Chủ tịch Vinaconex: Chú trọng đầu tư các dự án quy mô lớn, xứng tầm vị thế của doanh nghiệp

Chủ tịch Vinaconex: Chú trọng đầu tư các dự án quy mô lớn, xứng tầm vị thế của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Phương án kinh doanh nào mang lại lợi ích cho cổ đông và doanh nghiệp đều được chúng tôi hoan nghênh. Vinaconex cũng tích lũy và chuẩn bị nguồn lực lớn để sẵn sàng đầu tư những dự án quy mô lớn, xứng tầm, nhưng trong quá trình đầu tư và phát triển phải bảo toàn vốn, tính bài toán lợi nhuận”.

Chia sẻ trên được ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex (mã VCG) trao đổi với các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Tổng công ty Vinaconex diễn ra sáng 27/4.

Trong phần thảo luận, cổ đông quan tâm đến chiến lược đầu tư của Vinaconex, việc tích lũy quỹ đất đón đầu cơ hội khi thị trường bất động sản hồi phục trở lại để có sản phẩm tung ra kinh doanh.

Trao đổi với các cổ đông, ông Thanh cho biết, thời gian qua, Vinaconex chủ yếu tích lũy quỹ đất thông qua đấu giá, chẳng hạn các dự án tại Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh…Vinaconex ưu tiên những khu vực trọng điểm, các thành phố lớn, trực thuộc trung ương… Tổng công ty cũng đã thực hiện khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các tỉnh thành, tới đây sẽ mở rộng và tiếp cận thị trường TP. HCM, các tỉnh phía Nam.

Với dự án nhiều tiềm năng Cát Bà - Amatina, tỷ lệ sở hữu của Vinaconex tại ITC không còn chi phối do trước đây ITC đã thực hiện phát hành riêng lẻ để kịp có nguồn vốn đầu tư. Dù vậy, vừa qua, ĐHCĐ ITC đã đồng ý để Vinaconex tăng vốn trở lại. Ông Thanh cho biết, Vinaconex sẽ tăng sở hữu, nắm quyền chi phối ITC, Cát Bà - Amatina theo đó sẽ là dự án trọng điểm của Tổng công ty trong thời gian tới.

Trong năm 2021, Vinaconex dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng từ mảng kinh doanh, đầu tư bất động sản. Các dự án có đóng góp doanh thu bao gồm Cát Bà Amatina, dự án Móng Cái (Quảng Ninh), 93 Láng Hạ…

Với định hướng trở thành nhà phát triển dự án chuyên nghiệp, thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản nên các sản phẩm của Vinaconex sẽ được làm hoàn thiện, đồng bộ, tạo ra giá trị lớn mới được mở bán. Đơn cử như dự án chung cư 93 Láng Hạ, hiện Vinaconex đã xây dựng đến tầng 20 nhưng chưa mở bán sản phẩm.

Với những chuyển biến tích cực trong nội tại doanh nghiệp, lợi nhuận năm 2020 đạt được gấp đôi kế hoạch, dòng tiền mạnh, tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt sớm, cổ đông đã bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ chiến lược của HĐQT Công ty. Các tờ trình được đưa ra tại đại hội đều được thông qua với tỷ lệ 100%.

Theo đó, tới đây cổ đông Vinaconex sẽ được chia cổ phiếu thưởng từ cổ phiếu quỹ với tỷ lệ 9%. Đại hội ủy quyền cho HĐQT triển khai vào quý II/2021.

Đại hội đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu nhằm gia tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, VCG sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm; phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với giá chuyển đổi không thấp hơn 2 lần giá trị sổ sách.

Đồng thời, VCG sẽ chào bán gần 58,29 triệu cổ phiếu, tương đương với 14,485% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày 31/12/2020 với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách, ước tính số tiền Tổng công ty có thể thu về từ đợt chào bán ít nhất vào khoảng 1.000 tỷ đồng.

Các kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu dự kiến đem về cho Vinaconex khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất đạt 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với kết quả thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 60% so với thực hiện năm 2020 (do năm 2020 có lợi nhuận tăng đột biến từ hoạt động đầu tư tài chính).

Về cơ cấu doanh thu lợi nhuận trong năm 2021, ông Đào Ngọc Thanh cho biết Ban Lãnh đạo phấn đấu doanh thu, lợi nhuận từ mảng xây lắp chiếm 50 - 60%, 40% còn lại phân bổ cho lĩnh vực đầu tư bất động sản và các mảng kinh doanh khác.

Trong mảng xây lắp, theo báo cáo của ban điều hành, chỉ tính riêng 2020, giá trị các hợp đồng xây dựng mà Vinaconex đã ký kết ước đạt trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó một số dự án có giá trị lớn như: 3 trong số các gói thầu lớn nhất của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45) trị giá 8.000 tỷ đồng; Dự án Mikazuki Đà Nẵng; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Dự án Bệnh viện K TW… Thương hiệu, năng lực kỹ thuật và tài chính, cũng như chất lượng các công trình mà Vinaconex đã và đang thực hiện là cơ sở để doanh nghiệp trúng thầu ở nhiều dự án lớn.

Cũng tại đại hội này, VCG đã kiện toàn HĐQT và Ban Kiểm soát Tổng công ty. Theo đó, HĐQT Vinaconex bao gồm 5 thành viên, trong đó bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập là bà Trần Thị Thu Hồng, Ban kiểm soát có 3 thành viên. Cơ cấu HĐQT và Ban kiểm soát hiện nay tinh gọn và chuyên nghiệp so với mô hình 7 và 5 thành viên trước đây.

Chia sẻ với các cổ đông tại đại hội, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex khẳng định “Trong các hoạt động đầu tư, Vinaconex luôn chủ trương phát triển các dự án lớn. Bên cạnh vị thế là một doanh nghiệp xây lắp hàng đầu, ban lãnh đạo sẽ phấn đấu đưa Vinaconex trở thành một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng sẽ được thể hiện qua mức vốn hóa trên thị trường, đem lại lợi ích cho các cổ đông”.

Tin bài liên quan