Nông nghiệp, nông thôn được xác định tiếp tục là “cứ điểm” trọng yếu của Agribank

Nông nghiệp, nông thôn được xác định tiếp tục là “cứ điểm” trọng yếu của Agribank

Chủ tịch Agribank: “Không có gì quá to đến mức khó thay đổi”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khi trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2016. 

Theo người đứng đầu Agribank, mọi thay đổi, cải cách đều phải có lộ trình và thực tế thời gian qua, Agribank đã thay đổi rất nhiều. Năm 2016, Agribank sẽ hoàn tất việc xử lý các tồn tại, yếu kém để bước vào một giai đoạn phát triển mới với những tầm nhìn mới. 

Ông bình luận thế nào khi mà trong năm qua, cái tên Agribank vẫn liên tục xuất hiện trong nhiều đại án được đưa ra xét xử?

Đúng là vừa qua cái tên của Agribank xuất hiện nhiều trong các vụ án điểm, nhưng thực tế những vụ việc này đã xảy ra cách đây khá lâu, do quá trình tố tụng kéo dài, mỗi giai đoạn tố tụng đều được các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt nhắc lại và làm nóng lên, khiến dư luận tưởng rằng “nó” vừa mới xảy ra. Với tình trạng này thì 5 năm nữa, dư luận vẫn còn được nghe về những việc đã xảy ra ở Agribank từ cuối những năm 90.

Trong khi đó, nếu nói về các nhiệm vụ tái cơ cấu thì đến nay, Agribank đều đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu cơ bản như:  nguồn vốn, dư nợ đều tăng trưởng bằng với mức tăng trưởng bình quân chung toàn hệ thống; là ngân hàng duy nhất có tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70%, một lĩnh vực cho vay có chi phí cao nhất, lãi suất thấp nhất vì chính sách ưu đãi của Nhà nước, nếu không vì nhiệm vụ, chắc khó có ngân hàng nào muốn đầu tư.

Agribank cũng hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% trước thời hạn của để án 6 tháng (từ 30/6 đến nay nợ xấu ở mức 2,3% thấp hơn bình quân toàn ngành ngân hàng). Năm 2015, Agribank đã dành hàng trăm tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, đạt được gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách gần 1.000 tỷ đồng sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định.

Agribank vẫn là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, hệ thống mạng lưới và số lượng lao động. Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch xếp loại B+ như nhiều ngân hàng thương mại nhà nước khác, The Banker bình chọn là ngân hàng thứ 446 trong Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới… Kết quả kinh doanh của Agribank là trung thực, đã được nhiều đoàn thanh, kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước kiểm chứng.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc xử lý các tồn tại đã lưu cữu cần có lộ trình và thời gian nhất định,  điều quan trọng là những kết quả ban đầu thể hiện Agribank đang đi đúng hướng.

Ông Trịnh Ngọc Khánh 

Vậy còn những khó khăn gì mà Agribank vẫn đang phải đối mặt, thưa ông?

Thứ nhất, chúng tôi vẫn chưa được tăng vốn điều lệ. Trước đây, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ trong toàn ngành, sau khi các ngân hàng khác cổ phần hóa thì Agribank lại tụt xuống đứng hàng cuối trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Về vấn đề này thì một mình Ngân hàng không làm được, bởi Agribank là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn điều lệ phải do Nhà nước quyết định.

Thực tế, cách đây 4 năm Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Agrribank tăng vốn nhưng đến bây giờ vẫn còn hơn 1.000 tỷ đồng mới đủ số đã có quyết định. Trong khi theo đúng tiêu chuẩn Basel, Nhà nước phải cấp cho Agribank gần 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ, với điều kiện ngân sách hiện nay thì đây là bài toán bất khả thi.

