TPBank đã cho phép khách hàng dùng chữ ký số để giao dịch

TPBank đã cho phép khách hàng dùng chữ ký số để giao dịch

Chữ ký số chưa phổ biến trong giao dịch ngân hàng

(ĐTCK) Là giải pháp được công nhận về tính pháp lý, được xem là có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến, nhưng chữ ký số vẫn chưa được triển khai rộng rãi trong hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Việt Nam hiện nay, nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý, mang tính quản lý nhà nước mới chỉ có chữ ký số. Tuy vậy, việc sử dụng chữ ký số không phải lúc nào cũng thuận tiện, chẳng hạn khi khách hàng lần đầu đăng ký/sử dụng dịch vụ của ngân hàng số. Hay việc chữ ký số buộc phải có thiết bị lưu trữ chuyên dụng kéo theo nhiều bất tiện cho khách hàng.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng đã xác nhận khó khăn trong triển khai chữ ký số trong giao dịch tại ngân hàng ông. Theo ông Hưng, TPBank đã cho phép khách hàng dùng chữ ký số để giao dịch hay làm căn cứ gửi văn bản chứng từ cho Ngân hàng mà không cần bản gốc, nhưng người dùng hiện chủ yếu là kế toán viên các doanh nghiệp. Trong khi đó, các khách hàng cá nhân lại chưa mặn mà với giải pháp này do thấy việc mang theo USB bên mình khá lích kích, thậm chí mất an toàn.

“Trước đây, các công ty viễn thông từng có ý định sản xuất một loại sim điện thoại có thể tích hợp chữ ký số, nhưng sau đó lại thôi. Nếu làm được việc này, giao dịch ngân hàng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết thêm, hiện nay, việc sử dụng chữ ký số còn có những hạn chế nhất định trong giao dịch điện tử, bởi sự lệ thuộc vào máy tính và chương trình phần mềm; quy định pháp lý về bản gốc, bản chính hay thời hạn của chữ ký số...

Khẳng định sự ra đời của chữ ký số là cơ sở khẳng định giá trị pháp lý của văn bản điện tử, cho phép thực hiện những giao dịch điện tử, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực sự trở nên phổ biến, thông dụng trong các hoạt động ngân hàng, đồng thời phát huy những tính năng vượt trội và có thể thay thế tài liệu giấy thì vẫn cần nghiên cứu và khắc phục những hạn chế của chữ ký số.

Liên quan đến câu chuyện hoàn thiện công cụ xác thực trong các giao dịch ngân hàng điện tử, ông Đỗ Giang Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Agribank cho rằng, để ngân hàng số hoạt động, cần cơ sở pháp lý cho định danh điện tử (eID) và xác thực đúng người giao dịch thông qua chữ ký số. Hiện mô hình định danh điện tử chưa được thống nhất tập trung gây khó khăn cho việc xác định pháp nhân giao dịch.

Từ cơ sở pháp lý về định danh điện tử, xác nhận và xác thực khách hàng tiếp tục ban hành sâu hơn về pháp lý quy định cho những văn bản số (văn bản điện tử) thay cho văn bản giấy. Điều này hiện nay chủ yếu các ngân hàng quy định qua hợp đồng giao dịch và chưa nhất quán, dẫn tới nếu có tranh chấp pháp lý sẽ thiếu căn cứ và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Tiếp theo, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, các quy định, quy chế cụ thể cho các sản phẩm ngân hàng truyền thống được số hóa và đưa lên mạng”, ông Tĩnh nói.  

Các nghị định, thông tư liên quan đến chữ ký số:

- Điều 14, Nghị định số 27/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định các cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân có tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp.

- Điều 5, Nghị định số 35/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng phải đáp ứng điều kiện “Có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật”.

- Điều 12, Thông tư số 31/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định: Đối với các giao dịch giá trị cao phải xác thực bằng các phương pháp xác thực mạnh như sinh trắc học hoặc chữ ký số.

Tin bài liên quan