Một mỏ than ở Đức. Ảnh: Getty Images.

Một mỏ than ở Đức. Ảnh: Getty Images.

Chủ tịch EC cảnh báo EU không nên trở lại sử dụng than

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo EU không nên quay lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch “bẩn” trong bối cảnh xảy ra căng thẳng với Nga.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng EU không nên quay trở lại sử dụng than và bỏ qua các mục tiêu về biến đổi khí hậu để thay thế khí đốt của Nga.

“Chúng ta cần phải đảm bảo sẽ khắc phục cuộc khủng hoảng này và tiến lên phía trước và không trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch 'bẩn'. Đây là một ranh giới mong manh và đến giờ chúng ta vẫn chưa rõ có đi đúng hướng hay không”, bà Ursula von der Leyen nói với Financial Times hôm 20/6.

Người đứng đầu EC cho biết, các quốc gia EU cần tiếp tục tập trung “đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo”.

Bà Ursula von der Leyen nói thêm rằng EU cần có các biện pháp khẩn cấp để đối phó với mối đe dọa từ việc giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng và ưu tiên các ngành công nghiệp cần sử dụng khí đốt.

Vào tháng 3, EC đã công bố mục tiêu loại bỏ dần khí đốt của Nga vào năm 2030. Quyết định này được đưa ra như một phần của các lệnh trừng phạt đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, một số thành viên EU như Đức đã nhiều lần cảnh báo rằng lệnh cấm vận ngay lập tức đối với năng lượng của Nga sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế của họ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 19/6 công bố các biện pháp khẩn cấp, trong đó có tăng dùng than để đáp ứng nhu cầu năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm.

“Để giảm tiêu thụ khí đốt, phải sử dụng ít khí đốt hơn trong khâu sản xuất điện. Các nhà máy nhiệt điện than sẽ phải được sử dụng nhiều hơn”, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết trong một tuyên bố.

Động thái này diễn ra sau khi Nga tuần trước đã giảm dòng khí đốt tự nhiên trong các đường ống tới Tây Âu, khiến giá năng lượng tăng cao.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga giải thích việc lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream bị giảm là do sửa chữa, song giới chức EU cho rằng Nga thực tế đang muốn trừng phạt các đồng minh của Ukraine.

Động thái tăng sử dụng than là điều không mong muốn của Đức khi nước này đã cam kết sẽ ngừng sử dụng than vào năm 2030.

“Thật cay đắng nhưng đây là điều cần làm để giảm tiêu thụ khí đốt”, ông Habeck nói.

Tin bài liên quan