Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu nhà chung cư ngày một bức thiết. Ảnh: Thành Nguyễn

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu nhà chung cư ngày một bức thiết. Ảnh: Thành Nguyễn

Chung cư hút tiền đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ nóng lên bởi nhu cầu ở thực cao trong khi nguồn cung khan hiếm, phân khúc chung cư còn đang hút mạnh dòng tiền đầu tư khi giá bán lần đầu ngày càng chênh lệch lớn với căn hộ hoàn thiện.

Giá tăng phi mã vì “đói cung”

Tại dự án căn hộ cao cấp The Zei Mỹ Đình Hà Nội của chủ đầu tư HDMon Holdings, giá bán sơ cấp khi dự án sắp bàn giao tăng khoảng 25-30% so với đợt mở bán đầu tiên, thậm chí nhiều căn đẹp còn được khách mua trước đó bán chênh cả trăm triệu đồng.

Cách đó không xa, dự án The Matrix One của chủ đầu tư MIK Group cũng đang được dân đầu tư nhòm ngó vì nhiều yếu tố đắc địa về vị trí, cảnh quan và tiện ích.

Cả 2 dự án này hút mạnh dòng tiền đầu tư còn bởi nhiều nhà đầu tư mua với mục đích cho cộng đồng người Nhật Bản, Hàn Quốc rất lớn ở khu vực Mỹ Đình thuê lại, nhưng thực tế tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, hoạt động đầu tư chung cư nhằm hưởng chênh lệch giá đang hút khách trở lại.

Thống kê của Rever cho thấy, tại TP.HCM, có những căn hộ chung cư tăng giá đến vài chục phần trăm sau 1-2 năm bàn giao, thậm chí trên 100% nếu thời gian đủ lâu. Chẳng hạn, tại dự án Sunrise CityView (quận 7), mức giá tại thời điểm bàn giao năm 2018 là 29 triệu đồng/m2, đến năm 2021 đã tăng lên 46 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng 58,6%.

Tương tự, dự án Sunwah Pearl (quận Bình Thạnh), giá bán ban đầu là 45 triệu đồng/m2 (bàn giao năm 2017), nay tăng lên 80 triệu đồng/m2, tương ứng mức tăng 77,7%. Cá biệt, một số dự án ghi nhận mức tăng hơn 100% sau 5-6 năm bàn giao như Sadora Sala (quận 2), Estella Heights (quận 2), Masteri Thảo Điền (quận 2)…

Tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, một số dự án bàn giao được 1-2 năm nay cũng tăng giá mạnh như Florence Mỹ Đình, Iris Garden (Nam Từ Liêm)… với mức tăng phổ biến từ 1-3 triệu đồng/m2. Thậm chí, có chung cư tái định cư ở phố Thành Thái (Cầu Giấy) tăng tới 5-6 giá trong năm vừa qua và hoàn toàn là các giao dịch thứ cấp do dự án đã được bàn giao từ 10 năm trước.

Báo cáo thị trường mới nhất của CBRE cho thấy, giá bán sơ cấp căn hộ trung cấp tăng 16% theo năm vì cả khan hiếm nguồn cung lẫn tỷ lệ áp đảo của căn hộ cao cấp.

Ngày càng khan hiếm dự án chung cư ở nội đô. Ảnh: Thành Nguyễn

Ngày càng khan hiếm dự án chung cư ở nội đô. Ảnh: Thành Nguyễn

“Yêu lại từ đầu”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong các phân khúc bất động sản thì chung cư là thị trường bền vững nhất, kể cả với các nước phát triển, bởi khi đô thị hóa, người dân dồn về các đô thị là rất lớn. Điều này đã được chứng minh từ thực tế của các thành phố lớn trong khu vực và thế giới như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore hay các thành phố ở Mỹ.

“Đất đai có hạn nên giải pháp chung đáp ứng dân số tăng nhanh vẫn là chung cư cao tầng, nên phân khúc này có nhiều tiềm năng phát triển”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Còn ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group đánh giá, trong 10 năm qua, Hà Nội và TP.HCM đã cung cấp ra thị trường hàng chục vạn căn hộ và khi bất động sản mua để ở khu vực nội thành ít dự án ra hàng, không có nhiều giao dịch thì thị trường thứ cấp giao dịch rất sôi động. Theo ông Nga, đây là một trong những phân khúc “cứu cánh” cho thị trường bất động sản trong năm 2021.

“Chung cư mới thì thời gian hoàn thiện pháp lý lâu, chi phí đầu tư tăng (do tăng giá nguyên vật liệu) nên giá cũng bị đẩy lên cao, từ đó dẫn tới nhiều người lựa chọn mua chung cư cũ. Phần lớn các giao dịch thứ cấp là mua để ở, trước là mua cho thuê, nhưng giờ được giá thì nhiều người bán ra”, ông Nga cho hay.

Việc giá không ngừng tăng nhanh khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm trở lại với phân khúc này. Chị Hương, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, chị đang tìm mua căn hộ chung cư giao ngay hoặc mới đưa vào sử dụng, diện tích khoảng 65 m2 để cho thuê lại. Theo nhà đầu tư này, mức giá thuê hiện tại tuy không cao, nhưng căn hộ chung cư lại là kênh cất giữ tài sản tốt và có tiềm năng tăng giá cao do sự khan hiếm nguồn cung.

“Theo tìm hiểu của tôi, thời gian tới, khu vực trung tâm Hà Nội sẽ không có nhiều dự án chung cư mới được cấp phép, nếu có cũng mất vài năm làm thủ tục, rồi mới có thể xây dựng và bàn giao, trong khi nhu cầu ở thực luôn rất lớn, bởi vậy tôi tin đầu tư vào chung cư sẽ mang lại lợi nhuận tốt”, chị Hòa nói.

Cùng chung góc nhìn, ông Nguyễn Việt Thung, chuyên gia bất động sản cho rằng, nhà chung cư luôn là phân khúc chủ đạo của thị trường. Với dân số đông, trẻ, tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và tỷ lệ tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, nên nhu cầu nhà ở tại các đô thị Việt Nam sẽ rất lớn và đây là dư địa để cả nhà phát triển bất động sản lẫn nhà đầu tư cùng khai thác.

Cũng theo ông Thung, không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua giá chung cư tăng liên tục, bởi ngoài yếu tố vĩ mô như lãi suất tiền gửi thấp, người dân rút tiền tiết kiệm sang đầu tư bất động sản… thì còn do sức cầu lớn. Ở khu vực phía Bắc, tâm lý người dân thích tích lũy, đầu tư vào nhà cửa, đất đai. Do đó, trong tương lai, có thể nhiều người sẽ tích lũy thêm 2-3 ngôi nhà khi có điều kiện tài chính.

“Trong khoảng 5 năm tới, nhu cầu nhà ở vẫn lớn hơn nguồn cung do không có nhiều dự án được duyệt, chủ yếu vẫn đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư”, ông Thung chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan