Chứng khoán đầu tuần mới: Chưa ngừng điều chỉnh

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục đón nhận những phiên điều chỉnh nhẹ. Thông tin kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp vẫn là yếu tố quyết định tới xu hướng của từng cổ phiếu.
Chứng khoán đầu tuần mới: Chưa ngừng điều chỉnh

Tuần qua từ 7-11/7, thị trường thiếu thông tin hỗ trợ tích cực khiến cả hai sàn vẫn duy trì trạng thái rung lắc nhẹ. Dòng tiền vào thị trường cũng có xu hướng tích cực hơn giúp khối lượng giao dịch có sự cải thiện so với cùng kỳ tháng trước. Đáng chú ý trong phiên điều chỉnh kỹ thuật ngày 10/7, tổng giá trị giao dịch trên hai sàn vượt 3.000 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng điểm liên tiếp đầu tuần. Tính chung cả tuần VN-Index giảm 6,58 điểm, tương đương giảm 1,12%, chốt tuần ở mức 582,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 113,07 triệu đơn vị/phiên, tăng hơn 2% so với tuần trước và tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.730,66 tỷ đồng/phiên, giảm 4,28% so với tuần trước.

Giao dịch trên HOSE trong tuần qua

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

11/7

582,77

-2,11(-0,36%)

78.299.428

1.261.950

10/7

584,88

-6,72(-1,14%)

152.831.885

2.176.400

9/7

591,60

+0,13(+0,02%)

109.819.763

1.621.890

8/7

591,47

+0,78(+0,13%)

96.629.270

1.487.280

7/7

590,69

+1,34(+0,23%)

127.746.391

2.105.760

Tổng

-6,58(-1,12%)

565.326.737

8.653.280

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index trên sàn HNX có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng điểm. Kết thúc tuần, HNX-Index giảm 0,83 điểm, tương ứng giảm 1,03% đứng ở mức 78,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 65,98 triệu đơn vị/phiên, giảm 9,06% so với tuần trước và tổng giá trị xấp xỉ tuần trước đạt 741,41 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch trên HNX trong tuần qua

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

11/7

78,62

+0,01(+0,01%)

59,500,806

630.340

10/7

78,61

-0,53(-0,67%)

99,873,603

1.071.640

9/7

79,14

-0,22(-0,27%)

64,362,828

656.210

8/7

79,36

+0,43(+0,55%)

51,022,626

673.940

7/7

78,92

-0,52(-0,65%)

55,119,680

674.900

Tổng

-0,83(-1,03%)

329,879,543

3.707.030

Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tuần qua vẫn khá cầm chừng. Đáng chú ý là xu hướng bán ròng trên sàn HOSE đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư khiến thanh khoản phiên cuối tuần giảm đáng kể. Trong khi đó, trên sàn HNX, dòng vốn ngoại vẫn hoạt động khác tích cực với 5 phiên mua ròng liên tiếp đã giúp tổng giá trị trên cả hai sàn đạt mua ròng.

Tính chung trên cả hai sàn trong tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 7,03 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 79,02 tỷ đồng, giảm 44,33% về lượng và 76,71% về giá trị so với tuần trước.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn trong tuần

Ngày

Khối lượng

Giá trị (tr.đồng)

Mua

Bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

11/7

4.240.241

3.815.571

424670

214.870

205.810

9.060

10/7

6.212.290

3.679.050

2533240

170.630

108.530

62.100

9/7

4.980.460

4.292.370

688.090

182.510

203.780

-21.270

8/7

6.356.630

5.364.078

992.552

155.020

187.980

-32.960

7/7

8.681.820

6.293.380

2.388.440

245.340

183.250

62.090

Tổng

30.471.441

23.444.449

7.026.992

968.370

889.350

79.020

Trong đó, khối này mua vào 30,47 triệu đơn vị, trị giá 968,37 tỷ đồng và bán ra 23,44 triệu đơn vị, trị giá 889,35 tỷ đồng.

Nhận định của các CTCK:

Thị trường khó hồi phục

CTCK FPT (FPTS)

Nhìn chung, đợt giảm này nằm trong dự đoán của nhà đầu tư khi đầu tuần chỉ số càng tăng áp lực bán càng trở nên mạnh. Do đó, đợt giảm này chủ yếu mang bản chất chốt lời ngắn hạn và cũng là thời điểm để tái cơ cấu danh mục phù hợp.

Cần chú ý nhà đầu tư ngoại đang quay lại bán ròng, vì vậy thị trường sẽ khó khăn trong việc hồi phục. Trong trường hợp không có thông tin đột biến quá xấu, kịch bản giảm có thể tiếp diễn trong những phiên đầu tuần tới với các mục tiêu 580 điểm và sâu nhất có thể là 570 điểm.

Vùng hỗ trợ của VN-Index là 575-580 điểm

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường trải qua một tuần giao dịch điều chỉnh với hai phiên giảm điểm về cuối tuần. Khối lượng giao dịch được được duy trì ở mức khá tốt trong bốn phiên đầu tuần, nhưng bất ngờ có sự sụt giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu (xuống dưới 100 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE). Trong tuần, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VNM, MSN chủ yếu giao dịch quanh mức giá tham chiếu trong khi nhóm midcap và penny cũng đã thu hút được sự chú ý nhất định của dòng tiền trong một vài phiên. Nhóm ngành đa tiện ích có mức tăng mạnh nhất trong tuần (+3,26%) trong khi nhóm ngành khai khoáng có mức giảm mạnh nhất (-7,75%).

Không có thông tin mới nào quan trọng được công bố trong tuần qua. Vận động của thị trường hiện do yếu tố cung cầu quyết định. Dòng tiền trong một vài phiên gần đây đã có xu hướng tích cực hơn khi khối lượng giao dịch có sự cải thiện so với mức trung bình trong tháng 6, nhưng còn cách rất xa so với mức của tháng 3 năm nay.

Nhà đầu tư hiện tại đang hướng đến mùa báo cáo KQKD quý II với thiên hướng chọn lựa các mã thuộc nhóm ngànhđược dự báo có kết quả doanh thu và lợi nhuận khả quan như hàng tiêu dùng, cao su chế biến, một vài mã bất động sản hạng trung. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong các tuần còn lại của tháng 7 khiến sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra rõ nét.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể chờ đợi các vùng hỗ trợ 575-580 điểm của VnIndex và quanh mức 77.5 điểm đối với HNX-Index để thực hiện trading quay vòng cho danh mục ngắn hạn. Đây cũng được xem là vùng tích lũy thêm cho danh mục trung hạn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp.

Diễn biến thị trường vẫn là điều chỉnh

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Xét trên phương diện kỹ thuật, Maybank Kim Eng cho rằng, xu hướng tăng của thị trường (đại diện bởi hai chỉ số VN-Index và HNX-Index) chưa thay đổi. Quá trình điều chỉnh tính đến hiện tại vẫn là diễn biến bình thường và chưa vi phạm các nguyên tắc cấu thành nên xu hướng tăng.

Maybank Kim Eng khuyến nghị nhà đầu tư tránh các hành động bán tháo cổ phiếu và nên nhìn nhận đợt điều chỉnh này là cơ hội để tiến hành cơ cấu lại danh mục theo hướng chuyển dịch sang các cổ phiếu có động lực tăng tốt hơn ở thời gian tới.

Thị trường vẫn chưa thấy xu hướng ổn định

CTCK Rồng Việt (VDSC)

VN-Index tiếp tục điều chỉnh trong khi HNX-Index tìm lại sắc xanh ở cuối phiên giao dịch, lực bán đã suy giảm khi các chỉ số tiếp cận xuống vùng hỗ trợ, do đó nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phiếu và tiền mặt ở mức hợp lý và không nên bán tháo ở các phiên điều chỉnh.

Xu hướng điều chỉnh vẫn là chủ đạo

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Thị trường chứng khoán chứng kiến sự áp đảo của sắc đỏ trong hai phiên giao dịch cuối tuần. Sau thời gian tăng điểm liên tục với thanh khoản tăng cao, đà tăng của chỉ số VN-index yếu dần và sự điều chỉnh khá đã xảy ra trong phiên giao dịch thứ năm. Thanh khoản giảm mạnh phiên cuối tuần cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trên thị trường.

Mốc hỗ trợ 580 điểm vẫn được chỉ số VN-index giữ vững trong tuần giao dịch này. Xét trên mô hình kỹ thuật, dựa theo lý thuyết sóng Eliot, chúng tôi cho rằng chỉ số VN-index đã kết thúc sóng tăng gồm 5 sóng. Do đó, theo nhận định của chúng tôi, tuần giao dịch tiếp theo xu hướng điều chỉnh sẽ là chủ đạo. Thị trường tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch thứ hai.

Chỉ số VN-index có thể sẽ giảm về vùng 575 – 580 điểm sau đó đi ngang chờ đợi tín hiệu. Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong điều kiện thị trường hiện nay.

Thị trường vẫn tiếp tục điều chỉnh

CTCK MB (MBS)

Thị trường giằng co bên dưới tham chiếu hôm nay với thanh khoản giảm xuống và diễn biến giao dịch chậm lại. VN-Index tiếp tục giảm nhẹ 2.11 điểm xuống 582.77 điểm trong khi HNX-Index kết thúc tại tham chiếu với 78.62 điểm. Thanh khoản sụt giảm đáng kể với chỉ 1,261 tỷ giá trị giao dịch trên sàn HOSE và 417 tỷ trên sàn HNX.

Áp lực cung tăng mạnh đã kéo thị trường giảm điểm sâu vào thời điểm giữa phiên, tuy nhiên lực mua bắt đáy xuất hiện đã khiến cho đà giảm chững lại và bớt giảm về cuối phiên. Ngắn hạn, lực cầu vẫn khá thận trọng và dư mua chủ yếu chặn ở các vùng giá thấp, do đó tín hiệu hồi trong phiên vẫn yếu và điều đó cho thấy rằng khả năng phục hồi ngắn hạn không bền.

Ngoại trừ nhóm săm lốp (DRC, CSM, SRC) có mức tăng mạnh hôm nay thì cả nhóm bluechips /vốn hóa lớn và đầu cơ midcap penny đa phần chỉ tăng giảm nhẹ hoặc giữ giá. Tuy nhiên việc dễn biến thị trường vẫn do bên bán chủ động cũng như cầu bắt đáy còn yếu cho thấy hiện mới chỉ là giai đoạn đầu của đợt điều chỉnh này. Cả bên bán và mua vẫn còn thận trọng và dò tìm vùng đáy ngắn hạn.

Chúng tôi cho rằng với tình hình vĩ mô ổn định, kết quả quý II của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định đối với xu hướng của từng cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường đang có mức tăng cao hơn so với các tăng trưởng vĩ mô, do vậy ngắn hạn đợt điều chỉnh này sẽ còn tiếp tục. Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi thêm diễn biến thị trường và chỉ nên mua vào nếu có giảm sâu trong các phiên tới.

Thị trường sẽ tiếp tục phân hóa

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Thị trường tuần qua điều chỉnh đi ngang và giảm cả tuần sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp của tuần trước. 3 phiên đầu tuần, thị trường đi ngang giao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng cản 592 với tâm lý thận trọng bao trùm lên các nhà đầu tư. Phiên giảm điểm đột ngột trên diện rộng trong ngày 10/7 chỉ mang tính kỹ thuật được tạo ra từ các giao dịch bán quá đà cộng hưởng trên toàn thị trường do không có bất kỳ thông tin tiêu cực nào ảnh hưởng xấu lên thị trường hiện tại.

Dấu hiệu tích cực đã trở lại trong phiên cuối tuần khi sắc xanh đã trở lại 2 sàn với độ rộng thị trường nghiêng nhiều về các mã tăng và tham chiếu. Tuy nhiên mức giảm điểm cuối phiên của GAS và MSN đã kéo chỉ số VN-Index về gần mốc hỗ trợ gần nhất 580. Khối các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng 3 phiên liên tiếp (nếu tính chỉ riêng các giao dịch khớp lệnh thì là 4) tạo hiệu ứng tâm lý thận trọng lên dòng tiền vốn có xu hướng tiêu cực sau phiên giảm bất ngờ ngày 10/7.

Tâm điểm của thị trường trong tuần vừa qua tập trung vào các cổ phiếu có thị giá vừa và nhỏ và các doanh nghiệp được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II.

Nhận định thị trường: Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin tiêu cực nào có khả năng tác động mạnh lên thị trường khiến VN-Index phá vỡ kênh tăng trưởng trung hạn. Mặt khác, nhiều khả năng trong ngắn hạn cũng sẽ không có các thông tin vĩ mô đủ sức giúp VN-Index vượt các ngưỡng cản ngắn hạn một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá thị trường sẽ tiếp tục phân hóa và Phiên giảm điểm mang tính kỹ thuật trong ngày 10/7 vừa qua tạo ra cơ hội tốt để sở hữu những cổ phiếu tiềm năng ở các mức giá hấp dẫn hơn. Theo đó, nhà đầu tư có thể tiến hành tích lũy dần các cổ phiếu tốt có mức giảm sâu theo thị trường trong các phiên điều chỉnh trong tuần tới.

Rung lắc trong biên độ vừa phải

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Sau phiên điều chỉnh đáng kể ngày hôm qua, thị trường phiên cuối tuần lấy lại trạng thái cân bằng khi các hoạt động chốt lời hạ nhiệt. Nhờ đó, VN-Index thu hẹp biên độ giảm trong khi HNX-Index lấy lại sắc xanh. Dòng tiền đầu cơ thận trọng trở lại khiến các chỉ số liên tục rung lắc trong biên độ hẹp cũng như tình trạng phân hóa cũng tái diễn rõ nét hơn. Điểm nổi bật trong tuần qua là áp lực chốt lời tăng cường trên diện rộng kéo VN-Index và HNX-Index giảm xấp xỉ 1% giá trị so với tuần trước. Sự thiếu vắng các nhân tố hỗ trợ về mặt vĩ mô và doanh nghiệp là nguyên nhân khiến xu hướng phục hồi bị chậm lại.

Trong giai đoạn đến khi KQKD quý II được công bố, các chỉ số khó khởi sắc trở lại do tình trạng bão hòa về mặt thông tin hiện nay. Nếu không xuất hiện yếu tố tiêu cực đáng kể, xu hướng chính trong tuần tới sẽ là rung lắc trong biên độ vừa phải quanh vùng 580 cho VN-Index và 79 đối với HNX-Index. Do đó, nhà đầu tư sau khi thực hiện tích lũy cổ phiếu ở các phiên giảm vừa qua có thể duy trì vị thế nắm giữ. Trong khi đó, nhà đầu tư lướt sóng cần duy trì tỷ lệ cổ phiếu thấp trong danh mục nhằm giảm thiểu rủi ro.

Tin bài liên quan