Chờ minh bạch nợ xấu

(ĐTCK-online) Thời điểm cổ phần hoá các ngân hàng quốc doanh đang đến gần. Công chúng đầu tư lần đầu tiên có cơ hội nắm bắt chính xác số nợ xấu của các ngân hàng này trong những bản cáo bạch sắp tới.

Khác với những doanh nghiệp cổ phần hoá và niêm yết khác, các ngân hàng có hoạt động kinh doanh đặc thù. Ngoài những chỉ số tài chính cơ bản như ở các bản cáo bạch thông thường, nợ xấu là một con số quan trọng và nhạy cảm, có tác động lớn đến quyết định của nhà đầu tư. Ở thời điểm này, có thể khẳng định rằng, rất nhiều nhà đầu tư không nắm được con số chính xác nợ xấu của các ngân hàng quốc doanh, đích ngắm đầu tư của họ sắp tới. Không phải là họ không tìm hiểu, cập nhật mà bởi thiếu sự minh bạch trong dạng thông tin này.

Có thời, nợ xấu là một thông tin nhạy cảm, "cấm” truyền thông rộng rãi. Nhưng nay, cửa hội nhập rộng mở, thời điểm cổ phần hóa đã gần, những con số liên quan dần được mạnh dạn công bố. Nhưng ngay ở thời điểm này, số liệu vẫn không thống nhất.

Ngoài hai ngân hàng đã niêm yết là Á châu (ACB) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thông tin nợ xấu được công bố khá đều theo yêu cầu của thị trường, thì một số ngân hàng TMCP cũng bắt đầu cởi mở hơn, nhưng với khối quốc doanh, nợ xấu vẫn luôn là đề tài tranh luận trong suốt những năm qua với những con số… áng chừng. Và để thống nhất, lần đầu tiên công chúng có cơ hội nắm bắt chính xác số nợ xấu của các ngân hàng này ở những bản cáo bạch sắp tới. Tất nhiên, tính chính xác nằm trong khuôn khổ công bố, bởi chuẩn phân loại nợ xấu giữa các ngân hàng, giữa chuẩn trong nước và quốc tế có sự khác nhau.

Theo lãnh đạo Vietcombank, ngân hàng này đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong khối quốc doanh, dưới 2%. Tỷ lệ này là nỗ lực của Vietcombank trong thời gian qua, chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hoá sắp tới và cũng một phần khẳng định vị trí ngân hàng thương mại hoạt động tốt nhất hiện nay.

Với BIDV, một số thông tin gần đây vẫn đề cập đến vị trí đầu bảng nợ xấu. Trong năm 2006, nợ xấu của BIDV được nói đến nhiều nhất ở mức trên dưới 9%. Nhưng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu của BIDV phân loại theo Điều 7, Quyết định 493 là 9,1%; còn theo Điều 6 Quyết định 493 là 3,2%. Nếu theo Điều 6, đó thực sự là một con số ấn tượng, cho thấy ngân hàng này cũng đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hoá sắp tới. Còn theo Điều 7, đó là một tỷ lệ khá cao. Nhưng theo lãnh đạo ngân hàng này, BIDV là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thí điểm phân loại nợ theo Điều 7, Quyết định 493; bởi theo Điều 7, cấp độ phân loại cao hơn, gần hơn với các chuẩn mực quốc tế. Và theo khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, BIDV có tích cực trong xử lý nợ xấu, tích cực trong hoạt động thì mới được chọn phân loại theo cấp độ đó. Trong một tài liệu giới thiệu về mình mới đây, BIDV cũng nhấn mạnh là đã “phân loại triệt để, trung thực nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế và chỉ đạo quyết liệt xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 31% (theo báo cáo kiểm toán quốc tế năm 2005) xuống 9,1% theo chuẩn mực quốc tế”.

Vậy, nếu các ngân hàng khác cũng theo chuẩn mực quốc tế như BIDV thì tỷ lệ nợ xấu sẽ là bao nhiêu? Hiện chưa có con số cụ thể, ngay cả tỷ lệ phổ biến quanh mức 1% của khối ngân hàng TMCP cũng cần phải xét lại. Và ở thời điểm này, tỷ lệ 15 - 20% nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam mà một số chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) xét theo chuẩn quốc tế đưa ra trước đây vẫn còn ám ảnh. Với khối ngân hàng quốc doanh, cụ thể là BIDV và Vietcombank, câu trả lời sắp có. Hai ngân hàng này đều xác định sẽ niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài, theo đó phải đảm bảo chuẩn quốc tế về các chỉ số tài chính, trong đó có nợ xấu.

Thời điểm cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh đang đến gần. Dự tính, cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, Vietcombank sẽ “nổ phát súng” đầu tiên. Ngay sau đó, có thể là BIDV và Incombank. Vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội để minh bạch hơn. Mặt khác, với mô hình cổ phần, hoạt động của các ngân hàng sẽ có thêm sự chủ động cần thiết để tách dần hoạt động cho vay theo chỉ định - một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu trong thời gian qua. Và sau cổ phần hóa, hoạt động của các ngân hàng có thể tốt hơn, nợ xấu có thể được khống chế ở những con số “đẹp” hơn.