“Chuôi”… ai nắm?

“Chuôi”… ai nắm?

(ĐTCK-online) Ba tuần gần đây, một ngân hàng thương mại cổ phần lớn không còn mặn mà với việc cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Trước đây, ngân hàng này vẫn chào cho vay 3 tháng với lãi suất 10,5%/năm. Nay chỉ còn chào cho vay tối đa 1 tháng với cùng mức lãi suất. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết, hệ thống ngân hàng đang rất khó huy động vốn và "đương nhiên, mình phải lo cứu mình trước".

Trên thực tế, thời gian gần đây, những giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng chủ yếu là để bù đắp thanh khoản với các mức lãi suất xoay quanh 10%/năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản cấm không được sử dụng vốn vay liên ngân hàng để cho vay ra thị trường. Kèm theo đó là sự tăng cường thanh tra về vấn đề này.

Tất cả các động thái gần đây của NHNN đều nhằm một mục tiêu là gián tiếp chặn sự tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là cho vay lĩnh vực phi sản xuất của các ngân hàng trước tín hiệu lạm phát gia tăng. Sự thực là cơ quan quản lý vẫn đang nắm "đằng chuôi".

Dữ liệu quá khứ cho thấy, việc kiểm soát thông qua các mục tiêu cụ thể khó mang lại kết quả. Các mục tiêu tăng trưởng tín dụng như 25% của năm 2007 đã lên ngưỡng 52% và mới nhất mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% cho cả năm 2009 đã biến thành 33% chỉ sau 10 tháng.

Hiện nay, công cụ mang lại hiệu quả rõ rệt nhất của NHNN là phương thức quản lý theo lãi suất cơ bản. Việc chặn trần lãi suất đang khiến các ngân hàng rất khó khăn trong việc huy động vốn từ dân cư. Tăng trưởng huy động vốn trong hai tháng 9 và 10 đã chững lại rõ rệt với mức tăng chỉ trên 1% và chính Thống đốc NHNN cũng đã dự báo tăng trưởng huy động vốn trong hai tháng 11 và 12 chỉ khoảng trên 1%. Mục đích kiềm chế tín dụng đã đạt được, không có vốn, các ngân hàng không thể cho vay.

Về phần mình, NHNN cũng đang siết lại kênh bơm vốn qua thị trường mở (OMO). Hiện nay, cơ quan này chỉ còn cho các ngân hàng vay vốn với kỳ hạn 1 tuần với tổng số vốn khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng/tuần. Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước, hiện tại NHNN đang dần hạn chế bơm vốn qua kênh này với phương thức "ngân hàng thương mại trả lại bao nhiêu tiền vay trước đó, NHNN sẽ cho vay mới số vốn tương ứng".

"Các ngân hàng đang rơi vào thế khó xử bởi lẽ có từ chối không cho khách hàng vay vốn thì ngân hàng cũng không dám từ chối tất cả mà vẫn phải cho khách hàng truyền thống vay vốn trong khi 'đầu vào' đang bị siết một cách toàn diện", vị lãnh đạo này cho biết.

Trong hoàn cảnh khó khăn về huy động vốn, lãi suất bị chặn trần, những mô hình như 'đường cong lãi suất' - lãi suất kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn không còn giá trị. Mới nhất, Ngân hàng cổ phần Đại Dương đã áp dụng mức lãi suất 9,85%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng. Tình hình thị trường khiến một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần liên tưởng tới năm 2008. "Giờ thì tất cả các ngân hàng dù lớn hay nhỏ đều đã tăng lãi suất huy động nhằm 'tranh cướp' nhau số tiền gửi ít ỏi còn lại từ dân cư".

Những thông điệp cảnh báo từ NHNN tới các ngân hàng thương mại rằng việc cung ứng vốn sẽ bị hạn chế từ nay tới cuối năm chỉ làm tăng thêm lo ngại cho các ông chủ nhà băng. Ai cũng biết, giai đoạn cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng cao.

"Các ngân hàng vẫn sẽ phải tiếp tục cho vay, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Kiểm soát tín dụng quá mức, khi đó, sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế. Khi đó, NHNN chắc chắn sẽ phải 'ứng xử' mềm dẻo hơn", vị lãnh đạo trên nhận định.

Cũng cần phải nhớ rằng, mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN không chỉ là kiềm chế lạm phát mà còn phải hỗ trợ tăng trưởng. Chính vì vậy, các ngân hàng có lý khi tin rằng, NHNN sẽ không thể "làm ngơ' khi nhu cầu vay vốn tăng cao hơn nữa so với mức hiện nay trong hoàn cảnh huy động vốn vẫn khó khăn. Với vai trò "người cho vay cuối cùng", NHNN vẫn phải đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống. Đó chính là "cái chuôi" của ngân hàng thương mại.