Chứng khoán phái sinh: Kịch bản nào cũng có thể diễn ra

Chứng khoán phái sinh: Kịch bản nào cũng có thể diễn ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, tỷ lệ dòng tiền mua lên đang chiếm ưu thế so với tỷ lệ bán ra trong ngắn hạn, giúp VN30 trụ vững tại ngưỡng hỗ trợ mạnh.

Thị trường biến động với nhiều biến số mới

Thông tin từ cuộc họp FOMC với nhận định từ Chủ tịch Fed mang lại thử thách mới cho nhà đầu tư ngắn hạn. Đến thời điểm này, những kịch bản thị trường trước đây đều được thay đổi và nhường chỗ cho một lựa chọn khắc nghiệt: bơm tiền hay tăng lãi suất. Theo những gì có thể quan sát được, Fed đã lựa chọn cả 2 phương án.

Theo chu kỳ thị trường, lãi suất trái phiếu về lại vùng suy yếu và giảm mạnh thường gợi ý đến việc dòng tiền dịch chuyển vào nhóm tài sản rủi ro cao. Đồng thời, nhóm tài sản năng lượng như dầu thô cũng sẽ có đà tăng khi kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế.

Nhưng thực tế, chỉ mỗi tài sản vàng nằm trong khu vực tăng trưởng mạnh, trong khi hầu hết các tài sản rủi ro khác đều ghi nhận giảm đáng kể, nếu có tăng thì không tăng nhiều. Điều này thể hiện rõ dòng tiền đang tìm nơi trú ẩn an toàn, thay vì tìm cách kiếm lợi nhuận.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chi tiết hơn, dầu thô giảm mạnh và hứa hẹn xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, chỉ số VN-Index vận động chung trạng thái với S&P 500 cho thấy không có nhiều khác biệt giữa các thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Nhìn chung, các thành viên thị trường đang phải chuyển về phòng thủ sau động thái vừa phải bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát từ Fed. Thực tế, về mặt chính sách, cả hai quyết định này không nên đưa ra đồng thời, vì mang tính bù trừ tác động lẫn nhau và giảm hiệu quả chính sách tiền tệ. Ở góc độ nhà đầu tư, việc chính sách ngược chiều khiến cho tầm nhìn đầu tư trung - dài hạn bị ảnh hưởng và chiến lược phòng thủ trở nên hợp lý.

Kịch bản nào cũng có thể diễn ra

Thị trường chứng khoán trong nước đang trở nên hấp dẫn hơn, nhưng theo hướng chờ đợi các thông tin tiếp theo từ thị trường, chứ không phải mang lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Cụ thể, xu hướng chính thức nhường chỗ cho áp lực nén tăng cường từ chỉ số VN30. Với việc thanh khoản đang “nhiều lên” một cách tương đối nếu so sánh với biến động giá, có thể thấy các vị thế “dự đoán” đã sẵn sàng chờ đợi cú đột phá từ thị trường chung.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Nhìn về góc độ kỹ thuật, thực tế VN30 đang trụ vững tại ngưỡng hỗ trợ mạnh từ Fibonacci 1.038. Đồng thời, thanh khoản tích lũy tương đối đủ để có thể tạo pha bùng nổ và xác lập xu hướng mới. Xét trong ngắn hạn, giá đang tạo xu hướng phân kỳ dương, có thể bật tăng từ ngưỡng hỗ trợ mạnh. Nhưng nhìn trung và dài hạn, giá nằm trong phạm vi tiêu cực liên quan đến kháng cự xu hướng quan trọng này.

Theo đó, chưa thể xác nhận một kịch bản mới khi cả 3 kịch bản đều có xác suất gần như ngang nhau với VN30. Nhưng cũng không có nghĩa nhà đầu tư cần phải đứng ngoài quan sát, vì động lượng RSI đang bắt đầu ủng hộ chiều giá tăng. Chỉ báo xung lực giá đã tạo thành công xu hướng tăng với mẫu hình đáy sau cao hơn đáy trước. Kết hợp với yếu tố thanh khoản hồi phục, có thể suy đoán tỷ lệ dòng tiền mua lên đang chiếm ưu thế so với tỷ lệ bán ra trong ngắn hạn.

Tận dụng biến động giá

Với trạng thái biến động hơi bất ngờ khi thiếu thanh khoản và kết hợp với một số thông tin vĩ mô “ngược chiều”, việc giao dịch phái sinh giai đoạn này khá phức tạp. Nhìn nhận khách quan, hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M), cụ thể là VN30F2304 có thể sẽ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp có thời gian “bám bảng” thường xuyên.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Chi tiết hơn, đồ thị ngắn hạn cho thấy biến động giá kể từ tháng 12/2022 vẫn trong vùng 1.000 - 1.120 điểm. Trong đó, số lượng “khoảng trống giá” tạo ra mỗi phiên đủ để ảnh hưởng đến các tài khoản giao dịch với chiến lược nắm giữ. Hiện tại, chỉ số giá của hợp đồng phái sinh đang cho thấy trạng thái “đuối sức” khi chưa thể lặp lại chu kỳ tăng đã tạo ra trong giai đoạn tháng 1/2023 và điều chỉnh trở lại trong xu hướng giảm với đỉnh giá từ tháng 2/2023.

Điểm tích cực cho hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 4/2023 hiện nay là độ vênh của giá so với chỉ số VN30 dao động trong biên giá. Qua đó, có thể ghi nhận bên mua (Long) và bán (Short) đang lần lượt thay nhau điều hướng thị trường. Đồng thời, chỉ báo xu hướng và chỉ báo động lượng tiếp tục mâu thuẫn, khiến cho quá trình dự báo trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, RSI điều chỉnh từ trạng thái quá bán, trong khi MACD lại đang cho dấu hiệu phân kỳ dương.

Do vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc chiến lược quan sát, hoặc canh mua thấp, bán cao sát vùng hỗ trợ và kháng cự. Điểm mua tiềm năng tại vùng 1.030, mục tiêu giá là 1.064. Trong khi đó, lệnh bán nên được ưu tiên khi giá kiểm chứng thành công vùng hỗ trợ 1.045. Tất nhiên, việc quản trị lệnh vẫn rất quan trọng thời điểm này.

Tin bài liên quan