Nhiều yếu tố cho thấy thị trường chứng khoán sẽ hình thành xu hướng tăng trong năm 2024

Nhiều yếu tố cho thấy thị trường chứng khoán sẽ hình thành xu hướng tăng trong năm 2024

Chứng khoán năm 2024 sẽ khởi sắc?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lo ngại “ăn Tết mất ngon” nếu giá chứng khoán giảm nên thanh khoản đang ở mức thấp, nhưng triển vọng thị trường năm 2024 là tích cực, xét trên nhiều khía cạnh.

Trái chiều dòng tiền tổ chức và cá nhân

Giai đoạn trước Tết Âm lịch, nhiều nhà đầu tư cá nhân hạn chế giao dịch, một phần do công việc cuối năm bận rộn, rút tiền ra để chi tiêu hoặc trả các khoản vay, một phần do lo ngại ăn Tết sẽ mất ngon nếu thị trường giảm. Nhìn chung, nhà đầu tư không mang cảm giác hồ hởi dịp Tết đến Xuân về vào hoạt động giao dịch, mà bên mua “nhìn” bên bán và ngược lại.

Trong khi đó, dòng tiền tổ chức có dấu hiệu tích cực. Cụ thể, tự doanh công ty chứng khoán mua ròng trong gần 1 tháng qua. Khối ngoại gần đây cũng liên tục mua vào cổ phiếu, sau nhiều tháng bán ròng đến tận cuối năm 2023.

Ba năm gần nhất, thị trường đều tăng cho tới trước Tết và sau Tết tăng thêm 1 - 2 phiên. Nhiều người mua sau Tết vì cho rằng, giải ngân đầu Xuân mới cho may mắn, nhưng khi cổ phiếu về tài khoản thì giá thường giảm.

Định giá vẫn hấp dẫn

Một số nhà đầu tư mua cổ phiếu thời điểm này với luận điểm, P/E 2023 của VN-Index hiện thấp hơn 7,3% so với trung bình 5 năm, trong khi EPS dự kiến tăng trưởng trong năm 2024. Dựa trên kịch bản lợi nhuận các doanh nghiệp tăng 18%, P/E 2024 của VN-Index đang ở mức 11,8 lần.

So với các thị trường mới nổi (MSCI EM), P/E 2023 của VN-Index P/E hiện thấp hơn 9,7%, còn P/B ở mức tương đương là 1,6 lần.

Đáng chú ý, chênh lệch giữa E/P và lãi suất đang ở mức cao so với quá khứ cho thấy, thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn kênh gửi tiết kiệm. E/P của VN-Index hiện khoảng 7%, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân chưa đến 5%/năm.

Với triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng, trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, nhà đầu tư có thể kỳ vọng xu hướng tăng của VN-Index sẽ hình thành trong năm 2024, giúp co hẹp mức chênh lệch trên, giống như năm 2020 và 2022.

Kinh tế Việt Nam và thế giới có triển vọng tích cực

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu có thể tăng trưởng 3,3% trong năm 2024, từ mức tăng rất thấp là 0,8% năm 2023. Sự cải thiện của hoạt động thương mại năm nay chủ yếu đến từ lạm phát chậm lại tại các quốc gia phát triển giúp nâng cao niềm tin của người tiêu dùng, môi trường lãi suất toàn cầu quay đầu giảm sẽ kích thích đầu tư, tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam được kỳ vọng tăng 6 - 8%, cải thiện từ mức giảm 4,6% trong năm 2023. Ngoài ra, FDI vào Việt Nam giai đoạn vừa qua tăng mạnh sẽ củng cố triển vọng xuất khẩu trong trung hạn.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 được dự báo tăng 8 - 10%, bởi hoạt động sản xuất phục hồi sẽ kích thích nhu cầu nhập khẩu, cải thiện từ mức giảm 9,2% trong năm 2023.

Đi cùng với sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương được kỳ vọng cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Thêm vào đó, Chính phủ duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong nửa đầu năm 2024. Quốc hội đã quyết định chi 74.048 tỷ đồng (khoảng 0,72% GDP) để thực hiện cải cách tiền lương, bắt đầu từ ngày 1/7/2024.

Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi.

Vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là liệu lãi suất có tiếp tục giảm hay không? Thực tế, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức đáy trong cả năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cơ quan này có thể sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm trong quý II, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4%/năm và lãi suất chiết khấu về 2,5%/năm. Theo đó, lãi suất huy động có thể giảm thêm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1%/năm.

Luận điểm trên được hỗ trợ khi Ngân hàng Mỹ (Bank of America) dự báo, năm 2024 sẽ có 152 đợt cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, chuyển dần từ mục tiêu kiềm chế lạm phát sang hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan