Chứng khoán phấp phỏng chờ hồi phục

Chứng khoán phấp phỏng chờ hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế và các yếu tố vĩ mô có vai trò quan trọng trong việc tác động lên xu hướng thị trường.

Cần bám sát chính sách điều hành

Về tác động của các yếu tố vĩ mô đến thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nhà đầu tư cần tập trung vào mức độ ổn định kinh tế, lạm phát, tỷ giá, hệ thống tài chính - ngân hàng, dòng vốn ra - vào. Ông Thành đánh giá, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đang gặp thách thức.

Trong quý III, nhiều ngành tiếp tục gặp khó khăn vì dịch Covid-19 ảnh hưởng khả năng kinh doanh, kết nối giao dịch. Giá nguyên vật liệu đầu vào của không ít ngành tăng mạnh trên toàn cầu, lạm phát có xu hướng tăng ở nhiều nước.

Tại Việt Nam, lạm phát chưa phải là vấn đề lớn, vì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng khả năng sẽ không kéo dài. Ông Thành phân tích, thu ngân sách tăng nhưng thâm hụt cũng tăng, vì phải dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Những vấn đề này chưa đáng lo ngại, bởi nền kinh tế vẫn trong ngưỡng chịu đựng.

Ngoài ra, cán cân thương mại hàng hóa đang thâm hụt, nhưng cả năm 2021 nhiều khả năng sẽ thặng dư, cán cân thanh toán cũng vậy. Tỷ giá đồng Việt Nam ổn định so với nhiều nước. Hệ thống ngân hàng tiếp tục được củng cố khi ngày càng nhiều nhà băng đáp ứng được các chuẩn mực tốt hơn. Vấn đề đáng chú ý là nợ xấu của nền kinh tế có nguy cơ tăng.

Lạc quan với thị trường

Theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán AInvest, tại không ít địa phương, nhất là khu vực phía Nam, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2021 trở nên khó khăn hơn.

Ảnh tác giả

Dù có không ít khó khăn nhưng các yếu tố vĩ mô vẫn khá ổn định và có thể tạo điều kiện tốt cho thị trường chứng khoán phát triển trong thời gian tới. Các vấn đề lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng hay nợ xấu vẫn đang trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Vẫn cần quan sát thêm nhưng các yếu tố này đang khá ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 và do đó, thị trường sẽ duy trì được sự phát triển.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Tuy nhiên, các chỉ báo kinh tế vĩ mô vẫn khá ổn định. Hàng hóa thế giới tăng giá, nhưng tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước chưa quá lớn. CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%. Do đó, Việt Nam có dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.

Một số ngành, lĩnh vực đang chịu tác động tiêu cực như xây lắp, bất động sản do giá nguyên liệu đầu vào gồm sắt, thép, xi măng tăng. Tuy nhiên, đây là yếu tố mang đến sự tăng trưởng cho nhóm sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, bối cảnh chung có tác động tích cực đến các ngành hàng thiết yếu, phục vụ tiêu dùng.

Về dịch bệnh Covid-19, ông Kiên lạc quan với công tác phòng chống dịch và tiêm phòng vắc-xin. Khả năng cao đến quý IV/2021 sẽ tiêm được 30% dân số và quý I/2022 đạt khoảng 70% - có được miễn dịch cộng đồng, giúp kinh tế khởi sắc.

Đồng quan điểm, ông Phan Quốc Bửu, Trưởng nhóm phân tích ngành, Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, đẩy mạnh tiêm vắc-xin sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan, kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang suy giảm sẽ sớm hồi phục, còn các ngành có triển vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Trong trung hạn, kết quả này có thể khiến dòng tiền phân hóa từ các nhóm ngành ít chịu tác động bởi dịch sang nhóm ngành gắn với chu kỳ phục hồi của nền kinh tế như bán lẻ, hàng cá nhân, hàng gia dụng, bất động sản.

Dự báo chính sách điều hành thời gian tới, ông Bửu cho rằng, về tài khóa, đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng GDP, với dự toán đạt 477.300 tỷ đồng năm 2021, 522.300 tỷ đồng năm 2022, 540.600 tỷ đồng năm 2023, đều là mức cao so với giai đoạn 2016 - 2020.

Vốn đầu tư công sẽ được tập trung bố trí cho các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các công trình giao thông. Theo đó, ngành trực tiếp hưởng lợi là xây dựng, vật liệu xây dựng; gián tiếp hưởng lợi là bất động sản công nghiệp, bất động sản dân dụng...

“Trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế có thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng vững chắc và đương nhiên thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi”, ông Bửu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan