Chọn người chất vấn: Hơn 100 đại biểu không hồi âm

0:00 / 0:00
0:00
Qua phiếu xin ý kiến, có đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chất vấn về tự kiểm soát quyền lực trong cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Có 297 vị đại biểu chọn chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Có 297 vị đại biểu chọn chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Có đến hơn 100 vị đại biểu đã không hồi âm phiếu xin ý kiến chọn người trả lời chất vấn trực tiếp ở Kỳ họp Quốc hội thứ năm này.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, ngay từ khi Quốc hội chưa khai mạc Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về việc tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 (trên App Quốc hội).

Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội sau đó cho biết, đến 17h00 ngày 22/5/2023 (hạn cuối nhận phiếu), đã nhận được ý kiến của 393 đại biểu Quốc hội. Như vậy, có đến 101 vị đại biểu đã không tham gia chọn người chất vấn.

Trước đây, phiếu xin ý kiến là bản giấy, nếu ngày gửi phiếu đại biểu nào vắng mặt thì khả năng phiếu đến chậm hoặc không nhận được là có thể xảy ra. Nay, mọi việc dễ dàng hơn nhiều, ở bất cứ đâu chỉ cần có internet là các vị đại biểu dễ dàng nhận – gửi lại phiếu. Nếu không thể hiện thêm chính kiến ở mục “ý kiến khác” thì chỉ cần một khoảng thời gian tính bằng phút để thực hiện chọn ô đồng ý/không đồng ý trong danh sách 5 nhóm vấn đề dự kiến.

Như thế, có thể có hai khả năng khiến hơn 100 vị đại biểu “bỏ qua” phiếu xin ý kiến quan trọng này. Thứ nhất là, đại biểu không thực sự quan tâm đến hoạt động chất vấn (không xem phiếu trong thời hạn xin ý kiến). Hai là, do chính các nhóm vấn đề được dự kiến.

“Những nhóm vấn đề tôi muốn chất vấn đều không có trong danh sách được dự kiến”, một vị đại biểu đã chia sẻ như thế khi nhận được phiếu xin ý khác.

Vị khác bày tỏ, do phiếu xin ý kiến không có mục đề xuất thêm người khác nên có thể một số vị đại biểu hiểu rằng, chỉ được (nên) chọn trong danh sách có sẵn trên phiếu. Mà danh sách đó lại chưa thật trúng với mong muốn của đại biểu.

Như vậy, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp có tỷ lệ đồng ý thấp nhất (74,05% đại biểu Quốc hội chọn), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.

Tổng hợp từ 393 phiếu có hồi âm, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ có 313 đại biểu chọn (chiếm 79,64%).

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp có 291 vị chọn (74,05%).

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc được 297 vị lựa chọn (75,57%). Các con số tương tự với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội là 354 và 90,08%; với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải là 328 và 83,46%.

Qua phiếu xin ý kiến, có đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chất vấn về tự kiểm soát quyền lực trong cơ quan Thanh tra Chính phủ. Ý kiến khác đề nghị chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về trách nhiệm đảm bảo thông tin cá nhân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử; giải pháp để tăng cường tính đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân sử dụng thẻ định danh điện tử khi thực hiện các giao dịch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, nội dung trên thuộc trách nhiệm chính của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này.

Hơn nữa, nội dung chất vấn về tự kiểm soát quyền lực trong cơ quan Thanh tra Chính phủ đã được đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022); kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 để các cơ quan thực hiện.

Nội dung về sử dụng tài khoản định danh điện tử đã được đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2022).

Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 để các cơ quan thực hiện. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép không bổ sung nội dung này vào nhóm vấn đề chất vấn.

Trong bốn vị Bộ trưởng chính thức được chọn lên “ghế nóng” tại kỳ họp này, duy nhất Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời tại kỳ họp thứ hai, các vị còn lại đều là “tân binh”. Mặc dù nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông lần thứ hai được chọn, song do nhân sự đã thay đổi nên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng là lần đầu tiên đăng đàn.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng lần đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp, thời gian dành cho ông chỉ có 1h30 phút, ít hơn nhiều thời gian dành cho các vị bộ trưởng (hơn 2 ngày dành cho 4 người).

Theo thông lệ, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn, phát biểu kết thúc từng nhóm vấn đề và toàn bộ hoạt động chất vấn (diễn ra từ sáng 6/6 – sáng 8/6).

Tin bài liên quan