Chứng khoán, vàng bay cao bởi dữ liệu việc làm thất vọng

Chứng khoán, vàng bay cao bởi dữ liệu việc làm thất vọng

(ĐTCK) Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ thấp nhất trong gần 3 năm cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ chưa vững chắc, nhưng chính nhờ điều này đã giúp chứng khoán, vàng tăng vọt.
Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 12 chỉ tăng thêm 74.000 việc làm, thấp nhất trong gần 3 năm và thấp hơn nhiều so với dự đoán 196.000 việc làm của giới phân tích trước đó.

Sau khi dữ liệu việc làm thất vọng được công bố, Phố Wall đã nhanh chóng hồi phục dù trước đó đang dao động dưới mức tham chiếu, chỉ trừ Dow Jones thiếu may mắn không thể có được màu xanh.

Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 7,71 điểm (-0,05%), xuống 16.437,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,24 điểm (+0,23%), lên 1.842,37 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,47 điểm (+0,44%), lên 4.174,66 điểm.

Phố Wall hồi phục khi dữ liệu việc làm gây thất vọng, bởi giới đầu tư cho rằng, với dữ liệu việc làm này, FED sẽ không thể sớm chấm dứt gói QE3, vì vậy, dòng tiền nóng sẽ không rút ra khỏi thị trường.

Trong tuần, chỉ số S&P 500 tăng 0,6%, chỉ số Nasdaq tăng 1%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2%.

Chứng khoán châu Âu cũng có phiên hồi phục mạnh cuối tuần. Ngoài dữ liệu việc làm thất vọng của Mỹ giúp giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền nóng từ gói QE3 chưa thể rút ra khỏi thị trường, chứng khoán châu Âu còn được kích thích bởi phát biểu của Mario Draghi. Hôm thứ Năm, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi nhấn mạnh quyết tâm của mình để tránh cho kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng giảm phát.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số FTSE 100 tăng 48,6 điểm (+0,73%), lên 6.739,94 điểm. Chỉ số DAX tăng 51,63 điểm (+0,55%), lên 9.473,24 điểm. Chỉ số CAC40 của Pháp tăng 25,46 điểm (+0,60%), lên 4.250,6 điểm.

Không chỉ chứng khoán, sau thông tin tiêu cực của dữ liệu việc làm, giá vàng cũng tăng vọt lên sát mốc 1.250 USD/ounce. Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 20,9 USD (+1,7%), lên 1.248,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tăng 17,5 USD (+1,42%), lên 1.246,9 USD/ounce.

Trước đó, chứng khoán châu Á kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trái chiều. Trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại, thì chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh sau diwx liệu thương mại được công bố.

Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 31,73 điểm (+0,2%), lên 15.912,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 58,92 điểm (+0,26%), lên 22.846,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 14,32 điểm (-0,71%), xuống 2.013,30 điểm.

Dù có phiên hồi phục cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn có tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2013.

Giá dầu cũng có phiên hồi phục mạnh trở lại từ mức thấp nhất 8 tháng. Kết thúc phiên cuối tuần, giá dầu thô trên thị trường New York tăng 1,06 USD (1,14%), lên 92,72 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,86 USD (+0,8%), lên 107,25 USD/thùng.

Tin bài liên quan