Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (Ảnh: M.Minh)

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (Ảnh: M.Minh)

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: "Doanh nghiệp đang đối mặt với 6 khó khăn cơ bản"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm, giá đầu vào tăng, khó huy động vốn; trong khi năng lực quản trị đuối dần mà vẫn phải cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh các giải pháp hỗ trợ chưa đủ dài hơi.

Nhận định trên được ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ tại đối thoại “Trợ lực nào để doanh nghiệp Việt vượt khó?” do VITV tổ chức sáng ngày 28/3.

Khó khăn còn kéo dài

Khi nói về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt hiện nay, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, cuộc khủng kinh tế toàn cầu đang tác động đến cả doanh nghiệp tốt lẫn doanh nghiệp xấu. Đồng thời, chỉ ra 6 khó khăn cơ bản doanh nghiệp đang phải đối diện và còn kéo dài đến hết năm nay.

Một là, sức cầu hàng hoá dịch vụ giảm nhanh và khó đoán định xu hướng tiếp theo;

Hai là, giá đầu vào tăng nhiều ở hầu hết ở các nước, trung bình 20-30% thậm chí tới 50% giá thành sản phẩm, dịch vụ;

Ba là, phần lớn các doanh nghiệp hiện đang huy động vốn rất khó khăn;

Bốn là, từ đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên khốc liệt hơn;

Năm là, đối diện khó khăn như trên, khả năng quản trị của nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu "đuối sức", chủ doanh nghiệp trở nên bi quan hơn;

Sáu là, trong khi đó, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý chưa gặp nhau ở điểm chung nên các giải pháp hỗ trợ chưa thật sự sát thực, dài hạn mà đa số chỉ mang tính chất "chữa cháy" tạm thời.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, cần có sự đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, tư nhân hay Nhà nước. Bởi theo ông, có như vậy mới khuyến khích được sự hội nhập phát triển kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho công cuộc xây dựng đất nước.

Đặc biệt, theo ông Đoàn, hiện các doanh nghiệp lớn thường đang dựa vào nguồn lực khác, đây là điều mà các đối tác nước ngoài thường không mong muốn. Họ muốn nhìn vào sự phát triển thực chất từ bên trong doanh nghiệp để đầu tư.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, ông Đoàn cho rằng Nhà nước cũng cần tăng cường giám sát.

“Bởi nếu những doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế tư nhân đổ vỡ, đó cũng là tài sản, an ninh và uy tín quốc gia”, ông Đoàn nói.

Nhấn mạnh những khó khăn của kinh tế toàn cầu đang tác động đến kinh tế Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, PwC Việt Nam cho hay, PwC thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát về nhu cầu đầu tư.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, PwC Việt Nam (Ảnh: M.M)

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, PwC Việt Nam (Ảnh: M.M)

"Trong khảo sát mới nhất chúng tôi vừa công bố tháng 1/2023, kết quả cho thấy các CEO toàn cầu, trong đó có châu Á và Việt Nam, đều nhìn nhận về triển vọng kinh tế năm 2023 không được sáng sủa lắm so với các năm trước. Ở châu Á và Việt Nam nếu so sánh thì có thể tốt hơn bối cảnh chung song cũng phải chịu tác động từ xu hướng toàn cầu", bà Vân nói.

Cụ thể, chuyên gia PwC nói rằng, phần lớn các CEO trên toàn cầu cho biết, họ tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu đầu tư ngắn hạn thay vì dài hạn, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch đi lùi.

"Sự bất ổn có thể chưa được cảm nhận rõ nét ở Việt Nam nhưng xu hướng toàn cầu nói trên sẽ ảnh hưởng đến phát triển lâu dài của Việt Nam khi chúng ta tập trung phục hồi kinh tế mà vốn FDI giảm, đơn hàng giảm...", vị này nói.

Doanh nghiệp đang chạm "điểm đáy" tăng trưởng

Nhấn mạnh hơn đến những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, mặc dù kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 vẫn có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm 2022, song đáng lưu ý là số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui lên tới gần 52.000, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

"Đặc biệt, tháng 2/2023 chứng kiến số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chạm đáy và đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường thấp hơn số doanh nghiệp phá sản và giải thể. Đây là bước ngoặt quan trọng, tôi nghĩ quý I/2023 sẽ là "điểm đáy" tăng trưởng của doanh nghiệp, sự hồi phục sẽ quay lại với doanh nghiệp vào quý II/2023", ông Lộc nói.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Đối thoại “Trợ lực nào để doanh nghiệp Việt vượt khó?” sáng 28/3 (Ảnh: M.M)

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Đối thoại “Trợ lực nào để doanh nghiệp Việt vượt khó?” sáng 28/3 (Ảnh: M.M)

Nhắc lại về chỉ tiêu lạm phát tăng trưởng 4,5% cả năm 2023 phần nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, tuy nhiên ông Lộc kỳ vọng rằng, khi doanh nghiệp đã “chạm đáy” thì từ quý II/2023 họ sẽ từ đáy đi lên.

Với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện, nếu nói quý I/2023 là điểm đáy của tăng trưởng thì vẫn còn hơi sớm.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Nói về trợ lực để doanh nghiệp Việt đi lên, theo ông Lộc thì đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, việc triển khai các chương trình phục hồi kinh tế có độ trễ, nhưng đầu tư công đang được đẩy mạnh. Đây sẽ là động lực để kéo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

So với nhiều nước trên thế giới, ông Lộc khẳng định Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển nhờ vào đầu tư công khi “chúng ta đang có tiền trong tay nhưng vẫn chưa tiêu được”.

Lạc quan hơn, Chủ tịch VIAC nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao.

Cụ thể, IMF kỳ vọng Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với 5 nền kinh tế lớn nhất trong đó có Việt Nam; Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2%...

Nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered… tiếp tục đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài.

Từ đó, ông Lộc dự báo nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… sẽ bắt đầu hồi phục trở lại dù vẫn còn yếu. “Thời điểm 6 tháng cuối năm xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại”, ông Lộc nói.

Tin bài liên quan