Nhật Bản - “bẫy giá trị” lớn nhất thế giới

Nhật Bản - “bẫy giá trị” lớn nhất thế giới

Chứng khoán Nhật Bản đang lên ngôi

(ĐTCK) Đó là câu hỏi mà các nhà đầu tư quốc tế đã đặt ra trong suốt 25 năm qua và mệt mỏi khi nhận cùng một câu trả lời. Sau những hấp dẫn từ sự phục hồi trong từng giai đoạn ngắn, Nhật Bản tái khẳng định, chính mình là “bẫy giá trị” lớn nhất thế giới.

Việc này có thể lại xảy ra một lần nữa! Cổ phiếu Nhật Bản ghi nhận mức tăng mạnh cuối tuần trước, song chỉ số chứng khoán Topix và Nikkei 225 vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức đỉnh ghi nhận hồi mùa hè năm 2015 và thấp hơn tới 55% so với kỷ lục của chứng khoán Nhật Bản giai đoạn bong bóng năm 1989.

Điều này có nghĩa là chứng khoán Nhật Bản vẫn tương đối rẻ. Theo hãng nghiên cứu Research Affiliates, hầu hết các nhóm cổ phiếu trong chỉ số Topix vẫn được giao dịch thấp hơn so với mức trung bình kể từ năm 2000. Lĩnh vực thép, kinh doanh bán lẻ, giao thông hàng hải và khai mỏ, tất cả đều bị tác động xấu do sự suy giảm của thương mại toàn cầu. 

Các đợt bán tháo chứng khoán vừa qua ít nhất có liên quan một phần tới “Abenomics”, kế hoạch tăng trưởng kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe, không đạt mức như kỳ vọng. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định tăng thuế tiêu thụ trong năm tới, bất chấp các hiệu ứng tiêu cực có thể xảy ra giống như đợt tăng thuế trước đây. Đó là còn chưa kể đến xuất khẩu của “đất nước mặt trời mọc” đã tụt dốc đáng kể khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vẫn có thể tìm thấy các “giá trị đầu tư” tại Nhật Bản, đặc biệt trong nhóm các cổ phiếu nhỏ. Nicholas Smith, chiến lược gia cổ phiếu tại CLSA (có trụ sở tại Tokyo) lưu ý rằng, giá trị của nhóm các cổ phiêu nhỏ luôn vượt trội so với Topix 300 (nhóm 300 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất) kể từ năm 1985.

Lý do là, thứ nhất, thị trường chứng khoán Nhật Bản có tính chu kỳ rất cao. Một khi cổ phiếu đó trở nên quá rẻ, nó sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho các nhà đầu tư giá trị khi chu kỳ trở nên tích cực hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa, Nhật Bản đem lại giá trị sinh lời ở mức đáng tin cậy hơn so với các thị trường khác.

Vấn đề thứ hai là tiền mặt. Các công ty Nhật Bản có rất nhiều tiền mặt. Ước tính khoảng 110.000 tỷ yen vẫn đang nằm bất động trong bảng quyết toán ngân sách của các công ty. Jesper Koll, người đứng đầu WisdomTree tại Nhật Bản cho rằng, số tiền này sẽ phải “dịch chuyển” tới một nơi nào khác, và cả cổ tức, cổ phiếu được mua lại sẽ bắt đầu tăng giá từ các mức thấp.

Giá trị cổ tức đã tăng lên 11.600 tỷ yen năm 2015, song không cao hơn so với năm 2007. Giá trị các cổ phiếu được mua lại cũng tăng lên 6.000 tỷ yen. Tổng lượng tiền mặt ước tính tăng gấp đôi kể từ giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính, điều này đã mở rộng “dư địa” rất lớn để các công ty tăng cổ tức nhiều hơn cho các cổ đông.

Thứ ba, Nhật Bản không có những nhân tố bất lợi tiềm ẩn tới kinh tế vĩ mô trong giai đoạn này: đó chính là dầu mỏ. Quốc gia này không sở hữu những công ty năng lượng lớn, trong khi hưởng lợi rất lớn từ giá dầu rẻ.

Cuối cùng, các công ty Nhật Bản đã tìm ra cách để có lợi nhuận nhiều hơn. Nếu làn sóng mua bán và sáp nhập tiếp diễn, đó sẽ là tin tốt với các nhà đầu tư.

Tóm lại, giá trị đầu tư luôn cần một chất xúc tác, nếu không thì cổ phiếu vẫn mãi ở mức rẻ mà thôi. Hơn hết, Nhật Bản cần cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, như một phần mà chính phủ nước này luôn khuyến khích trong “Abenomics”.

Tin bài liên quan