Thứ hai, giải quyết số nợ đã xử lý: Tỷ trọng nợ đã xử lý rủi ro và nợ bán cho VAMC lớn; nhiều tài sản thế chấp cần phải bổ sung và hoàn thiện các hồ sơ; nhiều con nợ chây ỳ, thiếu hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản; các tòa dân sự quá tải, thủ tục phức tạp, kéo dài. Một số vụ việc hình sự chưa được nhìn nhận thấu tình đạt lý, người cho vay thì bị khởi tố bắt giam trong khi con nợ vẫn ung dung thách đố ngân hàng mà không bị khởi tố làm cho cán bộ hoang mang, co cụm không dám “giải cứu” khách hàng có khả năng phục hồi sản xuất để tạo nguồn thu nợ…

Năm ngoái, Agribank đã thu được 4.500 tỷ đồng nợ đã xử lý rủi ro, hơn 2.000 tỷ đồng nợ đã bán. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu mỗi năm thu hồi được 15-20% số nợ đã bán, 4.000 đến 5.000 tỷ đồng đã xử lý rủi ro. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải có thời gian. Hiện nền kinh tế đã ấm lên, nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới, hy vọng rằng khả năng thu hồi nợ đã xử lý sẽ tốt hơn.

Thứ ba, các thủ tục về thoái vốn và đặc biệt là cho phá sản một số đơn vị thành viên không thể phục hồi hoạt động vẫn chưa được thực hiện. Hiện trong diện này có Công ty Tài chính ALC 1, 2, đặc biệt là ALC 2 đã không còn gì. Chính phủ cũng đã có chủ trương cho phá sản và 5-6 năm nay Công ty này cũng không hoạt động theo cơ chế nào.

Khi có chủ trương chuyển các đơn vị này sang loại hình công ty TNHH một thành viên thì không đủ điều kiện, còn cho phá sản thì chưa có nơi nào nhận đơn. Vấn đề này vẫn cứ đeo đẳng mãi và cứ để đó thì lỗ lũy kế tăng lên,  mà ALC là công ty con của Agribank nên điều đó ảnh hưởng đến bảng cân đối chung. Agribank mong muốn là làm sao có thể xử lý dứt điểm các DN này.

Mặc dù vậy, tôi tin rằng, năm nay chắc chắn sẽ hoàn thành hết mọi nhiệm vụ tái cơ cấu và Agribank sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Có những câu chuyện bên lề như tại một số chi nhánh, nhân viên Agribank bị nợ lương, giảm lương, không thưởng, nhiều nhân sự giỏi tìm tới ngân hàng khác… Ông có cho rằng, đây là những vấn đề nghiêm trọng với Ngân hàng hay không?

Theo tôi, việc người lao động tìm chỗ có lương cao để làm việc là điều bình thường, bởi chúng ta đang trong cơ chế thị trường. “Tăng lương, giảm giờ làm“ là nguyện vọng có từ ngày xa xưa của giai cấp công nhân. Người đứng đầu cũng cần xác định trách nhiệm phải làm sao để đảm bảo đời sống cho người lao động. Ở Agribank hiện nay, nếu giám đốc lo đủ lương cho nhân viên thì ở lại, không thì nghỉ.

Tuy nhiên, lương nhiều hay ít do nhân viên làm nên chứ không phải tất cả là do lãnh đạo. “Tuyệt đối công bằng” thì không thể và ảo tưởng, nhưng  “tương đối” giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền hạn và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ  là mục tiêu phải cố gắng trong quản trị kinh doanh. Agribank có những đơn vị đạt 5 - 6, thậm chí 7 - 8 tháng thưởng trong một năm, nhưng cũng có nơi không có lương và những đơn vị này hầu hết ở địa bàn thành phố.

Nói nhiệm vụ của tôi là “vực dậy Agribank” thì không phải và nếu giao như thế chắc tôi cũng không dám nhận, nhưng lúc nào tôi cũng tin là Agribank sẽ đứng dậy được.

Năm vừa rồi, Agribank có chủ trương đưa 1.000 cán bộ về nông thôn bởi đó là địa bàn còn điều kiện để phát triển, công việc phù hợp với trình độ của họ hơn, nhưng một số nhân sự không muốn về thì buộc phải chuyển sang cơ quan khác, số lượng này cũng khoảng vài trăm người, trong số đó có cả lãnh đạo cấp cao.

Hơn 20 năm công tác tại Agribank, tôi chứng kiến nhiều sự ra đi, đến nay làm lãnh đạo tôi vẫn không thấy tiếc trường hợp ra đi nào mà tôi biết và tôi cũng đã từ chối nhiều trường hợp muốn quay lại.

Ông cũng đã đề cập đến việc Agribank cần phải thay đổi, nhưng dường như bộ máy của Agribank quá to đến mức “khó thay đổi” được?

Không có gì quá to đến mức khó thay đổi mà mọi việc đều phải dần dần đi từng bước và có lộ trình. Thực tế Agribank đã thay đổi rất nhiều. Đối tượng đầu tư đã thay đổi, chẳng hạn như trước đây có chi nhánh 100% cho vay hộ gia đình, nay dịch chuyển một phần cho vay DN để chuyển cho vay theo chuỗi. Địa bàn, quy mô cho vay thay đổi theo hướng tập trung vào nông nghiệp, nông thôn, giảm cho vay tại thành phố. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát trong mỗi bộ phận và toàn hệ thống.

Tuy nhiên, một thay đổi lớn mà chúng tôi rất mong muốn nhưng chưa được triển khai đó là cổ phần hóa Ngân hàng. Đây là thay đổi cơ bản, là con đường duy nhất để tăng vốn điều lệ.

Hiện Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN. Với đề cập của ông về việc Agribank trước sau cũng phải cổ phần hóa, Ban lãnh đạo đã có những tính toán gì?

Trong thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chủ trương chưa cổ phần hóa do xác định Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì khu vực này nhiều thời kỳ đã chứng minh là hậu phương rất lớn cho kinh tế đất nước.

Theo tôi, thời gian trước duy trì như vậy là đúng nhưng thời gian tới, khi nền kinh tế hội nhập sâu mà vẫn duy trì mô hình như vậy sẽ không ổn. Agribank vừa phải thực hiện cho vay lãi suất thấp như một ngân hàng chính sách, vừa phải cạnh tranh bình đẳng về mọi mặt như các ngân hàng thương mại khác, không những không được hỗ trợ mà còn bị mang tiếng là sống dựa vào Nhà nước, trong khi cổ phần hóa thì chắc chắn Ngân hàng sẽ hoạt động tốt hơn rất nhiều, bởi các cơ chế hoạt động theo mô hình cổ phần chủ động hơn. Tăng vốn qua cổ phần hóa, đơn giản hơn nhiều.

 Nguyện vọng cổ phần hóa Ngân hàng đã được Hội đồng thành viên thông qua và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Nghị quyết Hội đồng thành viên cũng đã dự kiến, năm 2016 Agribank “dọn dẹp” nốt tất cả những gì còn tồn tại theo mục tiêu tái cơ cấu,  bắt đầu từ năm 2017 triển khai các thủ tục cổ phần hóa và nỗ lực đến năm 2018, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Agribank sẽ chính thức chuyển sang hoạt động với tư cách ngân hàng thương mại cổ phần. Tất nhiên, cụ thể lộ trình thế nào để thực hiện được những điều này phải phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Là người được Ngân hàng Nhà nước giao “nhiệm vụ nặng nề” vực dậy Agribank, ông tỏ ra khá tự tin từ những ngày đầu. Vậy đến thời điểm này, sự tự tin đó có tăng lên?

Nói nhiệm vụ của tôi là “vực dậy Agribank” thì không phải và nếu giao như thế chắc tôi cũng không dám nhận, nhưng lúc nào tôi cũng tin là Agribank sẽ đứng dậy được, ngay trong ngày nhận nhiệm vụ phó tổng giám đốc phụ trách điều hành hơn 3 năm trước tôi đã khẳng định điều đó. Niềm tin của tôi xuất phát từ những gì tôi học được, thấy được trong gần 20 năm công tác ở lực lượng vũ trang và gần 20 năm công tác tại Agribank.

Thực tế những gì Agribank đạt được ngày hôm nay đã minh chứng niềm tin của tôi là đúng, chỉ hơi tiếc vì nhiều lý do kết quả còn khiêm tốn, chưa như kỳ vọng.

Hồng Dung thực hiện
Tin bài liên quan