Thị trường bất động sản trong vài ngày nữa sẽ đón nhận nhiều quy định mới

Thị trường bất động sản trong vài ngày nữa sẽ đón nhận nhiều quy định mới

Cho phép huy động vốn bất động sản bằng trái phiếu

Các hình thức huy động vốn đầu tư dự án bất động sản: vay vốn, phát hành trái phiếu, hợp đồng góp vốn - hợp tác đầu tư... lần đầu tiên được quy định trong Nghị định 71 của Chính phủ, sẽ có hiệu lực từ ngày 8/8.

Ngày 4/8, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Nguyễn Văn Hiệp đã giới thiệu Nghị định 71 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, thu hút hàng trăm doanh nghiệp bất động sản tham dự, đóng góp ý kiến.

 

Sẽ có hiệu lực trong vòng 4 ngày tới, Nghị định 71 chuẩn bị thay thế Nghị định 90 của Chính phủ, đề cập nhiều nội dung mới hỗ trợ giải quyết những nút thắt của thị trường bất động sản. Các vấn đề được tranh luận và giới thiệu, giải thích nhiều nhất là: hình thức và thời gian huy động vốn dự án nhà ở, cách tính diện tích chung riêng trong nhà chung cư, phân cấp, quy trình thực hiện dự án...

 

Một trong những nét mới của Nghị định 71 so với Nghị định 90 là đưa ra quy định về các hình thức huy động vốn, trong đó có đề cập đến hình thức phát hành trái phiếu. Cụ thể, Nghị định 71 ghi rõ, chủ đầu tư cấp một được vay vốn, phát hành trái phiếu nhưng không được kèm theo quyền ưu tiên mua nhà. Chủ đầu tư cấp một được ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư cấp II. Tuy nhiên, chủ đầu tư cấp một chỉ được ký các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân khác khi đã khởi công xây dựng dự án. Trước 15 ngày tiến hành ký hợp đồng góp vốn-hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh, huy động vốn, chủ đầu tư phải trình báo Sở Xây dựng.

 

Nếu muốn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp bất động sản khác thì chủ đầu tư phải hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Nghị định 71 cũng khẳng định chủ đầu tư được huy động vốn mua nhà ứng trước của khách hàng khi đã xây xong phần móng. Trước đây, khu đô thị chỉ cần xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật là có thể bán sản phẩm nhưng khi Nghị định 71 thắt chặt hơn, buộc các dự án khu đô thị phải hoàn tất phần móng mới được phép bán nhà nhằm bảo vệ quyền lợi người dân.

 

Trong khi đó, chủ đầu tư cấp II muốn huy động vốn thì phải có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư cấp một, trong hợp đồng phải có điều khoản cho phép huy động vốn. Đối với hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, chủ đầu tư cấp một chỉ được giao dịch tối đa 20% số lượng nhà ở của dự án không qua sàn.

 

Điểm nhấn thứ hai trong Nghị định 71 là đưa ra nhiều khái niệm mới về sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư, vấn đề đã gây nhiều tranh cãi, kiện cáo ầm ĩ trong hai năm nay. Cụ thể, sở hữu riêng được phân thành 2 loại: sở hữu riêng của từng khách hàng và sở hữu riêng của chủ đầu tư khi doanh nghiệp giữ lại tài sản không bán. Phần sở hữu chung được xác định là không gian hành lang, cầu thang bộ, thang máy, sân thượng, khung, cột, tường bao che, phân chia các căn hộ, sàn, mái, hệ thống đường đi, lối thoát hiểm, sân chơi chung... Còn nơi đỗ ôtô, chủ đầu tư phải quyết định ngay từ đầu xem đây là sở hữu chung hay sở hữu riêng. Tất cả các phân định tài sản chung, riêng phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán ngay từ đầu.

 

Dù có một số điểm mới được đánh giá "thông thoáng" nhưng không ít chuyên gia bất động sản băn khoăn cho là chưa ổn.

 

Nhiều doanh nghiệp chất vấn, việc doanh nghiệp phải báo cáo với Sở Xây dựng cách thức huy động vốn có khi chỉ là hình thức vì Sở làm sao có thời gian cũng như nhân lực để đi hậu kiểm. Không những thế, điều này có khi còn trở thành một giấy phép con, gây khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

 

Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP. HCM Đỗ Thị Loan cho rằng, nếu có 20% sản phẩm dự án được bán không qua sàn theo hình thức ưu đãi đầu tư thì tính minh bạch của thị trường vô tình bị sụt giảm 20%.

 

Câu chuyện xây xong móng mới bán nhà được một số chuyên gia địa ốc thắc mắc, nếu khu đô thị đã hình thành trong nhiều năm qua, nay bán nhà chưa xây móng, chỉ có hạ tầng kỹ thuật thì có bị hồi tố theo Nghị định 71 hay không?

 

Còn quy trình thực hiện dự án trong Nghị định 71 bị phản ánh là "đẻ" thêm thủ tục hành chính. Cụ thể, dự án được chia thành 3 cấp quy mô. Dự án dưới 500 sản phẩm (biệt thự, nhà ở, căn hộ) do quận huyện chấp thuận đầu tư. Dự án quy mô 500-2.499 sản phẩm UBND thành phố và Sở Xây dựng chấp thuận đầu tư. Dự án 2.500 căn trở lên phải được Chính phủ chấp thuận đầu tư. Thủ tục sẽ bị đẻ thêm với dự án có từ 2.500 căn hộ trở lên vì phải được Chủ tịch UBND thành phố trình Chính phủ và các bộ ngành liên quan chấp thuận phương án đầu tư thì mới "qua cửa". Trong khi đó, bản thân Nghị định 71 không hề hướng dẫn quy trình chấp thuận đầu tư ra sao.

 

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Nguyễn Văn Hiệp giải thích, tuy sẽ có hiệu lực từ ngày 8/8 nhưng Nghị định 71 chắc chắn vẫn chưa thể đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ. Hiện nay còn hàng chục vấn đề lớn nhỏ liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản thuộc Nghị định 71 đang phải chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

 

Trước thời hạn ngày 8/8, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị UBND TP. HCM ban hành một số hướng dẫn Nghị định 71 để cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện. Tạm thời, những dự án đã được duyệt vẫn tiến hành bình thường. Còn dự án có điều chỉnh nội dung, thay đổi công năng, quy mô, đặc biệt là thay đổi tiến độ thì phải chờ văn bản chờ thành phố chấp thuận.

 

Ông Hiệp phân tích, về vấn đề huy động vốn, Nhà nước quy định doanh nghiệp phải sử dụng vốn huy động đúng mục đích. Tuy nhiên điều này rất khó cho cơ quan quản lý can thiệp. Đây chỉ là quy định để ràng buộc mang tính hình thức, còn triển khai chặt chẽ thì chưa có tính khả thi.

 

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP. HCM cho hay, dù được giao trách nhiệm quản lý thị trường bất động sản nhưng sở chưa nắm được TP HCM có bao nhiêu dự án đang khởi công. "Chúng tôi chỉ biết dự án nào được phê duyệt trên sổ sách, còn thực tế họ triển khai hay chưa, làm đến đâu thì không quản nổi. Công tác kiểm soát của sở hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở bước khảo sát thị trường, học hỏi nghiệp vụ từ các đơn vị tư vấn bất động sản", ông Hiệp nói.