ĐBQH Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Minh Minh)

ĐBQH Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Minh Minh)

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Làm một con đường bên cạnh nhà dân phải tham vấn ý kiến của người dân một cách thực chất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng nay (1/11), dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu. Đây là sự án luật quan trọng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều "nút thắt", rào cản trong quản lý sử dụng nguồn lực đất đai của đất nước. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với PV báo Đầu tư Chứng khoán về những điều ông kỳ vọng ở lần sửa đổi Luật này.

Thưa đại biểu, xin cho biết kỳ vọng của ông đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay?

Tôi hi vọng lần sửa đổi này sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay về đất đai, tháo gỡ được những "điểm nghẽn" để đưa nguồn lực đất đai vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Sửa Luật Đất đai lần này có hai mục tiêu lớn. Mục tiêu thứ nhất là, phải đưa đất đai trở thành nguồn lực, động lực như Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị đã xác định, hướng đến mục tiêu lớn là đến năm 2045 phải đưa đất nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.

Mục tiêu thứ hai, theo tôi còn quan trọng hơn là, nguồn lực đất đai phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội trong vòng 10 - 20 năm tới như chiến lược đã đề ra. Ngoài ra phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên gồm người dân, cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước.

Tôi cho rằng đây không chỉ là kỳ vọng của riêng tôi mà cũng là kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiện nay.

Trong số những vấn đề được sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, nhóm vấn đề nào ông quan tâm nhất?

Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều nội dung quan trọng như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề cập. Trong đó, tôi quan tâm nhất đến nhóm vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì đây là một căn cứ quan trọng để chúng ta phân bổ nguồn lực đất đai cũng như thực hiện thủ tục về đất đai.

Nếu quy hoạch sử dụng đất tốt thì nó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ngược lại, nếu quy hoạch, kế hoạch không tốt, không hợp lý thì nó trở thành một rào cản, thậm chí là một "điểm nghẽn" trong phân bổ nguồn lực đất đai, gây nên những hệ lụy cho đời sống kinh tế - xã hội, ví dụ vấn đề "quy hoạch treo" gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trong nhóm vấn đề quy hoạch đất đai, tôi quan tâm nhất đến vấn đề tham vấn ý kiến người dân và các bên có liên quan trong lập quy hoạch. Lâu nay trên thực tế tôi nhìn thấy dường như chúng ta làm chưa đúng quy trình này với tầm quan trọng và tính chất của vấn đề tham vấn.

Chúng ta biết rằng, quy hoạch khi được lập và được phê duyệt thì nó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Ví dụ làm một con đường, xây một công trình bên cạnh nhà dân thì phải tham vấn ý kiến của người dân một cách thực chất và họ phải có cơ hội để thể hiện quan điểm và tiếng nói của mình.

Từ "thực chất" ở đây tôi muốn nhấn mạnh là phải sử dụng cách thức tham vấn thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận chứ không phải cách đang làm là đăng tải thông tin quy hoạch trên website hay dán ở cơ quan công quyền.

Trước khi lập quy hoạch đất đai, phải tham vấn người dân bằng cách nào để họ dễ dàng tiếp cận chứ không phải cách đang làm là đăng tải thông tin quy hoạch trên website hay dán ở cơ quan công quyền.

ĐBQH Phan Đức Hiếu

Bên cạnh đó, đối với cơ chế giải trình, tôi quan tâm vấn đề thông tin đầy đủ đến bên liên quan về việc giải trình của các bên. Thậm chí, phải có cơ chế giải quyết nếu xảy ra bất đồng quan điểm đối với giải trình của các bên có liên quan.

Hai hoạt động của nội dung tham vấn này theo tôi là vấn đề rất quan trọng trong nội dung lập quy hoạch.

Ngoài ra, một nội dung nữa của quy hoạch cần phải quan tâm là quy hoạch phải đảm bảo sự tương thích giữa quy hoạch của cấp trên, cấp dưới, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch giữa thời gian trước và sau. Nhưng hiện nay tôi chưa nhìn thấy tiêu chí nào để xác định thế nào là sự tương thích giữa các quy hoạch. Nếu không xác định được tiêu chí này thì rất khó để điều chỉnh quy hoạch.

Sau vấn đề quy hoạch đất đai, nhóm vấn đề tiếp theo ông quan tâm là gì?

Tôi cũng quan tâm đến vấn đề phân bổ nguồn lực đất đai cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu chúng ta đặt mục tiêu đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân thì vấn đề phân bổ đất đai là đặc biệt quan trọng.

Tôi cho rằng cần sử dụng nhiều hơn các công cụ thị trường để phân bổ nguồn lực đất đai và hoạt động sản xuất kinh doanh. Để làm được điều này, đối chiếu với dự thảo hiện nay tôi cho rằng dự thảo cần làm được nhiều hơn nữa các quy định để chúng ta có được thị trường quyền sử dụng đất đầy đủ nhất trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, tôi thực sự mong muốn có thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp.

Để có được thị trường sử dụng đất cả sơ cấp và thứ cấp như ông kỳ vọng, theo ông chúng ta phải làm gì?

Đầu tiên, chúng ta phải thu hẹp công cụ hành chính trong việc thu hồi đất và giao đất, phân bổ đất, từ đó tăng dư địa cho nhóm công cụ thị trường.

Thứ hai, cần bổ sung cơ chế, cách thức giao dịch trên thị trường quyền sử dụng đất. Ví dụ cơ chế về góp vốn là quyền sử dụng đất, cơ chế về cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất, ngân hàng quyền sử dụng đất… Tất cả các cơ chế ấy phải được thúc đẩy.

"Cần sử dụng nhiều hơn các công cụ thị trường để phân bổ nguồn lực đất đai, hướng đến xây dựng được thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt là thị trường sử dụng đất thứ cấp".

(ĐBQH Phan Đức Hiếu)

Làm sao để thúc đẩy, thưa ông?

Theo tôi cần đa dạng hoá các công cụ. Ví dụ vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hiện nay chúng ta mới làm được ở mức độ là góp quyền sử dụng đất vô thời hạn vào doanh nghiệp thì đồng nghĩa với việc chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, như vậy gần như người chuyển nhượng mất đất.

Để đa dạng hóa các công cụ, tôi nhận thấy rằng cần cần nghiên cứu để bổ sung, thậm chí cho cả cơ chế góp quyền sử dụng đất có thời hạn, người góp đất có thể nhận lại quyền sử dụng đất của mình sau khi hết thời hạn họ góp đất. Hay vấn đề cho thuê quyền sử dụng đất, cần có cơ chế để người nhận cho thuê được quyền thế chấp, cho thuê lại, liên doanh liên hết bằng quyền sử dụng đất đó

Những cơ chế thị trường đó mới thúc đẩy được việc phân bổ thị trường đất. Nếu chỉ bó hẹp trong công cụ hành chính là thu hồi và giao thì không thúc đẩy được phân bổ nguồn lực đất đai bằng công cụ thị trường.

Cơ sở nào để ông kỳ vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?

Xét cả yêu cầu phát triển cả về thực tiễn, đây là những vấn đề cần phải được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Các điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy, việc tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp hiện nay vẫn được đánh giá là một trong những thủ tục rất khó khăn.

ĐBQH Phan Đức Hiếu trả lời báo chí ở hành lang Quốc hội sáng 1/11 (ảnh: M.Minh)

ĐBQH Phan Đức Hiếu trả lời báo chí ở hành lang Quốc hội sáng 1/11 (ảnh: M.Minh)

Cụ thể, Báo cáo PCI năm 2021 cho biết, đất đai được doanh nghiệp cho là nhóm khó khăn thủ tục thứ hai. 50% doanh nghiệp được điều tra cho rằng họ gặp khó khăn khi tiếp cận thủ tục về đất đai, nghĩa là cứ hai doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục này.

Như vậy, nếu như chúng ta giải quyết được những khó khăn rào cản này thì tôi kỳ vọng sẽ tạo ra được tác động rất lớn đúng như mục tiêu chúng ta đã đề ra.

Theo Báo cáo PCI năm 2021, cứ hai doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận thủ tục về đất đai.

(ĐBQH Phan Đức Hiếu)

Ông đánh giá những điều chỉnh về vấn đề tài chính đất đai của dự thảo Luật như thế nào?

