Chống thâu tóm, cách nào?

Chống thâu tóm, cách nào?

(ĐTCK) Những DN có cổ phiếu giảm sâu là mục tiêu của các nhà đầu tư mạo hiểm

Một trong những xu hướng được đánh giá là nổi bật trong năm 2011 là mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), với hàng loạt thương vụ diễn ra sôi động.

Trước hết, phải kể đến những thương vụ M & A cùng với việc thay tên đổi chủ đáng chú ý như Tập đoàn Xuân Thành mua lại CTCK Vincom, Masan mua cổ phần chi phối Vinacafe Biên Hòa, CTCP Hùng Vương mua cổ phần chi phối Công ty XNK Lâm thuỷ sản Bến Tre (Faquimex)…

Đáng chú ý, năm qua, còn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp trong nước, điển hình là Unicharm mua 95% cổ phần Diana, Fortis mua 65% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ.

Xu hướng tái cơ cấu các doanh nghiệp trong tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động và quản lý cũng diễn ra sôi động trong năm, nổi bật là vụ sáp nhập của Vinpearl Hội An, Vinpearl Đà Nẵng và Vinchamrm vào VinPearl; rồi Vinpearl sáp nhập vào Vincom. Cũng trong năm 2011, CTCP FPT thực hiện sáp nhập 3 công ty con là CTCP Phần mềm FPT, CTCP Thương mại FPT và CTCP Hệ thống thông tin FPT và chuyển thành các công ty TNHH một thành viên, do FPT sở hữu 100% vốn. Việc sáp nhập này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn.

Ngoài ra, còn có rất nhiều thương vụ nhà đầu tư ngoại mua cổ phần với tỷ lệ lớn như KKR mua 10% cổ phần Masan với giá 159 triệu USD, IFC mua 10% cổ phần Vietinbank với giá 182 triệu USD, Talanx mua 25% cổ phần PVI Holding với giá 93 triệu USD.

Chống thâu tóm, cách nào? ảnh 1

Giá cổ phiếu hiện quá rẻ khiến nguy cơ DN bị thâu tóm tăng cao

Việc tái cơ cấu và sáp nhập được thực hiện bằng nhiều hình thức như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, hoán đổi cổ phiếu hoặc chào mua công khai trên TTCK. Có thể thấy rõ mục đích của các thương vụ mua bán, sáp nhập là nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp, để mang lại giá trị cộng hưởng cho DN. Khi các nhà đầu tư nước ngoài và các cổ đông lớn tham gia góp vốn vào DN sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, và đây là cơ hội để DN tăng cường quản trị công ty, cải thiện tình hình tài chính hiện tại của DN.

Trong bối cảnh TTCK Việt Nam trong xu hướng giảm điểm, nhiều cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá thấp hơn mệnh giá rất nhiều, hệ số PE, PB của nhiều cổ phiếu đang ở mức rất thấp. Thống kê cho thấy, có tới gần 80% cổ phiếu trên hai sàn đang giao dịch dưới mức giá trị sổ sách.

Những doanh nghiệp có mức giá giảm sâu được đánh giá là nhóm có nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập và là mục tiêu của các nhà đầu tư mạo hiểm. Việc nhiều doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch lên sàn cũng một phần lo ngại việc giảm giá cổ phiểu và nguy cơ bị thâu tóm sáp nhập.

Vậy đâu là giải pháp giúp các DN nhỏ tránh được nguy cơ trở thành mục tiêu của sự thâu tóm từ bên ngoài? Trên thị trường hiện nay, đã và đang xuất hiện xu hướng các DN xin hủy niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp có mức giá quá thấp và đang hoạt động kinh doanh thua lỗ, nhằm mục đích “cứu” giá cổ phiếu và tránh nguy cơ bị thâu tóm từ bên ngoài. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hữu hiệu mà mặt khác còn làm suy giảm lòng tin của cổ đông, của nhà đầu tư.

Trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp cần tạo dựng và duy trì lòng tin của cổ đông bằng việc minh bạch thông tin, làm tốt công tác quan hệ nhà đầu tư; đồng thời, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cổ đông chiến lược, cùng chia sẻ lợi ích và kinh nghiệm tăng cường quản trị công ty, tái cơ cấu từng bộ phận trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả…