Nhu cầu tiêu dùng hồi phục mạnh sau đại dịch là một trong những yếu tố đẩy giá tiêu dùng đi lên.

Nhu cầu tiêu dùng hồi phục mạnh sau đại dịch là một trong những yếu tố đẩy giá tiêu dùng đi lên.

Chưa nhiều thông tin tạo lực đẩy cho nhóm cổ phiếu hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) chia sẻ góc nhìn về lạm phát và nhóm hàng hóa trên thị trường chứng khoán. 

Thông tin gây chú ý gần đây là Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, đi kèm theo đó là giá cả nhiều hàng hoá vẫn neo ở vùng cao. Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng lạm phát của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong giai đoạn tới?

Lạm phát đang là một trong những điểm nóng của kinh tế toàn cầu. Chỉ số lạm phát luôn ở trên 8% trong những tháng gần đây tại Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu, mức cao nhất trong nhiều thập niên, đang đặt nhiều nền kinh tế trước viễn cảnh tiêu cực của lạm phát, đình đốn.

Ngoài yếu tố mang tính thời vụ do nhu cầu tiêu dùng gia tăng đột ngột sau dịch bệnh tại các nước, chi phí đẩy vẫn là nguyên nhân chính cho tình trạng lạm phát tăng cao. Mà chi phí đẩy lại liên quan nhiều đến các nguyên nhiên vật liệu cơ bản đầu vào cho sản xuất ở cả hầu hết lĩnh vực như lương thực (lúa mì), nguyên liệu (kim loại) và nhiên liệu (khí đốt, dầu). Bài toán sản xuất và logistics có thể giải quyết một phần khi Trung Quốc đang nới lỏng dần chính sách chống dịch, nhưng tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn có ảnh hưởng.

Lạm phát của Việt Nam có nguy cơ gia tăng, xuất phát từ 3 nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, giá dầu thô được dự báo vẫn neo ở mức cao khi chiến tranh Nga - Ukraine chưa kết thúc và Liên minh châu Âu cấm vận một phần dầu nhập khẩu từ Nga.

Thứ hai, nhóm ngành lương thực, thực phẩm thường tăng mạnh vào quý III và quý IV hàng năm. Yếu tố này dự kiến sẽ đẩy chỉ số CPI - vốn đang được kiềm chế nhờ nhóm lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang trong nửa đầu năm - đi lên.

Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại khi các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Xu hướng suy giảm của cơ cấu tiêu dùng bắt đầu từ tháng 5/2021 và tạo đáy vào tháng 7/2021 (giai đoạn giãn cách dịch bệnh Covid-19). Dấu hiệu đảo chiều và chuyển lại tốc độ tăng trưởng dương bắt đầu từ tháng 2/2022 và kéo dài cho đến hiện tại. Tốc độ tăng trưởng 21,2% (so với cùng kỳ) của ngành tiêu dùng bán lẻ trong tháng 5/2022, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã hồi phục mạnh mẽ trở lại. Hiện tượng này sẽ kích thích giá cả hàng hóa tăng trưởng theo đà hồi phục của nền kinh tế.

Cơ cấu tính CPI của Việt Nam khác với các quốc gia châu Âu và Mỹ (có tỷ lệ phụ thuộc vào giá năng lượng và chi phí nhà ở cao). Mặt bằng lạm phát ở châu Á cũng không chịu tác động nhiều bởi các diễn biến tiêu cực như Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, mặt bằng lạm phát cuối năm 2021 lại rất thấp do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam. Do vậy, tôi cho rằng, lạm phát vẫn ở mức chấp nhận được, nhưng sẽ vẫn cao và là một thách thức trong năm 2022.

Ông nhận định thế nào về diễn biến giá cả của nhóm năng lượng và một số hàng hóa cơ bản khác như phân bón, nông sản, thực phẩm… thế giới và trong nước?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC).
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC).

Giá dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng tăng trở lại và quay về mức 115 - 120 USD/thùng. Nguyên nhân đến từ việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu một số mặt hàng xăng, dầu tăng khi đang vào mùa lái xe hè tại nhiều nước châu Âu, Mỹ; Liên minh châu Âu (EU) nhất trí kế hoạch cấm nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga, qua đó khiến nguồn cung tiếp tục bị hạn chế.

Nhóm OPEC+ có thể cân nhắc gia tăng thêm sản lượng khai thác, tuy nhiên, hành động này chỉ góp phần bù đắp sản lượng thiếu hụt từ Nga, chứ khó có thể giúp hạ nhiệt giá dầu trong thời gian tới.

Với mặt hàng phân bón, nhu cầu nội địa thời gian gần đây có giảm nhẹ tại một số địa phương do đã qua cao điểm vụ mùa đầu năm. Tuy nhiên, giá phân bón trên thế giới vẫn đang duy trì ở mức trên 700 USD/tấn, do nguồn cung từ một số quốc gia sản xuất phân bón lớn như Nga và Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Do đó, những doanh nghiệp xuất khẩu được phân bón trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 vẫn sẽ được hưởng lợi và ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Với mặt hàng nông sản, 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu gạo đã ghi nhận mức tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá bán vẫn giảm so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu khó đạt giá trung bình của năm 2021, do gạo Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh về giá so với các nước trong khu vực và chi phí vận chuyển vẫn duy trì ở mức cao.

Tuy vậy, cũng cần tiếp tục theo dõi diễn biến bất định của tình hình căng thẳng địa chính trị, chính sách điều hành của Trung Quốc và diễn biến sản lượng các vụ tới của nhóm lương thực trên thế giới.

Góc nhìn của ông về cơ hội trong nhóm cổ phiếu hàng hóa trong tháng 6 này cũng như nửa cuối năm nay ra sao?

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, chúng tôi đánh giá các cổ phiếu nhóm hàng hóa sẽ vẫn có nhiều cơ hội để đầu tư. Mặc dù vậy, cơ hội sẽ không dành cho tất cả, mà sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó, những nhóm ngành có mặt bằng giá đầu ra duy trì được ở mức cao, hay có nhiều đơn hàng xuất khẩu và nhóm tiêu dùng bán lẻ sẽ có cơ hội tiếp tục bứt phá.

Một số nhóm ngành nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư trong nửa cuối năm nay là bán lẻ, thủy sản, hóa chất, công nghệ thông tin. Khi thị trường chứng khoán không thuận lợi là lúc nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn hơn và nên quan tâm đến những mã Top 3 của từng ngành.

Câu chuyện được quan tâm sát sao là thanh khoản thị trường vẫn chưa cải thiện. Ông có đánh giá gì về thanh khoản hiện nay, điều gì sẽ kích hoạt dòng tiền trở lại mạnh mẽ hơn?

Thanh khoản đã sụt giảm 20 - 30% so với giá trị giao dịch đầu năm 2022, theo tôi, cũng là việc bình thường khi thị trường đang nằm trong xu hướng điều chỉnh. Nhà đầu tư có xu hướng giữ tỷ trọng vừa phải và đứng ngoài quan sát.

Thời điểm hiện tại, thị trường chưa có nhiều thông tin đủ mạnh để tạo lực đẩy cho chỉ số. Tôi cho rằng, trong thời tới, nếu có các thông tin tích cực, chẳng hạn liên quan đến quốc tế như lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng của các nền kinh tế trong quý II không giảm sâu, Trung Quốc mở cửa trở lại, với trong nước là mùa công bố kết quả kinh doanh quý II, thông tin tín dụng tăng trưởng cao thì dòng tiền sẽ quay trở lại cùng với nhịp hồi phục của thị trường.

Chỉ số VN-Index vừa có nhịp hồi phục từ vùng 1.160 điểm lên 1.300 điểm. Theo ông, thị trường hiện là sóng hồi trong một xu hướng giảm, hay thị trường đã tạo đáy, tích lũy và đi lên?

Thị trường đang nằm trong sóng hồi và vẫn trong quá trình tích lũy và đi lên trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng trong trung dài hạn sẽ còn phụ thuộc khá nhiều vào triển vọng tăng trưởng, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn cũng như khả năng kiểm soát lạm phát của thế giới và Việt Nam. Do vậy, tôi vẫn khá thận trọng với diễn biến trung và dài hạn.

Tin bài liên quan