Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sau thử thách khắc nghiệt, kinh tế lấy lại đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Hết mưa thì nắng hửng lên thôi, vừa đi qua những thử thách có thể nói là khắc nghiệt nhất, nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 đã nói như vậy.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Các dự án, dự thảo trình nửa đêm về sáng là… chuyện bình thường

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội, năm 2023, cử tri tiếp tục ghi nhận những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội ở cả hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Xin ông chia sẻ với độc giả Báo Đầu tư điểm nhấn mà ông tâm đắc nhất?

Năm 2023 là một năm khối lượng công việc, hoạt động của Quốc hội lớn nhất trong khóa này. Quốc hội theo Hiến pháp mỗi năm họp 2 kỳ, nhưng riêng năm 2023 có 5 kỳ họp, gồm 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường, chưa kể kỳ họp bất thường thứ năm vào tháng 1/2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội mỗi tháng họp một phiên thường kỳ, nhưng cũng có rất nhiều phiên họp bổ sung, tính cả năm có khoảng 16-17 phiên. Rồi rất nhiều phiên họp chuyên đề toàn quốc, như hội nghị triển khai các luật và nghị quyết của Quốc hội lần đầu tiên được tổ chức, rồi hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng pháp luật, hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND, hội nghị toàn quốc về công tác giám sát.

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi vì sao ngày lễ, ngày Tết, Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Với khối lượng công việc như vậy, nếu không làm như thế thì làm sao đáp ứng được? Bản thân chúng tôi không muốn vất vả như thế, cũng không muốn đại biểu Quốc hội, cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội vất vả như thế, thức đêm thức hôm, làm xuyên Tết, xuyên nghỉ lễ, không có cuối tuần… Việc trình các dự án luật, nghị quyết nửa đêm về sáng là chuyện bình thường. Vì yêu cầu cấp bách và khối lượng công việc rất lớn, có làm việc như vậy mới đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Tôi nhớ, trong phát biểu khai mạc của một kỳ họp Quốc hội, tôi từng nói biến công việc bất thường thành công việc bình thường, thường xuyên của Quốc hội, thì bây giờ dự báo ấy hoàn toàn thành sự thật. Quốc hội không chỉ phải phấn đấu ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, mà phải rất linh hoạt, mang theo yêu cầu, hơi thở cuộc sống, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước. Dịp cuối năm vừa rồi, tôi có gặp các đại sứ về dự hội nghị ngoại giao, ai cũng đánh giá rất cao Quốc hội Việt Nam: Năng động, đổi mới, luôn đáp ứng yêu cầu cuộc sống, đồng hành với đất nước, chia sẻ những mong muốn của người dân, doanh nghiệp, của Chính phủ.

Phải chăng đó là dấu ấn lớn nhất của Quốc hội năm vừa rồi? Chưa có năm nào có tới 5 kỳ họp, mà kỳ họp nào cũng thành công, cũng suôn sẻ.

Sau nửa nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đã tiến hành 6 kỳ họp bình thường và 5 kỳ họp bất thường

Sau nửa nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đã tiến hành 6 kỳ họp bình thường và 5 kỳ họp bất thường

Câu chuyện điển hình “kéo pháo vào và kéo pháo ra”

Riêng về công tác lập pháp, điều đọng lại qua một năm rất vất vả của Quốc hội là gì, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Về công tác lập pháp, năm qua, Quốc hội tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo, phát triển và tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh tháo gỡ khó khăn trước mắt bằng nghị quyết cho phép thí điểm một số vấn đề cấp bách, thì việc xây dựng pháp luật vẫn mang tầm nhìn dài hạn để hướng tới 2 mục tiêu 100 năm: 100 năm kỷ niệm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

Không thể một anh đi làm, một anh chịu trách nhiệm thay được, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính để không xảy ra tình trạng các tổ chức tín dụng cứ tha hồ hoạt động rồi đẩy hết rủi ro cho nền kinh tế, cho người dân, cho Nhà nước gánh chịu.

