Chứng khoán hồi phục, dầu thô, giá vàng chịu sức ép

Chứng khoán hồi phục, dầu thô, giá vàng chịu sức ép

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh giúp phố Wall và chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, việc đồng USD lên mức cao nhất hơn 4 tháng rưỡi khiến giá vàng và giá dầu thô giảm.

Theo Hiệp hội bất động sản quốc gia (NAR) của Mỹ, doanh số bán nhà tại nước này trong tháng 6 tăng 1,1%, tháng tăng thứ tư liên tiếp, lên mức được điều chỉnh theo mùa 5,57 triệu căn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2007. Báo cáo cũng cho thấy số liệu lạc quan trong lĩnh vực xây dựng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông như AT&T và Verizon cũng có báo cáo kết quả kinh doanh khả qua.

Những thông tin trên giúp chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm bớt do kết quả kinh doanh thất vọng của các công ty công nghiệp như General Electric.

Trong phiên tăng này dù không giúp Dow Jones thiết lập lại được mốc cao lịch sử, nhưng giúp S&P 500 có được kỳ tích này.

Kết thúc phiên 22/7, chỉ số Dow Jones tăng 53,62 điểm (+0,29%), lên 18.570,85 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,86 điểm (+0,46%), lên 2.175,03 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,26 điểm (+0,52%), lên 5.100,16 điểm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 0,29%, S&P 500 tăng 0,61% và chỉ số Nasdaq tăng 1,4%. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp của phố Wall.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của Vodafone chứng khoán Anh hồi phục tốt trở lại trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Pháp cũng hồi phục trở lại nhưng ở mức nhẹ hơn, trong khi chứng khoán Đức vẫn giảm nhẹ khi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp khác không khả quan và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không đưa ra thêm gói kích thích kinh tế mới như kỳ vọng.

Kết thúc phiên 22/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,59 điểm (+0,46%), lên 6.730,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,75 điểm (-0,09%), xuống 10.147,46 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,85 điểm (+0,11%), lên 4.381,10 điểm.

Dù có những điều chỉnh trong tuần, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn duy trì đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,92%, chỉ số DAX tăng 0,80% và chỉ số CAC 40 tăng 0,2%.

Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán châu Âu, nhất là chứng khoán Đức có thể bị đe dọa trong tuần tới sau vụ xả súng tại Munich (Đức) khiến ít nhất 10 người chết. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, châu Âu đã chứng kiến nhiều vụ khủng bố gây tâm lý lo sợ cho người dân và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các hãng hàng không và du lịch.

Trong khi đó, gần như các thị trường chứng khoán châu Á đều chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 1% khi đồng yên mạnh trở lại và nhà đầu tư đang hướng vào cuộc họp tuần tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) để xem liệu cơ quan này có nới lỏng chính sách tiền tệ hay có thêm gói kích thích kinh tế nào không.

Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm nhẹ do ảnh hưởng từ các thị trường trong khu vực và phiên giảm điểm trước đó của phố Wall.

Kết thúc phiên 22/7, chỉ số Nikke 225 giảm 182,97 điểm (-1,09%), xuống 16.627,25 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 36,22 điểm (-0,16%), xuống 21.964,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 26,58 điểm (-0,87%), xuống 3.012,43 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,78%, chỉ số Hang Seng tăng 1,41%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 1,35%.

Sau khi hồi phục khá tốt trong phiên thứ Năm, giá vàng đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên cuối tuần khi đồng USD trở lại đà tăng, lên mức cao nhất hơn 4 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 22/7, giá vàng giao ngay giảm 8,6 USD (-0,65%), xuống 1.322,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 8,9 USD (-0,67%), xuống 1.322,1 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,12%, giá vàng tương lai giao tháng 8 cũng giảm 1,17%.

Trong cuộc thăm dò tuần này, có 919 người tham gia, trong đó có 451 người, chiếm 49% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 338 người, chiếm 37% dự báo giá sẽ giảm và 130 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 19 chuyên gia trả lời, chỉ có 9 người, chiếm 47% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, 7 người, chiếm 37% số người dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 3 người, chiếm 33% số người giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực trong phiên cuối tuần. Sau thông tin về kho dự trữ dầu của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục, giá dầu thô đã chịu áp lực từ việc đồng USD mạnh trở lại lên mức cao nhất hơn 4 tháng rưỡi trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 22/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,56 USD/thùng (-1,27%), xuống 44,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-1,12%), xuống 45,69 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,83%, giá dầu thô Brent giảm 4,03%.

Tin bài liên quan