Chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp cũng là cử tri, kiến nghị cần được lưu tâm

Doanh nghiệp thì cũng là cử tri của chúng ta, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn thì họ kiến nghị cái gì, ý kiến của thành phần này cũng phải lưu tâm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận.

Sáng 8/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, theo Chủ tịch Quốc hội là không được đầy đủ như trước.

Báo cáo được Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, ông Hầu A Lềnh cũng chưa nêu con số cụ thể về các cuộc tiếp xúc và số cử tri tham gia, như mọi kỳ họp khác.

Báo cáo nêu rõ, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình hình suy giảm của nền kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế - xã hội của nước ta. Dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng, thu nhập không ổn định, nhất là trong các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải.

Tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đầu vào, sản phẩm hàng hóa có lúc, có nơi bị ứ đọng trong thời gian diễn ra bệnh dịch, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước ; giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường có nhiều biến động; một số đối tượng lợi dụng gom hàng, đẩy giá lên cao; việc xuất khẩu gạo có những thời điểm còn lúng túng, chậm được xử lý.

Con số được nhấn mạnh tại báo cáo là trong 4 tháng đầu năm số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.

Nhắc lại thông tin đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hơn 30 năm đổi mới chưa khi nào đất nước đứng trước một thách thức lớn như đại dịch covid- 19. Nhưng báo cáo vẫn đều đều như mọi kỳ họp trước, chưa nêu được bối cảnh đặc biệt của năm 2020 này.

Kiến nghị của cử tri phải khác, không thể giống như mọi năm được, phải nói đậm tác động của dịch covid-19 đến nền kinh tế, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 33,6% thì bao nhiêu lao động không có công ăn việc làm, thu chi ngân sách cũng sẽ khó khăn, viết thế này đều đều quá, ông Hiển nhìn nhận.

Phải đánh giá được khó khăn kép, bên cạnh dịch bệnh còn là hạn nặng, xâm ngập mặn, thiếu nước nặng nề, dân phải mua 100 ngàn một khối nước, ông Hiển nhấn mạnh.

Đồng tình với Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh báo cáo cần đậm đà hơn, nhất là những ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Chưa bao giờ đồng bằng Sông Cửu long khô hạn như hiện nay, mỗi ngày mỗi gia đình chỉ được 60 lít để ăn uống, chứ tắm giặt vẫn phải dùng nước mặn, khổ như thế, dịch bệnh lại chồng chất thêm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lưu ý phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, cộng đồng đang gặp rất nhiều khó khăn, Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm là họ không xin gì đâu mà chỉ kiến nghị tháo gỡ thủ tục hành chính đang còn vướng rất là nhiều, từ cấp phòng, cấp sở lên đến Bộ chưa giải quyết được cho doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tập hợp 100 kiến nghị từ doanh nghiệp cho thấy có những hỗ trợ trong chỉ thị 11 của Chính phủ đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được.

Trước đó, trong báo cáo mới phát hành, Uỷ ban Kinh tế nhận xét, về chính sách tiền tệ, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp còn chậm, tỷ lệ dư nợ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại mới chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ dự kiến ảnh hưởng của dịch Covid-19 . Nguyên nhân là do việc thực hiện dựa chủ yếu vào thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay, trong khi chưa có những hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để nhất quán trong thực hiện.

Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp do các yêu cầu về tài sản bảo đảm, chứng minh thiệt hại do Covid-19 cũng như chứng minh dòng tiền trả nợ… Do vậy, hiệu quả của chính sách này chưa đạt như mong muốn.

Tin bài liên quan