Chứng khoán đối mặt với nỗi lo lạm phát

Chứng khoán đối mặt với nỗi lo lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 4 đã tạo cú sốc với thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Một thái độ bình tĩnh với giới đầu tư lúc này là cần thiết, nhưng lạm phát vẫn cần lưu tâm trong dài hạn.

Thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã có nhiều phiên nhuộm đỏ sau khi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của nền kinh tế lớn nhất thế giới được công bố hôm 12/5, với mức tăng đột biến 4,2% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

Lạm phát Mỹ tăng cao, theo lý giải của Goldman Sachs, có thể là do chi phí vận chuyển và các dịch vụ liên quan đang hồi phục từ mức thấp và trong một số lĩnh vực, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sau đại dịch, trong khi phải đối mặt với thiếu hụt và khan hiếm nguồn cung tạm thời.

Trong khi đó, Jason Furman, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson lưu ý, số liệu CPI tháng 4 được đưa ra sau một báo cáo việc làm đáng thất vọng: lượng việc làm tại Mỹ hiện vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 10 triệu việc làm, mặc dù tỷ lệ việc làm mới vào tháng 2/2021 đạt mức kỷ lục kể từ năm 2001.

Theo Jason Furman, điều này một lần nữa cho thấy sự gián đoạn liên tục sau đại dịch đối với nguồn cung lao động và cú sốc bất ngờ về lạm phát tháng 4 khiến cho việc phân tích các dữ liệu kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ và các nhà dự báo chuyên nghiệp đã tăng lên, với mức dự báo lần lượt 6% và 3% trong năm tới.

Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ và các nhà dự báo chuyên nghiệp đã tăng lên, với mức dự báo lần lượt 6% và 3% trong năm tới.

Ở thời điểm hiện tại, kỳ vọng lạm phát đang tăng lên, nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong bối cảnh này, liệu giới đầu tư có nên bình tĩnh với việc diễn biến ngắn hạn phản ánh sự khó đoán sau đại dịch và kỳ vọng lạm phát tăng cao đã nằm trong kế hoạch của Fed?

Câu trả lời là có thể, tuy nhiên, giới đầu tư toàn cầu cần có mối quan tâm sâu sắc hơn đến câu chuyện lạm phát.

Thứ nhất, các chính sách tiền tệ và tài khóa của Mỹ hiện nay đang mở rộng điên cuồng. Lãi suất gần bằng 0 áp dụng trong thời gian dài, trong khi tăng trưởng tiền tệ và thâm hụt tài khóa lớn, mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ hoạt động trên mức tiềm năng trong năm nay.

Thứ hai, một phần lớn các khoản tiết kiệm cá nhân đang chờ được giải phóng khi người dân quay trở lại cuộc sống bình thường. Có thể dòng tiền này không “ầm ầm” nhưng đây là dòng tiền linh hoạt và có tác động lớn hơn nhiều so với hầu hết những gì mọi người vẫn nghĩ.

Thứ ba, cũng là quan trọng nhất, chính trị đã thay đổi. Chính phủ Mỹ và các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có những khoản nợ và kế hoạch vay nợ rất lớn. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyết tâm đảm bảo rằng lần phục hồi này không lặp lại sự thất vọng của lần phục hồi trước sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Các thị trường chứng khoán đang được định giá cao hơn so với tiêu chuẩn lịch sử, với bong bóng xảy ra tại khắp mọi nơi. Các học thuyết của “lý thuyết tiền tệ hiện đại” cũng có ảnh hưởng lớn - tất cả những điều trên củng cố các chính sách tiền rẻ và thâm hụt tài chính lớn, đồng thời làm suy yếu các chính sách thận trọng.

Với các yếu tố trên, khả năng duy trì chính sách tiền tệ của Fed là hợp lý. Trên thực tế, việc nới lỏng các chính sách tiền tệ dễ dàng hơn nhiều so với việc thắt chặt nó và trong giai đoạn này, việc thắt chặt đặc biệt không được ưa chuộng.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng trung ương không thắt chặt các chính sách tiền tệ để giải quyết bài toán lạm phát trước khi qua muộn, hậu quả sẽ vô cùng đau đớn.

Tin bài liên quan