Chứng khoán Kafi chỉ ra 2 nhóm ngành đáng quan tâm

Chứng khoán Kafi chỉ ra 2 nhóm ngành đáng quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tuần giao dịch vừa qua, VN-Index đã hoàn thành một nhịp điều chỉnh kỹ thuật, sau khi tạo đỉnh ngắn hạn tại vùng 1.120 - 1.125 điểm và rồi vượt qua vùng này.

Dòng tiền duy trì tích cực

Xu hướng tăng trong trung hạn của VN-Index được duy trì ổn định và lực cầu tại vùng giá 1.100 điểm có tính chất hỗ trợ quan trọng cho xu hướng tăng. Vì vậy, với lực cầu lan tỏa tại 1.100 điểm, chỉ số đảo chiều tăng trở lại trong 3 phiên liên tiếp, ngày 20, 21 và 22/6/2023 trên nhiều nhóm vốn hóa lớn và vừa.

Đáng chú ý, trong phiên 22/6, VN-Index tăng vọt, tạo khoảng trống giá (GAP) từ đầu phiên, vượt qua đỉnh ngắn hạn của ngày 15/6 tại 1.125 điểm, sau đó không vi phạm khoảng trống giá, cho thấy độ tin cậy cao của phiên phá vỡ đỉnh ngắn hạn. Phiên 23/6, diễn biến giằng co xuất hiện là phản ứng thông thường của thị trường khi kiểm nghiệm lại cung - cầu sau khi xuất hiện khoảng trống giá, củng cố xu hướng tăng ngắn hạn tiếp theo.

Như vậy, với điều kiện thị trường duy trì ổn định, thanh khoản tăng cao lan tỏa cùng tâm lý giao dịch nhìn chung tích cực, xu hướng tăng ngắn hạn nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra, đưa VN-Index hướng đến vùng kháng cự tiếp theo. Cụ thể, vùng giá hướng tới của VN-Index là 1.150 điểm, ngưỡng kháng cự mạnh gần nhất của chỉ số và cũng là vùng giá chưa đạt đến kể từ tháng 9/2022.

Vùng đỉnh ngắn hạn của VN-Index vừa chuyển thành vùng hỗ trợ.

Vùng đỉnh ngắn hạn của VN-Index vừa chuyển thành vùng hỗ trợ.

Dòng tiền duy trì tích cực trong tuần qua, dù suy giảm nhẹ so với tuần giao dịch trước đó, khi VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh về 1.100 điểm. Khối lượng giao dịch trung bình quanh mức 800 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch trên 17.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm bất động sản, ngân hàng và tài chính - chứng khoán. Đáng lưu ý, trên HOSE, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 900 tỷ đồng, trong khi mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng trong tuần trước đó.

Hai nhóm ngành đáng quan tâm

Đợt phong tỏa quy mô lớn ở Trung Quốc trong năm 2022 đã để lại nhiều tác động đối với chuỗi cung ứng hàng hóa của thế giới, khiến không ít doanh nghiệp vẫn đang có xu hướng di chuyển một phần chuỗi sản xuất sang các quốc gia khác nhằm đa dạng hóa chuỗi giá trị và giảm sự lệ thuộc vào một thị trường.

Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam đang có lợi thế khi nằm gần 2 đầu mối giao thương lớn của thế giới là Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore, có biên giới liền kề với Trung Quốc, cùng nhiều chính sách thu hút đầu tư FDI. Do đó, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những điểm đến cho làn sóng đa dạng hóa sản xuất của thế giới.

Năm ngoái, lượng giải ngân FDI ở Việt Nam tăng 13,5% và năm nay có thể tiếp tục tăng. Cộng với việc Chính phủ đang đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án hạ tầng để kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, Kafi tin rằng, các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp ở các khu vực lân cận Hà Nội và TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.

Ngoài ra, với bối cảnh thị trường đang có nhiều cải thiện tích cực về thanh khoản và chỉ số, Kafi cũng đặt sự chú ý đến nhóm công ty chứng khoán. Những chuyển biến hiện tại của thị trường có thể tác động tích cực đến kết quả kinh doanh, giúp cải thiện doanh thu môi giới và lợi nhuận từ mảng tự doanh của các công ty chứng khoán trong quý II này.

Tin bài liên quan