Tài chính đất đai là một trong những công cụ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Dự thảo Luật đất đai hiện nay đã bắt đầu tiếp cận tài chính đất đai theo hướng tính lũy kế theo diện tích đất để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng đất một cách tiết kiệm, có hiệu quả hơn.

Nhưng tài chính đất đai tôi cho rằng cần phải nhìn nhận nó một cách rộng hơn, tổng quan hơn; không phải chỉ là vấn đề nguồn thu trực tiếp từ việc giao đất, cho thuê hay đấu giá đấu thầu quyền sử dụng đất.

Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tài chính đất đai trong Luật đất đai (sửa đổi) lần này cần hướng đến việc thúc đẩy tạo ra giá trị gia tăng từ việc sử dụng quyền sử dụng đất. Nếu như chúng ta chỉ tập trung vào giá cho thuê đất hay giao đất thì nó có mặt tích cực nhưng nó cũng có rất nhiều cái mà theo tôi là tiềm ẩn những nguy cơ gây tác động không mong muốn.

Ví dụ như giá đất tăng sẽ dẫn đến chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng, hạn chế cơ hội gia nhập thị trường của những doanh nghiệp nhỏ, làm méo mó thị trường ở chỗ chỉ những doanh nghiệp có khả năng về tài chính mới có thể tiếp cận với đất đai.

Chúng ta cần tư duy cân bằng giữa giá đất và giá trị tạo ra từ đất. Giao đất làm sao từ đấy đó doanh nghiệp làm ăn phát đạt, tạo ra doanh thu, tạo ra lao động... những cái đó lại tạo ra nguồn thu, đó mới là vấn đề chúng ta hướng đến.

Thế còn vấn đề cải cách thể chế đất đai, ông quan tâm và kỳ vọng ở mức độ nào?

Chúng ta đều biết rằng, thủ tục hành chính về đất đai là một trong những thủ tục không dễ dàng và thường là sẽ là rào cản. Trong cái phiên thảo luận về kinh tế xã hội và phòng chống tham nhũng, chống lãng phí vừa rồi, rất nhiều đại biểu đã nói những dự án kéo dài, những dự án không thực hiện được kịp thời có một phần nguyên nhân do thủ tục liên quan đến đất đai.

Sửa Luật đất đai lần này nếu chúng ta không giải quyết được "điểm nghẽn" này để tạo ra những cải cách đột phá về vấn đề về thủ tục về đất đai thì rõ ràng chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra.

Về nhóm vấn đề này, tôi kỳ vọng chúng ta đơn giản hóa thủ tục hồ sơ điều kiện một cách hợp lý, rút ngắn thời gian giấy tờ, đó là cách cải cách rất thông thường chúng ta vẫn đang làm. Kỳ vọng lớn hơn ở Luật Đất đai lần này, tôi mong muốn chúng ta đừng đứng riêng một góc nhìn đơn thuần từ Luật Đất đai mà nhìn tổng thể một chuỗi các thủ tục nhìn từ góc độ của doanh nghiệp khi triển khai một dự án đầu tư. Nghĩa là cần cải cách thủ tục hành chính trong Luật Đất đai sao cho Luật này trở thành một bộ phận thủ tục hợp lý, đơn giản, hài hòa với các cái thủ tục khác về đầu tư xây dựng

Đối với vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong dự thảo Luật Đất đai lần này, tôi chưa có bình luận nhiều vì hiện nay ngay cả chương XIV về các thủ tục về đất đai, Chính phủ mới chỉ dừng lại ở quy định ba điều và liệt kê tên các thủ tục. Tôi cho là như vậy chưa đủ.

Tôi mong muốn Chính phủ phải cụ thể những nguyên tắc nội dung cơ bản của các thủ tục về đất đai và theo nguyên tắc không chỉ tinh giản nhìn từ phía luật đất đai mà còn phải thiết kế một thủ tục hài hòa phù hợp trong tổng thể các cái quy trình thủ tục về đầu tư. Khi đó mới Quốc hội mới có dư địa để thảo luận và chúng ta mới có điều kiện để thực hiện cái cải cách mạnh mẽ.

Theo kế hoạch dự kiến, sáng 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó dự án Luật sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến góp ý tại hai kỳ Quốc hội tiếp theo và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vào cuối năm 2023.

Tin bài liên quan