Chứng khoán phái sinh: Vị thế mua có lợi thế

Chứng khoán phái sinh: Vị thế mua có lợi thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Cuộc chiến” giữa hai bên mua - bán trên sàn phái sinh trong tuần qua khá quyết liệt. Bên bán có lý do để ép giá điều chỉnh, nhưng cuối cùng thì bên mua phản công hiệu quả.

Nỗi lo bị phủ định

Nhìn lại thời điểm tháng 6/2022, thị trường chứng khoán toàn cầu giao dịch trầm lắng với thanh khoản thiếu hụt, nguyên nhân trực tiếp đến từ nỗi lo về lạm phát cao và nguy cơ kinh tế suy thoái. Nhưng tại Mỹ, các dữ liệu được công bố trong tuần qua đã phủ định nỗi lo ngại đó.

Cụ thể, với thị trường lao động, lượng lao động mới tham gia tăng gấp đôi kỳ vọng, đạt 528.000 người. Qua đó, dữ liệu khẳng định, dòng tiền mở lệnh phòng hộ (Hedging) trên sàn phái sinh đang kỳ vọng sai hướng với vận động kinh tế ngắn hạn. Tiếp theo, thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm tốc trong tháng 7/2022 mang lại kỳ vọng lạm phát đã được kiềm chế.

Với các thông tin vĩ mô tích cực như vậy, nỗi lo lớn trên thị trường chứng khoán về lạm phát và suy thoái được đẩy lùi, hoặc giảm mức độ “đáng lo ngại” như giai đoạn trước.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Dựa vào dữ liệu được đồ thị hóa, có thể nhận thấy dòng tiền có dấu hiệu chuyển dịch từ tài sản tích trữ sang nhóm tài sản mang tính rủi ro cao. Đồng thời, dầu thô sau quãng thời gian tạo sức ép lên lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu ngừng mạch tăng khi chỉ vận động tại khu vực giảm mạnh.

Đây là một yếu tố quan trọng khiến CPI được cho là đã lập đỉnh trong tháng 6. Vận động từ chỉ số chứng khoán cũng được cải thiện đáng kể so với tuần trước đó. Điểm nhấn đầu tư đang đến với thị trường Việt Nam khi khi dư địa hồi phục còn nhiều, chỉ số từ vùng giảm mạnh dịch lên vùng hồi phục.

VN30 vận động tích lũy trước kháng cự mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bước vào giai đoạn khó dự báo khi thiếu hụt các thông tin vĩ mô định hướng. Nhưng rõ ràng, dòng tiền mới tham gia đang dần trở nên tích cực hơn khi quan sát sự vận động của chỉ số VN30 sau mỗi tuần, tính từ tháng 7/2022.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Điểm nhấn đầu tiên đến từ yếu tố thanh khoản cải thiện đáng kể sau quãng thời gian trầm lắng do nhà đầu tư có tâm lý thận trọng. Thị trường giao dịch sôi động hơn là tín hiệu cho thấy khả năng các tin xấu nhất đã qua và giá cổ phiếu được chiết khấu đủ để hấp dẫn dòng tiền quay trở lại.

Với đồ thị kỹ thuật, giá phục hồi đáng kể từ vùng điểm thấp quanh 1.210 điểm. Điểm nhấn trong nhịp tăng lần này là thay vì điều chỉnh khi chạm kháng cự - vùng đỉnh cũ tại 1.277 điểm, thường thấy trong một xu hướng giảm dài hạn, thì nhịp tăng chuyển hóa thành câu chuyện tích lũy lành mạnh. Nhưng điểm trừ với trạng thái kỹ thuật hiện tại là giá tăng liên tiếp dẫn đến chỉ báo động lượng RSI đã chạm đến vùng cản mạnh trong khu vực 62 điểm. Tại đây, VN30 thường chứng kiến những nhịp điều chỉnh kể từ đầu năm đến nay.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Ưu tiên vị thế mua khi giá điều chỉnh

Trên sàn phái sinh, câu chuyện cuộc chiến giữa bên mua (Long) và bán (Short) trong tuần qua mang lại nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Với vận động giá tích lũy từ thị trường cơ sở, cơ hội đầu tư từ thị trường phái sinh hoàn toàn nằm ở mức chênh lệch giá (basis). Nếu như đầu tuần, basis âm đến hơn 10 điểm, thì đến phiên cuối tuần đã khép hoàn toàn. Diễn biến này cho thấy, bên mua đã có một pha giao dịch “sòng phẳng” với bên bán, mặc cho xu hướng chính của thị trường vẫn tiêu cực.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Giá phái sinh vận động tương đối “khó chịu” nếu nhìn vào đồ thị kỹ thuật. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, với nhiều mâu thuẫn từ thông tin cho đến tư duy giao dịch của 2 bên mua - bán. Cụ thể, bên bán có lý do để ép giá điều chỉnh thời điểm chạm cản kháng cự mạnh 1.285 điểm. Đây là điểm tạo “khoảng trống giá” (Gap) lớn nhất trong thời gian qua. Vấn đề là sức ép từ bên bán không quá mạnh, khi phiên giao dịch cuối tuần ghi nhận bên mua phản công hiệu quả và giữ được trạng thái phục hồi. Qua đó, lượng hợp đồng để qua đêm (OI) được đẩy lên mức kỷ lục từ trước đến nay.

Mặt khác, chỉ báo basis liên tiếp được cải thiện sau mỗi phiên thể hiện bên mua đang làm chủ tình huống. Do vậy, thế trận ủng hộ khá nhiều cho trạng thái lấp “Gap” với định hướng tiến lên mức 1.312 điểm trong giao dịch mới.

Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mua khi giá chính thức bứt phá ngưỡng cản tâm lý quan trọng 1.286 điểm. Mục tiêu của lệnh mua này là hướng đến ngưỡng cản tiếp theo tại 1.312 điểm. Tín hiệu xác nhận đến từ sự phục hồi theo xu hướng từ động lượng RSI. Trong kịch bản tiêu cực, nhà đầu tư nên cân nhắc quan sát, thay vì mở vị thế bán, do trạng thái dòng tiền khỏe vẫn duy trì bên thị trường cơ sở.

Tin bài liên quan