Các khách mời tham gia buổi đối thoại.

Các khách mời tham gia buổi đối thoại.

Chung tay đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần ý thức, ưu tiên và chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Việt Nam đã có nhiều bước đi và thành tựu trong việc hoàn thiện khung pháp lý và thực thi pháp luật về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như nhiều loài động vật hoang dã bị mất sinh cảnh sống, hoặc bị suy giảm số lượng loài.

Việt Nam là quê hương của loài hổ Đông Dương (tên khoa học là Panthera tigris corbetti). Tuy nhiên, số lượng loài này đã giảm xuống chỉ còn 5 cá thể vào năm 2015 do sự gia tăng về nhu cầu sử dụng và hoạt động buôn bán trái phép hổ và các sản phẩm từ hổ.

Nhằm góp phần giải quyết vấn nạn này, Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tại Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (thuộc Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam (thuộc Văn phòng Quốc hội) thực hiện các chương trình, can thiệp nhằm phát huy vai trò của các nhà lập pháp hướng đến những sự thay đổi tích cực và bền vững.

Tham gia Chương trình Đối thoại chính sách "Giải pháp hoàn thiện công tác bảo vệ động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm" trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam đầu tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: "Tôi ủng hộ các nỗ lực bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Tôi quan tâm và theo dõi các kế hoạch và hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và quản lý động, thực vật hoang dã. Để hoàn thiện công tác thực thi pháp luật đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan như hải quan và cảnh sát môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cũng đóng vai trò quan trọng, cần hướng tới các đối tượng cụ thể và đa dạng hơn, cũng như có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Tôi cho rằng, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần ý thức, ưu tiên và chung tay bảo vệ động vật hoang dã".

Tham gia chương trình với tư cách là chuyên gia bảo tồn động, thực vật hoang dã, ông Tejpal Singh, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức TRAFFIC, đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm quốc tế thành công mà Việt Nam có thể áp dụng để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả hơn.

Ông Tejpal Singh nhấn mạnh, một trong những trụ cột trong Chiến lược phát triển đến năm 2030 của Tổ chức TRAFFIC là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi của các chính sách và quy định quốc gia về bảo tồn động vật hoang dã. Điều này xuất phát từ thực tiễn và đảm bảo rằng các quốc gia Đông Nam Á có thể nhận được sự hỗ trợ hiệu quả để hoàn thiện công tác này.

Tại Việt Nam, các khách mời tham gia Chương trình đã phân tích những hạn chế còn tồn tại của công tác bảo vệ động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cũng như sự chồng chéo của các quy định pháp luật, sự yếu kém của công tác thực thi pháp luật, các chiến lược truyền thông còn chưa nhất quán và chưa có nhiều cơ chế hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn động, thực vật hoang dã.

Các khách mời khuyến khích các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp tục tăng cường công tác thực thi pháp luật, đặc biệt là việc điều tra và bắt giữ được những “ông trùm” của các mạng lưới tội phạm hướng đến việc triệt phá và chấm dứt các đường dây tội phạm về động vật hoang dã. Đồng thời, việc tăng cường chia sẻ các thông tin tình báo giữa các quốc gia châu Á sẽ góp phần hoàn thiện hiệu quả của công tác điều tra, bắt giữ và truy tố tội phạm về động, thực vật hoang dã.

Ông Tejpal Singh cho biết, TRAFFIC đã xây dựng và vận hành Nền tảng Trao đổi Thông tin về tình hình buôn bán động thực vật hoang dã (TWIX) nhằm kết nối các cán bộ thực thi pháp luật tại châu Âu và châu Phi trong việc chia sẻ kiến thức chuyên môn, dữ liệu bắt giữ và các thông tin điều tra một cách hệ thống và nhanh chóng. Các quốc gia châu Á được đề xuất có thể áp dụng nền tảng này trong tương lai.

"Đông Nam Á là một khu vực quan trọng mà chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các can thiệp. TRAFFIC cam kết sẽ tiếp tục thu thập và phân tích các dữ liệu liên quan đến thương mại động, thực vật hoang dã hợp pháp và trái pháp luật, là cơ sở định hướng cho các quyết định về chính sách có liên quan của các chính phủ và khu vực tư nhân, ví dụ như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các biện pháp kiểm soát thương mại. TRAFFIC sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính phủ, các hiệp hội ngành, nghề và các bên liên quan khác để thay đổi hành vi của các nhóm người tiêu dùng tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Điều này phù hợp với Nghị quyết về việc thực hiện các biện pháp giảm cầu mà Ban Thư ký Công ước buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã thông qua tại cuộc họp Công Ước lần thứ 19 tại Panama vào năm ngoái", ông Tejpal Singh cho biết.

Tin bài liên quan