Hệ thống pháp luật vẫn phải giữ vai trò là một trong 3 đột phá chiến lược, thể hiện tinh thần kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Riêng năm 2023 vừa qua, Quốc hội đã ban hành và cho ý kiến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật khác, thông qua 6 nghị quyết như luật (nghị quyết có quy phạm pháp luật). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 1 pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh. Tính hết năm 2023, có 114/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành. Như vậy là giữa nhiệm kỳ Quốc hội đã hoàn thành hơn 83% khối lượng công việc lập pháp của cả nhiệm kỳ theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong công tác lập pháp năm qua, có những sự kiện nổi bật, như ban hành nghị quyết về áp dụng thuế doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, nghị quyết này như một luật. Đồng thời, Quốc hội cũng ban hành nghị quyết cho phép thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư, nguồn từ thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác như ngân sách nhà nước, từ các khoản tiết kiệm chi, vượt thu… để hỗ trợ đầu tư cho những tập đoàn, dự án mang tính chiến lược, không chỉ cho doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, mà cho các các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một câu chuyện điển hình của “kéo pháo vào và kéo pháo ra”.

Đầu tiên, trước Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội 1 tháng, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa 2 dự án nghị quyết vào. Một là, Dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hai là, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cho phép áp dụng thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng Nghị quyết về thuế thu nhập toàn cầu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần đã kết luận, đồng ý đưa ra được. Còn nghị quyết thứ hai khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 2 lần cũng không thông qua được để trình Quốc hội, tại vì rất khó, mà chưa có nước nào làm cả. Việc lập dự toán ngân sách hàng năm, chi cho tập đoàn nọ, tập đoàn kia bao nhiêu tiền mặt để hỗ trợ thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ.

Tìm hiểu thông lệ quốc tế, thì châu Âu có quỹ phát triển công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ cho một số nước khi thu hút đầu tư. Mỹ có luật và có quỹ phát triển kinh tế số. Còn chi từ ngân sách nhà nước là chưa bao giờ có. Do đó, ngay tại phiên họp trù bị, sau khi thống nhất với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tha thiết kiến nghị Quốc hội cho rút Nghị quyết về khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu thôi và Quốc hội cũng đồng ý.

Sau khi Quốc hội họp được một tuần, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị không thông qua nghị quyết kia một cách riêng lẻ, phải thông qua cả 2 nghị quyết, nếu không thì nên hoãn lại việc xem xét thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.

Quan tâm nhất là Tập đoàn Samsung, cử cả Giám đốc toàn cầu về tài chính sang gặp quan chức Chính phủ, Quốc hội để kiến nghị. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả 2 dự án nghị quyết nói trên. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan. Nhưng vẫn thấy rằng, để ban hành nghị quyết khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao như mong muốn lúc đầu thì khó khả thi. Mặt khác, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, đề nghị nếu chưa có nghị quyết thứ hai thì thông qua Nghị quyết về thuế thu nhập toàn cầu sớm. Vì họ sợ tranh chấp về mặt pháp lý. Chẳng hạn, lùi việc thông qua vào kỳ họp bất thường sau ngày 1/1/2024 mới có hiệu lực, mặc nhiên các tập đoàn phải nộp thuế về nước mẹ. Nên chúng ta phải chấp nhận phương án tốt nhất có thể, chưa có nghị quyết thứ hai, nhưng có nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu để các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch tài chính, chủ động làm phương án nộp thuế, vì một công ty phải làm nghĩa vụ thuế ở nhiều nước là rất phức tạp.

Thế nên, ngày đầu tiên giữa hai đợt của Kỳ họp thứ sáu, tôi làm việc với các cơ quan liên quan, gợi ý rằng, nếu như vẫn trình Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thì thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này có được không?

Theo quy định hiện hành, Chính phủ làm nghị định và chỉ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thôi, xin ý kiến trước khi thông qua. Như thế, thay vì hỗ trợ đầu tư bằng dự toán ngân sách thì chi từ quỹ sẽ dễ hơn nhiều, nên tất cả các cơ quan đồng ý cả. Thủ tướng nghe báo cáo lại thì phấn khởi quá, nửa đêm còn gọi điện cho tôi. Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lại xin Quốc hội đưa trở lại chương trình việc thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế.

Với quy định này, năm 2024, Việt Nam thu thêm được khoảng gần 15.000 tỷ đồng, theo thống kế sơ bộ. Đồng thời cũng trình Quốc hội đồng ý chủ trương cho lập quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng nghị định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Kết quả tại Kỳ họp thứ sáu vừa rồi, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết thu thuế tối thiểu toàn cầu, vừa ban hành nghị quyết chung kỳ họp, đồng ý chủ trương thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, cho anh nào muốn làm công nghệ cao, lĩnh vực chiến lược cần thu hút đầu tư, để ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp.

Quyết sách đó được dư luận đánh giá tốt, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tôi nghĩ, có lẽ thuế tối thiểu toàn cầu chắc không nhiều nước làm được như vậy. Đó là điển hình của “kéo pháo và kéo pháo ra”, để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và yêu cầu kiến tạo phát triển. Nhưng câu chuyện này tôi chưa tiết lộ hết, phải để dành vốn sau viết sách ra các bạn còn mua đọc.

Giám sát kỹ hơn nữa thị trường tài chính

Trao đổi với Báo Đầu tư vào đầu năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc Chính phủ triển khai các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn thị trường tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả giám sát cho thấy những điểm sáng nào và hạn chế ra sao, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Năm 2023, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát về an toàn tài chính, tiền tệ trên nhiều lĩnh vực. Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ năm (giữa năm 2023), Quốc hội nêu rõ yêu cầu là thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là tăng cường cải thiện năng lực hấp thụ của cả nền kinh tế nói chung.

Yêu cầu của Quốc hội còn là nghiên cứu xây dựng tiêu chí, phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội. Tập trung giải quyết những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm, không để phát sinh tổn thất tiếp theo… Sau đó, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường giám sát theo lĩnh vực phụ trách.

Thực tế cho thấy tình hình bán bảo hiểm nhân thọ của ngân hàng đã được chấn chỉnh rất nhiều. Hay Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiến hành giám sát, giải trình về hoàn thuế giá trị gia tăng, sau đó việc hoàn thuế tiến bộ hơn nhiều, vừa đảm bảo thông suốt hoàn vốn cho doanh nghiệp, vừa đề phòng việc gian lận thuế, hóa đơn…

Năm 2024, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, sẽ giám sát kỹ hơn nữa về những vấn đề độc giả báo Đầu tư quan tâm.

Đặc biệt, cũng trong năm nay, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hai thị trường này “link” rất sâu, chặt chẽ với thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, vay vốn, huy động vốn từ ngân hàng.

Bên cạnh giám sát, việc lớn nhất là sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, quá trình này những hạn chế, yếu kém của hệ thống ngân hàng, những khoảng trống pháp luật được nhận diện đầy đủ, mổ xẻ kỹ càng. Lần sửa đổi này mục tiêu là xây dựng một hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, đảm bảo an toàn hệ thống, tăng khả năng chống chịu, chống được cú sốc bên trong và bên ngoài của nền kinh tế.

Không ai có thể hiểu tổ chức tín dụng, hiểu ngân hàng bằng bản thân ngân hàng, cho nên Quốc hội phải tôn trọng lắng nghe ý kiến của Thống đốc, của các tổ chức tín dụng. Nhưng trong kinh tế thị trường, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chủ thể kinh doanh rất quan trọng. Không thể một anh đi làm, một anh chịu trách nhiệm thay được, phải siết chặt kỹ luật, kỷ cương tài chính để không xảy ra tình trạng các tổ chức tín dụng cứ tha hồ hoạt động rồi đẩy hết rủi ro cho nền kinh tế, cho người dân, cho Nhà nước gánh chịu.

Nhà nước tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ về mặt kỹ thuật thôi, không thể trong điều kiện can thiệp sớm, Nhà nước hỗ trợ mà anh ngân hàng ngồi vẫn chia cổ tức được.

Lần sửa đổi này phải tiệm cận thông lệ quốc tế, can thiệp sớm ngay khi có dấu hiệu không an toàn, càng sớm càng tốt và trong can thiệp sớm, hầu hết các tổ chức tín dụng phải tự chịu trách nhiệm.

Chính sách tài khóa phải mềm mại, khôn khéo

Nền kinh tế vẫn đang khát vốn, nhưng không hấp thụ được vốn là vấn đề khiến nhiều đại biểu lo ngại trong bối cảnh chỉ tiêu GDP năm 2023 không đạt kế hoạch. Vậy năm 2024, cần quan tâm giải quyết những vấn đề gì để khơi thông điểm nghẽn này, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Có thực tế là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, bằng chứng là giải ngân đầu tư công dù có tiến bộ nhiều, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, đầu tư tư nhân còn có điểm nghẽn, thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhiều, nhưng vốn giải ngân thực tế hạn chế, ngay vốn ODA cũng tồn đọng. Chưa bao giờ lãi suất ngân hàng giảm mạnh như bây giờ mà vốn cũng không chảy được vào nền kinh tế nhiều.

Tất nhiên, ngân hàng có cái lý của mình. Ngân hàng không thể hy sinh chuẩn tín dụng để bằng mọi cách đáp ứng yêu cầu vốn của doanh nghiệp được, bản thân doanh nghiệp cũng phải suy nghĩ vì sao không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Đương nhiên, điều kiện tín dụng trong từng thời điểm một phải rất linh hoạt. Điều hành chính sách tiền tệ hay tài khóa đều phải mềm mại, khôn khéo. Đôi khi giảm thuế để tăng thu ngân sách, chứ không phải chỉ lo mỗi chuyện giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách.

Chẳng hạn, giảm thuế trước bạ, nhưng số lượng ô tô bán được nhiều hơn thì lại thu thuế này nhiều hơn. Hay giảm thuế VAT, nhưng chưa chắc thuế VAT thu được thấp đi. Ví dụ, bình thường 100 đồng doanh thu tôi thu 10% thì được 10 đồng thuế; giờ thuế giảm xuống 8%, nhưng bán được 200 đồng thì thu được 16 đồng thuế. Điều hành kinh tế cũng vậy, vừa tập trung tăng tổng cầu, nhưng phải trọng cung, tức là vừa tạo nền tảng pháp lý thông thoáng, ổn định, vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trước mắt, vừa chăm lo cho người dân và doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là tăng cường cải thiện năng lực hấp thụ của cả nền kinh tế nói chung. Đó là một trong những vấn đề quan trọng, liên quan thực thi pháp luật, trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Cũng mặt bằng chính sách như nhau, tại sao có nơi vẫn phát triển, vốn vẫn chạy, vẫn tiếp cận được tín dụng, nơi lại không. Cũng là đầu tư công mà có bộ, ngành, địa phương không giải ngân được, nhưng có nơi lại không có tiền để mà giải ngân. Việc này cần xem lại công tác cán bộ.

Gần đây, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bắt đầu giảm khá nhiều, thực thi công vụ có chuyển biến khá tích cực rồi. Hết mưa trời lại sáng thôi. Có thể nói, nền kinh tế đã qua những giai đoạn thử thách khắc nghiệt nhất, sức chống chịu của người dân, doanh nghệp Việt Nam cũng rất kiên cường. Khi bắt được đà thì nền kinh tế sẽ lên nhanh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2024 không phải chúng ta không có cơ hội. Đôi khi phải biến nguy thành cơ.

Tôi tin với nền tảng đã tạo lập trong những năm qua, thời điểm khó khăn nhất của một số thị trường đã qua rồi, nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng để phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm mới, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định cho Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tin bài liên quan