Chứng khoán sáng 26/1: Điều gì đang xảy ra với EIB?

Chứng khoán sáng 26/1: Điều gì đang xảy ra với EIB?

(ĐTCK) Kỳ vọng đợt sóng lớn hình thành đã không diễn ra khi áp lực bán vẫn còn lớn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán sáng nay có 2 điểm đáng chú ý ở EIB và FLC.

Những thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô được đưa ra cuối tuần trước, cũng như kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp được công bố giúp thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới khá tích cực. Sắc xanh xuất hiện ngay từ đầu phiên với thanh khoản khá tốt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,51 điểm (+0,43%), lên 584,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,16 triệu đơn vị, giá trị 60 tỷ đồng.

Diễn biến thị trường tích cực hơn khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index có lúc được kéo lên gần mức 587 điểm và tưởng chừng đợt sóng lớn bắt đầu hình thành để giúp chỉ số này tiến tới ngưỡng cản tâm lý quan trọng là 600 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa thật sự mạnh dạn trở lại thị trường, trong khi áp lực chốt lời vẫn khá lớn khiến thị trường hạ nhiệt dần sau đó. Sắc xanh, nhất là ở các mã bluechip cũng thưa dần sau 1 tiếng giao dịch, khiến VN-Index lùi dần về tham chiếu.

Diễn biến trên HNX cũng khá tương đồng với HOSE. Tuy nhiên, đà thoái lui của HNX-Index chậm hơn và cũng sớm phục hồi hơn VN-Index. Dương như ngưỡng 87 điểm đang hỗ trợ khá tốt cho HNX-Index.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,28 điểm (+0,05%), lên 582,66 điểm với 93 mã tăng và 97 mã giảm. VN30-Index lại giảm nhẹ 0,35 điểm (+0,06%), xuống 614,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 98,6 triệu đơn vị, giá trị 1.366,77 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tới 37,76 triệu đơn vị, giá trị 487,6 tỷ đồng và vẫn là sự đột biến đến từ EIB khi có tới 33 triệu đơn vị, giá trị gần 430 tỷ đồng được chuyển nhượng. Như vậy, chỉ trong 2 phiên thứ Sáu tuần trước và phiên sáng nay, đã có hơn 93 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 1.110 tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuận.

Không biết giao dịch khủng có tiếp tục diễn ra với EIB nữa hay không, nhưng tổng khối lượng cổ phiếu EIB được sang tay trong 2 phiên này đã chiếm hơn 7,5% tổng khối lượng cổ phiếu EIB đang lưu hành. Giới đầu tư đang chờ đợi câu trả lời, ai là người đứng đằng sau những giao dịch khủng EIB hiện nay. Tuy nhiên, câu trả lời này chỉ có thể được sáng tỏ khi các bên giao dịch nhượng là 1 nhà đầu tư, hay 1 nhóm nhà đầu tư lớn, phải công bố thông tin sau giao dịch. Nếu không, thì giao dịch khủng này vẫn là điều bí ẩn.

Theo thông tin công bố trên website HOSE trong thời gian qua, không có thông báo đăng ký giao dịch nào của cổ đông nội bộ, hay cổ đông liên quan nào của EIB. Gần đây nhất, ngày 26/11/2014, VOF Investment Limited, cổ đông lớn của EIB bán ra 60.000 cổ phiếu, để giảm sở hữu xuống còn 61.468.517 cổ phiếu, tỷ lệ 4,99% và không còn là cổ đông lớn của EIB.

Không chỉ trong phiên thỏa thuận, trong phiên khớp lệnh, EIB cũng đang có thanh khoản khá tốt. Trong phiên cuối tuần trước, EIB được khớp hơn 3 triệu đơn vị, mức cao nhất trong 11 tháng qua. Trong phiên sáng nay, EIB này tiếp tục được khớp 1,3 triệu đơn vị,  mức cao so  khối lượng khớp trung bình của mã này. Đóng cửa, EIB tăng 300 đồng (+2,24%), lên 13.700 đồng

Tương tự, HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,02%), lên 86,88 điểm với 92 mã tăng và 81 mã giảm. HNX30-Index cũng chỉ tăng 0,06 điểm (+0,04%), lên 169,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28 triệu đơn vị, giá trị 349 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh.

Ngoài EIB, nhóm ngân hàng cũng chỉ có thêm CTG có mức tăng 300 đồng (+1,81%), lên 16.900 đồng với gần 1,47 triệu đơn vị được khớp sau khi có thông tin kết quả kinh doanh khả quan được công bố cuối tuần trước, MBB có mức tăng tối thiểu. Các mã còn lại như STB, VCB và BID đóng cửa dưới tham chiếu.

Trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, trong khi sóng nổi lên ở OGC và HQC, thì FLC lại “ngoan” một cách bất ngờ. Cụ thể, OGC, HQC đã có lúc có sắc tím, trước khi chịu sức ép từ lực cung nên lùi lại 2 bước giá, đóng cửa ở mức 6.300 đồng, tăng 3,28% với 5,29 triệu đơn vị được khớp và 7.500 đồng, tăng 4,17% với 6,47 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, giao dịch tại FLC lại yên ắng một cách đáng kinh ngạc khi sau hơn 1 tiếng giao dịch, mã này được khớp chưa tới 1 triệu đơn vị và chốt phiên với tổng khớp 2,27 triệu đơn vị, tăng nhẹ 1 bước giá.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, sắc xanh lúc đầu bao phủ gần như toàn bộ số mã bluechip, nhưng sau đó, áp lực bán gia tăng đã khiến nhiều mã đảo chiều như PVD, BID, VCB, HPG, BVH, VNM… Đó là lý do khiến VN-Index có lúc đã xuống dưới tham chiếu, trước khi đóng cửa với sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của CTG, EIB, GAS, VIC, FPT…

Trên HNX, các mã có tính đầu cơ cũng dao động lình xình và đóng cửa chủ yếu ở tham chiếu với giao dịch không mấy sôi động. Trong đó, KLF được khớp hơn 4,2 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản.

Trong khi đó, các mã được kỳ vọng sẽ có bứt phá nhờ có lợi do đồng EUR giảm giá sau quyết định tung gói QE của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) như cổ phiếu xi măng, điện vẫn chưa có động tĩnh, đa số vẫn được giao dịch dưới tham chiếu.

Cổ phiếu mới lên sàn là TTB có giao dịch khá tích cực, giống như hiệu ứng tay mới ở nhiều mã khác trước đây. Kết thúc phiên, TTB tăng 11,33%, lên 16.700 đồng với gần 360.000 đơn vị được khớp, thậm chí mã này có lúc được kéo lên mức kịch trần 19.500 đồng.

Tin bài liên quan