng.

Trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn Quyết định 51/2014, Bộ Tài chính luôn lắng nghe ý kiến của các DN, chuyên gia, để đưa ra các cơ chế hướng dẫn mang tính kỹ thuật dễ hiểu, dễ thực hiện, nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại, qua đó thúc đẩy tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới.

“Nên lập Ủy ban cải cách DNNN”

Ông Đinh Tuấn Minh, Chuyên gia kinh tế

Cần cải cách cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng tập trung và chuyên nghiệp. Nên chuyển đổi mạnh mẽ việc quản lý các DNNN dưới dạng quỹ quản lý vốn (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC), thay vì trực thuộc Chính phủ, các bộ, hoặc UBND tỉnh.

Trong giai đoạn còn nhiều DNNN như hiện nay, có thể Nhà nước cần vài công ty hoạt động theo mô hình SCIC. Mỗi công ty quản lý vốn sẽ phụ trách một lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ công nào đó. Các SCIC này nên được đặt dưới sự quản lý tạm thời của Ủy ban cải cách DNNN, có vai trò tương đương một bộ trong Chính phủ. Ủy ban này có sứ mệnh thực hiện việc tái cơ cấu DNNN để giảm quy mô và số lượng các DNNN về một mức mục tiêu nào đó, chẳng hạn tỷ trọng đóng góp vào GDP chỉ còn dưới 10% vào năm 2020.

Cùng với đó, cần chú trọng cải cách hệ thống trách nhiệm và khuyến khích trong việc quản trị DNNN theo hướng người đại diện vốn chủ sở hữu là giám quản của Nhà nước; người điều hành DNNN được hưởng lợi ích theo cơ chế thị trường. Các giám quản sẽ có trách nhiệm giám sát hoạt động của DNNN, hoặc được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của DNNN. Để đảm bảo người được bổ nhiệm trong HĐQT của DNNN làm việc vì lợi ích của Nhà nước, thì người được bổ nhiệm này không được nhận lương hay tiền của DN. Chế độ lương, thưởng cho tổng giám đốc và ban điều hành của DNNN sẽ do HĐQT đề xuất và đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

DNNN phải là khu vực tiên phong về minh bạch thông tin. Cần áp dụng các chuẩn mực tài chính kế toán và công khai hóa thông tin của các công ty niêm yết đối với các DNNN. Các DNNN cũng cần công khai các mục tiêu chính sách, chỉ rõ các chi phí thực hiện để theo đuổi các mục tiêu phi thương mại, cũng như các khoản nhận hỗ trợ từ Chính phủ.

Tin bài liên quan