Chứng khoán phái sinh: Dòng tiền chờ mua dồi dào

Chứng khoán phái sinh: Dòng tiền chờ mua dồi dào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý thị trường được hoạch định tương đối rõ ràng, bên mua không tham gia mua giá cao, nhưng cũng không ngần ngại bắt đáy trong các nhịp giảm điểm.

Tâm điểm xung đột Nga - Ukraine

Tâm điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần là xung đột giữa Nga và Ukraine. Từng động thái nhỏ từ hai phía đều được nhà đầu tư theo dõi, phân tích, và những tác động trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu đang được thể hiện rõ.

Các biện pháp trừng phạt làm gián đoạn chuỗi cung ứng khi 66% lượng dầu thô của Nga khó tìm đầu ra, khiến giá dầu nhảy vọt lên trên 110 USD/thùng kéo giá cả của hàng loạt loại hàng hóa và nguyên vật liệu khác liên tục leo thang. Chỉ số hàng hóa được tổng hợp bởi Bloomberg (Bloomberg Commodity Index) thậm chí đã vượt hẳn qua 120 điểm và chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Chỉ số hàng hóa Bloomberg Commodity Index chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Chỉ số hàng hóa Bloomberg Commodity Index chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Những diễn biến trên có ảnh hưởng thế nào đến thị trường phái sinh?

Một mặt, áp lực lạm phát thúc đẩy các ngân hàng trung ương toàn cầu áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt, bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong kỳ tháng 3. Chứng khoán toàn cầu do đó thiếu động lực, tiếp tục chìm sâu vào đà điều chỉnh trung - dài hạn và gián tiếp tác động đến lực cầu tham gia nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng.

Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nguyên vật liệu cơ bản sẽ có được mức biên lợi nhuận cao hơn, đặc biệt nếu khống chế được giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Trong rổ VN30, đối tượng được hưởng lợi lớn nhất là các cổ phiếu như HPG, GVR, PLX.

Cân đo, đong đếm dựa trên tỷ trọng vốn hóa tác động đến cách đo lường chỉ số VN30-Index, có thể thấy cán cân đang nghiêng về bên chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Kiểm chứng thành công mốc 1.500 điểm, thị trường sẽ về đâu?

Trước sức ép của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN30-Index một lần nữa hướng về kiểm chứng mốc 1.500 điểm trong tuần vừa qua. Kể từ đầu tháng 11/2021 tới nay, chỉ số đã cắt xuống khu vực này 10 lần liên tiếp và mỗi lần đều không đem lại sức bật đáng kể cho thị trường.

VN30-Index kiểm chứng mốc 1.500 điểm nhưng không đem lại sức đáng kể cho thị trường.

VN30-Index kiểm chứng mốc 1.500 điểm nhưng không đem lại sức đáng kể cho thị trường.

Về mặt kỹ thuật, kháng cự 1.550 - 1.560 điểm vẫn còn duy trì, nến và thanh khoản trên khung đồ thị giờ đều ngắn và thiếu mẫu hình, biến động trên khung đồ thị 15 phút khó đoán và thiếu xu hướng.

Nếu xét xác suất, chỉ số VN30-Index chưa có khả năng cao vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.550 điểm, bởi lẽ dao động tích lũy chưa có dấu hiệu thu hẹp dần, khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao. Đó là còn chưa kể tới yếu tố vĩ mô bất định, ảnh hưởng đến kỳ vọng tương lai của nhà đầu tư và sẽ hạn chế dòng tiền mua đuổi theo tín hiệu. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi chiến lược giao dịch hợp đồng tương lai sẽ tiếp tục ưu tiên giao dịch trong biên độ.

Đây là thời điểm để phát huy lợi thế của thị trường phái sinh so với thị trường cổ phiếu, nhờ được phép giao dịch T+0 và mức thanh khoản rất cao ở mỗi bước giá. Điểm trừ là không có cơ sở để mở vị thế nắm giữ dài hạn với tầm nhìn trên một tháng.

Khuyến nghị: Duy trì giao dịch trong biên

Chỉ xét riêng trên hợp đồng tương lai, sự khác biệt lúc này nằm ở độ lệch lên tới 12 điểm âm. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền chuyển dịch sang quản trị rủi ro (hedging) trước các rủi ro không thể lường trước trong 2 ngày cuối tuần.

Nếu chỉ xét sức mạnh của thị trường cơ sở thì chưa đủ để khiến cho tâm lý nhà đầu tư tiêu cực đến vậy! Đó là còn chưa kể đến pha rũ xảy ra vào ngày thứ 5 (3/3) càng khiến cho nền hỗ trợ của các hợp đồng tương lai trở nên vững chắc hơn.

Diễn biến Vn30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến Vn30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Vì thế, đối với chiến lược giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét rải lệnh Mua quanh khu vực cận dưới 1.505 - 1.510 điểm trong các pha điều chỉnh, ưu tiên giao dịch trong phiên và hạn chế nắm giữ vị thế qua đêm với tỷ trọng lớn để giảm rủi ro thông tin. Điểm quản trị rủi ro là mốc hỗ trợ đã được kiểm chứng 1.495 điểm, hướng đến mức giá mục tiêu 1.530 - 1.540 điểm, tùy phản ứng giá để xem xét có nên chốt vị thế sớm, áp dụng chiến lược giao dịch trong biên độ.

Dành cho nhà đầu tư ưa thích nắm giữ dài hạn, đã từ lâu không còn xuất hiện thế lệnh phù hợp để tham gia và trạng thái này nhiều khả năng sẽ còn duy trì lâu dài. Rõ ràng, lệnh Bán sớm là không phù hợp khi các chỉ số đang thể hiện sức đề kháng tốt trước các biến động quốc tế. Nhưng mặt khác, động lượng các chỉ số đang chững lại thể hiện ở các chỉ báo kỹ thuật như ADX và do đó không ủng hộ nắm giữ vị thế Mua.

Nhật ký giao dịch tuần qua (28/2 - 4/3/2022)

Người viết bước vào tuần với kế hoạch giao dịch là tham gia rải lệnh trong các pha hoảng loạn, nhưng có hành động mới do giá điều chỉnh chưa tới khu vực theo kế hoạch là 1.48x điểm.

Tâm lý thị trường được hoạch định tương đối rõ ràng, bên mua không tham gia mua giá cao, nhưng cũng không ngần ngại bắt đáy trong các nhịp giảm điểm. Dòng tiền chờ Mua là rất dồi dào, chẳng qua là không có lý do và không có chất xúc tác thúc đẩy động lực mua đuổi.

Tin bài liên quan